MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị Shark Bình gọi là "kẻ đào mỏ" trên Shark Tank, Founder Tanca phân trần vì sao chỉ nói về chấm công trong khi phần mềm quản lý nhân sự có nhiều tính năng

24-07-2021 - 11:33 AM | Doanh nghiệp

Bị Shark Bình gọi là "kẻ đào mỏ" trên Shark Tank, Founder Tanca phân trần vì sao chỉ nói về chấm công trong khi phần mềm quản lý nhân sự có nhiều tính năng

Tanca là phần mềm quản lý nhân sự với 11 nhóm tính năng. Ở vòng sơ loại, Viết Quân nhận được lời khuyên từ hội đồng giám khảo là nên tập trung chỉ nói về những gì Tanca mạnh nhất. Vì trong khoảng thời gian 3-5 phút để nói về sản phẩm, sẽ không đủ thời gian cho các Shark và khán giả hiểu được toàn bộ nền tảng nhân sự có những gì.

Một trong những thương vụ gây tranh cãi trên sóng Shark Tank tuần qua là màn gọi vốn của Trần Viết Quân - Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Ứng dụng Di động xanh. Anh đến để giới thiệu ứng dụng quản lý nhân sự 4.0 có tên Tanca và kêu gọi đầu tư 150.000 USD cho 3% cổ phần (định giá gần 5 triệu USD). 

Tanca là phần mềm nhân sự đầu tiên ứng dụng chấm công bằng điện thoại tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhận diện khuôn mặt. Công nghệ này giúp phần mềm nhận diện ra nhân viên khi chấm công thông qua điện thoại và cả camera quan sát tại doanh nghiệp.

Sau khi nghe startup trình bày, Shark Phú đánh giá: "Em đã break even (hòa vốn) thì anh nghĩ là việc gọi thêm vốn cũng không phải quá quan trọng với bọn em". Chính vì thế, Shark Phú quyết định không đầu tư cho Tanca nhưng cho biết có thể trở thành khách hàng của startup.

Shark Liên cũng không đầu tư vì cho rằng môi trường làm việc cực kỳ quan trọng, người bị giám sát sẽ có tâm lý khó chịu. "Tôi giao niềm tin bằng nhìn hiệu quả công việc và tạo cho các bạn trong tập đoàn của tôi thoải mái về thời gian", Shark Liên chia sẻ.

Shark Hưng cũng từ chối đầu tư vì cho rằng 150.000 USD không thay đổi tình hình kinh doanh của startup. Shark giải thích: "Tại vì bạn chủ yếu là B2B. Và giải pháp của bạn cũng đã tạm ổn rồi, không cần tiền để phát triển lên nữa, còn cải tiến thì lúc nào cũng cần... Tôi thấy động lực các bạn lên Shark Tank không hoàn toàn vì vốn. Nên tôi không đầu tư. Tuy nhiên, đánh giá giải pháp của startup có vài khía cạnh có hiệu quả nên có thể yêu cầu phòng nhân sự nghiên cứu và sử dụng ứng dụng của các bạn".

Shark Bình đề nghị 5 tỷ cho 20% cổ phần nhưng Viết Quân đề nghị 150.000 USD cho 5% cổ phần. Shark Bình cho rằng 5% cổ phần không làm nên giá trị gì. "Với mức định giá như vậy, Shark Tank gọi là kẻ đào mỏ, chỉ lên để quảng cáo thôi". Founder Tanca ra về tay trắng do không đồng thuận với các shark.

Bị Shark Bình gọi là kẻ đào mỏ trên Shark Tank, Founder Tanca phân trần vì sao chỉ nói về chấm công trong khi phần mềm quản lý nhân sự có nhiều tính năng - Ảnh 1.

Cộng đồng mạng đồng tình với ý kiến của Shark Bình: Tanca lên Shark Tank chỉ để quảng cáo

Bị Shark Bình gọi là kẻ đào mỏ trên Shark Tank, Founder Tanca phân trần vì sao chỉ nói về chấm công trong khi phần mềm quản lý nhân sự có nhiều tính năng - Ảnh 2.

Một số ý kiến cho rằng các nhà đầu tư sẽ không rót vốn vào một startups nếu chỉ nhận về 5%

Sau chương trình, Trần Viết Quân đã có chia sẻ thêm thông tin về quá trình gọi vốn trên Shark Tank. Anh cho biết Tanca là phần mềm quản lý nhân sự với 11 nhóm tính năng. Ở vòng sơ loại, Viết Quân nhận được lời khuyên từ hội đồng giám khảo là nên tập trung chỉ nói về những gì Tanca mạnh nhất. Vì trong khoảng thời gian 3-5 phút để nói về sản phẩm, sẽ không đủ thời gian cho các Shark và khán giả hiểu được toàn bộ nền tảng nhân sự có những gì. Do vậy anh đã lựa chọn tại vòng gặp mặt trực tiếp chỉ nói sâu về giải pháp chấm công của Tanca. Cũng chính giải pháp này là điểm xuất phát đầu tiên của Tanca cách đây hơn 2 năm.

Bị Shark Bình gọi là kẻ đào mỏ trên Shark Tank, Founder Tanca phân trần vì sao chỉ nói về chấm công trong khi phần mềm quản lý nhân sự có nhiều tính năng - Ảnh 3.

Các giải pháp Tanca cung cấp

Theo Viết Quân, Tanca là mô hình Software as a service (SAAS) mô hình này cần rất nhiều chỉ số chứ không chỉ là Doanh thu (Rev). Ở chương trình người xem sẽ không rõ các chỉ số về CAC (Customer Acquisition Cost), LTV (Lifetime value), Churn Rate (tỷ lệ khách hàng rời bỏ, ngừng sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ), APPA (Average revenue per account), Growth Rate… Các chỉ số này sẽ nói lên tính bền vững của mô hình kinh doanh và khả năng mở rộng của nó. Ví dụ Tanca đang tính Lifetime ở 9-10 năm và Churn rate khách hàng chỉ là ~10%/năm so với trung bình là 30-50%/năm. LTV luôn lớn hơn CAC 3x, với chỉ số này được đánh giá là mô hình bền vững.

"Chúng tôi nhìn thấy một thị trường lớn hơn, Tanca không chỉ tập trung xây dựng sản phẩm trong nước. Ngay từ đầu chúng tôi đã lựa chọn tên miền là Tanca.io thay vì Tanca.vn và có phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt. Chúng tôi vẫn đang phục vụ cho các khách hàng ở thị trường nước ngoài", Viết Quân chia sẻ.

Về con số kêu gọi đầu tư 150.000 USD trên Shark Tank, Viết Quân cho biết Tanca mới được hơn 2 năm tuổi, với mô hình SAAS điểm mấu chốt là sản phẩm phải thật sự rất tốt và khác biệt mới có thể có được khách hàng. 

Anh viết, "thông thường các công ty SAAS sẽ mất 5 năm đầu chỉ để tập trung phát triển sản phẩm thật tốt và sau đó họ mới có thể tăng trưởng nhanh. Tại Việt Nam các công ty SAAS cũng chỉ mới bắt đầu. Do vậy mục tiêu của chúng tôi gọi vốn tại Sharktank cộng với doanh thu phát triển mới 2021 là để tập trung để phát triển sản phẩm tốt nhất".

Đối với nhóm nghiệp vụ lương và phúc lợi (Compensation & Benefit), Tanca tự tin có thể giải quyết được hầu hết chấm công và tính lương cho nhóm khách hàng dưới 5000 nhân viên. "Với tính lương chúng tôi áp dụng thuật toán tương tự Excel, nghĩa là người dùng làm Excel thế nào thì làm trên Tanca như vậy.  Bạn vẫn có thể làm y chang cách cũ trên hệ thống của Tanca", Viết Quân cho biết.

Về câu hỏi lên Shark Tank với mục đích PR, Trần Viết Quân cho biết anh đến Shark Tank để gọi vốn và muốn tìm người đồng hành là các Shark trên hành trình của Startup. "Shark Tank là lần đầu tiên chúng tôi chính thức đi gọi vốn do vậy tôi cũng cảm thấy hồi hộp và có thể phần deal offer không như mong muốn. Dù sao Shark Tank cũng là một thử thách gọi vốn tốt cho Tanca trong chặng đường tới", Founder Tanca chia sẻ.

Được biết, năm 2019 Tanca nhận giải thưởng Nhân Tài Đất Việt. Năm 2020, Tanca vinh danh Sản phẩm Công nghệ sáng tạo TechAwards 2020. Nhiều Startup thành công từ Shark Tank đã lựa chọn Tanca để giải quyết những vấn đề về quản lý nhân sự trong doanh nghiệp như eDoctor (nền tảng công nghệ giúp khách hàng có thể sử dụng những dịch vụ y tế như xét nghiệm ngay tại nhà rồi nhận kết quả trực tiếp qua ứng dụng di động),  Luxstay (ứng dụng đặt phòng online home-sharing); Vua Cua - Startup đầu tiên "khai màn" cho Shark Tank Việt Nam mùa 4. 

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên