MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị thiệt, doanh nghiệp cứ mạnh dạn kiện

Doanh nghiệp cứ mạnh dạn kiện, đừng sợ bị trả đũa. Từ ngày 1-7, đích thân lãnh đạo phải hầu tòa.

Tuần qua, sau phiên xử phúc thẩm vụ kiện quyết định truy thu thuế của cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, Công ty Cổ phần Rượu Phú Lễ đã giảm được gần 5,1 tỉ đồng số tiền bị truy thu, chỉ phải nộp khoảng 400 triệu đồng.

Tòa vừa xử xong, thuế kêu lên gặp

Ông Trần Anh Thuy, Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Lễ, cho biết công ty cũng đã cân nhắc rất kỹ trước khi khởi kiện. Bởi anh em, bạn bè ai cũng can đừng khởi kiện và nếu có kiện cũng thua, mà đường làm ăn sắp tới có khi sẽ gặp khó khăn vì bị gây khó dễ.

“Nhưng tụi tôi suy nghĩ rằng tìm ra lẽ phải là một chuyện nhất định phải làm. Nếu có ai đó gây khó dễ với mình thì mình phải phản biện lại chuyện làm khó làm dễ đó chứ. Nếu sợ bị làm khó dễ trong tương lai mà không kiện tức là chấp nhận sự phi lý hiện tại rồi còn gì” - ông Thuy chia sẻ.

Ông Thuy cũng kể lại động thái của cơ quan thuế sau phiên tòa: “Chi cục Thuế quận Tân Bình kêu lên làm việc liền. Họ yêu cầu công ty nộp tiền truy thu thuế vì có bản án rồi, tuy thắng phần 5,1 tỉ đồng nhưng vẫn bị truy thu phần 400 triệu đồng. Tôi mới trả lời là án sơ thẩm này chưa có hiệu lực, vì tôi còn yêu cầu phúc thẩm nữa mà. Tôi đưa đơn phúc thẩm của công ty cho họ xem. Họ vui vẻ lưu hồ sơ rồi cùng chờ tòa xử thôi”.

Theo ông Thuy, thực sự thì ban đầu công ty cũng lo. Nhưng từ hồi kiện tới nay mọi hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường, không bị làm khó dễ hay gặp rắc rối như mọi người lo ngại.

Cay đắng sau thắng kiện

Không phải công ty nào cũng vững tinh thần như Phú Lễ. Ông V., giám đốc một công ty, tâm sự sau khi thắng kiện cơ quan thuế thì không bị truy thu thuế nữa nhưng rất mệt mỏi.

“Nộp đơn kiện xong, tôi cảm giác mình bị “soi” dữ dội. Quy định thì rất nhiều, lại hay thay đổi, doanh nghiệp (DN) không theo sát nổi. Sai một chút là cơ quan thuế phạt ngay. Bị “soi” như vậy, tụi tôi suốt ngày chỉ lo nghĩ về quy định, xem mình có sai sót gì không, mắc lỗi gì không nên chẳng còn tâm trí nào để lo làm ăn” - vị giám đốc DN này kể.

Sau vụ kiện, ông V. cay đắng chia sẻ: “Tôi không hối hận gì vì đã kiện. Đó là lẽ phải. Nhưng tiếp tục ở lại chỗ này để làm ăn không xong rồi. Có thể tôi sẽ chuyển đi nơi khác mở DN”!

Luật sư Nguyễn Quang Thái, Văn phòng luật sư Nguyễn Quang Thái và cộng sự, cho biết đã từng có nhiều DN nhờ luật sư hỗ trợ các thủ tục khiếu nại. “Nhưng thường họ chỉ khiếu nại thôi chứ ít dám kiện vì ngại bị trả đũa. DN đâu có thể nắm hết tất cả quy định, thủ tục… nên thể nào cũng có sai sót gì đó. Do đó họ thường có tâm lý không muốn vì đi kiện để rồi bị kiểm tra, thanh tra hết chuyện này đến chuyện khác” - ông Thái nhận xét.

Khích lệ tinh thần khởi... kiện

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, từng hỗ trợ nhiều cá nhân, hộ kinh doanh, DN kiện thuế và thắng, cho biết thực tế rất nhiều công ty sợ kiện vì e ngại bị cơ quan thuế “thù” dai, nhất là các đơn vị không có người chuyên lo về thuế chỉn chu.

Tuy nhiên, theo ông Xoa: “E ngại như thế là không có căn cứ. Không việc gì phải sợ. Kiện các quyết định truy thu thuế, phạt thuế là vụ kiện hành chính. Thua kiện chỉ mất có 200.000 đồng án phí. Nhưng thắng kiện, DN có thể lợi hàng tỉ đồng, sao lại không kiện!” - ông phân tích.

Một nhân viên thuế cũng chia sẻ nếu cơ quan thuế không truy thu, không phạt mà bị thanh tra, kiểm tra và kết luận cơ quan thuế làm sai, gây thất thoát thuế thì công chức cũng “rất mệt”. Cho nên họ cứ truy thu, cứ phạt DN. Trường hợp DN có kiện mà thắng thì coi như cơ quan thuế có căn cứ để không truy thu. Do đó, DN cứ mạnh dạn kiện, có lợi cho bản thân mà cơ quan thuế cũng có lợi!

Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty Dịch vụ kế toán Đồng Hưng, cho rằng nhiều quy định, chính sách không rõ ràng với nhiều cách hiểu khác nhau. Thế nên kiện còn là để làm rõ cách hiểu, cách áp dụng quy định. DN kiện vì quy định, chính sách chứ không công kích cá nhân công chức hay cơ quan thuế, vì vậy đừng ngại.

Điều này cũng có nghĩa là qua đó thúc đẩy các chính sách, quy định phải được hiểu một cách nhất quán, áp dụng nhất quán, không có chuyện cùng một nội dung quy định mà với DN này thì áp dụng thế này, với đơn vị kia thì không được chấp nhận.

Ông Tiến cũng nêu thực tế không ít chủ DN rất ngại kiện vì lo lắng việc bị kiểm tra, thanh tra thêm nhiều nội dung khác trong hoạt động. “Nếu chủ DN nhận được tư vấn tốt, làm tốt, đúng quy định thì sẽ vượt qua được nỗi lo ngại này” - ông Tiến nói.

Theo Quỳnh Như

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên