Bí thư Hà Nội: 14 năm nữa mới cấm xe máy nội đô
"Người dân sẽ có 14 năm để chuẩn bị - nghĩa là đến năm 2030 mới cấm xe máy nội đô” - Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải trao đổi bên hành lang QH sáng nay.
- 06-10-2016Cấm xe máy Hà Nội: Còn lâu mới cấm được
- 26-09-2016Chữa tắc đường ở Hà Nội: Dời đô hành chính hay cấm xe máy?
- 23-09-2016TS. Huỳnh Thế Du: “Cấm xe máy lấy gì mà đi”
- 23-09-2016Cấm xe máy, Hà Nội lấy gì vận chuyển người dân?
- 21-09-2016Hà Nội cấm xe máy: Tôi ủng hộ, nhưng đừng dùng từ “ngoại tỉnh”!
- 20-09-2016Sở GTVT Hà Nội nói gì về việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô?
Phân tích về đề án hạn chế phương tiện cá nhân của thành phố, ông Hoàng Trung Hải cho hay: “Chúng ta phải hiểu đến một lúc nào đó cần hạn chế phương tiện cá nhân, xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ, phải cấm xe máy. Nhiều quốc gia có nguồn vốn, năng lực hơn chúng ta cũng đã áp dụng phương án đó”.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết, việc thực hiện cấm xe máy sẽ có lộ trình để người dân có thời gian chuẩn bị, không có chuyện áp dụng ngay.
Theo đó, đối với ôtô, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu quản lý bằng cách quy định cho lưu thông theo ngày chẵn, ngày lẻ, không được thoải mái lưu thông như lâu nay. Người dân hoàn toàn có quyền quyết định đến thời điểm cụ thể trong tương lai sẽ sử dụng phượng tiện công cộng hay đi ôtô cá nhân.
Ông cho biết, trong dự thảo đề án dự kiến đến 2025 cấm xe máy các quận nội đô, nhưng thực tế hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được.
"Do đó, có khả năng phải lùi thời điểm cấm xe máy trong nội đô đến 2030. Từ nay đến đó, người dân đã có khoảng 14 năm để chuẩn bị, TP cũng hoàn thiện được hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng”, ông Hải nói.
Bí thư Hà Nội chỉ ra, tăng trưởng dân số Thủ đô khoảng 2,4% năm, (200.000 người/năm), hiện có 10 triệu dân, TP mỗi năm phải giải quyết khoảng 160.000 việc làm mới. Tăng dân số cơ học đi liền với tăng nhu cầu đi lại, phương tiện giao thông cá nhân.
"Hà Nội hiện có khoảng 560.000 xe ôtô, 5,5 triệu xe máy. Tỷ lệ gia tăng của ôtô gần 17%/năm, xe máy tăng gần 8%. Trong khi đó, diện tích khu vực nội đô không mở rộng, tốc độ đầu tư cho hạ tầng của thành phố chỉ gần 4%/năm", ông Hải phân tích và nhận định, từ những số liệu thống kê này có thể thấy ngay sự bất cập, việc đầu tư hạ tầng không đáp ứng được.
Không có tàu điện ngầm giao thông sẽ gặp khó
Lãnh đạo Hà Nội cũng thông tin thêm về phát triển hạ tầng giao thông ở Thủ đô. Theo đó, TP đang tập trung vốn phát triển các tuyến đường vành đai (1, 2, 2,5, vành đai 3,5). Đồng thời hoàn thiện các trục xuyên tâm, thêm trục hồ Tây - Ba Vì, mở rộng, kéo dài trục quốc lộ 6, tiếp tục đầu tư làm đường trên cao, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị…
Ông cho biết, TP đã rất tích cực kêu gọi nguồn vốn xã hội, nhà đầu tư trong, ngoài nước. Nhưng chưa nhà đầu tư tư nhân nào quan tâm đến dự án tàu điện ngầm.
"Nếu không giải quyết được vấn đề tàu điện ngầm thì hết sức khó khăn cho giao thông trong những năm tới”, Bí thư Hà Nội nói.
Ông cũng cho hay, để phát triển phương tiện giao thông công cộng từ nay đến năm 2020 phải tăng gần gấp đôi lượng tuyến xe buýt, từ 1.500 xe hiện tại lên hơn 2.000 xe, mở rộng độ bao phủ của xe buýt công cộng tới các khu dân cư của ở tất cả 12 quận nội thành.
Vietnamnet