MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Hà Nội: Không mở cửa ồ ạt

29-09-2021 - 14:15 PM | Xã hội

Bí thư Hà Nội: Không mở cửa ồ ạt

"Chủ trương của thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt. Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch", Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.

Trao đổi với báo chí về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, nguyên tắc nhất quán trong phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội là thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư, coi bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Ông Dũng nêu, khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, nhờ dự báo chính xác tình hình, thành phố đã áp dụng các biện pháp mạnh ngay từ đầu; đồng thời điều chỉnh linh hoạt theo từng thời điểm phù hợp với thực tế.

"Từ giữa tháng 7/2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc mới tăng nhanh. Trước tình hình đó, thành phố quyết định áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 24/7. 2 tháng qua, Hà Nội đã thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội. Chủ động thực hiện giãn cách xã hội là quyết định dũng cảm, kịp thời, đúng và trúng của thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách xã hội, thành phố đã triển khai xét nghiệm tầm soát thần tốc, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm; đã phát hiện và đưa đi cách ly, điều trị kịp thời nhiều ca F0, truy vết và cách ly triệt để các trường hợp F1", ông Dũng nêu.

Ông Dũng cũng khẳng định, nhờ sự quan tâm của T.Ư, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc xin cùng sự hỗ trợ chí tình, chí nghĩa của 12 tỉnh, thành phố, các bệnh viện quân đội, công an, bệnh viện tư nhân, Hà Nội đã thần tốc hoàn thành cơ bản tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 cho người dân đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên vào ngày 15/9. Nhờ đó, thành phố quyết định nới lỏng một số hoạt động ngay từ sáng 16/9, đến ngày 21/9 tiếp tục nới lỏng thêm một số hoạt động và ngày 28/9 cho phép thêm hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời (nhưng không được tập trung quá 10 người), cho mở toàn bộ trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về) và cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm.

"Sở dĩ phải mở từng bước, thận trọng như vậy vì nguy cơ dịch vẫn còn, biến chủng mới của COVID-19 rất nguy hiểm, khó lường, có tốc độ lây lan nhanh; trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng và phải chờ nguồn phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế. Tâm lý một bộ phận người dân lại rất chủ quan. Mặc dù thành phố cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời với yêu cầu không được tập trung quá 10 người, nhưng nhiều nơi công cộng đã có hiện tượng tụ tập đông người, một số người còn không đeo khẩu trang", ông Dũng thông tin.

Từ thực tế công tác phòng, chống dịch của Hà Nội, ông Dũng cho biết, bài học giúp thành phố khống chế dịch thành công, không để bùng phát mạnh trong gần 5 tháng qua là dựa vào dân, huy động được sức dân tham gia chống dịch. Người dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng, chống dịch tại Thủ đô.

Bên cạnh vai trò nòng cốt là lực lượng tuyến đầu, việc thành phố có thể nới lỏng các hoạt động như hiện nay chính là thành quả, là công sức đóng góp của nhân dân. Do đó, Thành ủy đề nghị mỗi người dân Thủ đô tiếp tục chung sức, đồng lòng cùng thành phố bảo vệ thành quả này, tự giác thực hiện nghiêm “5K”, quét mã QR khai báo y tế khi đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, không tụ tập quá 10 người nơi công cộng...

"Ban Cán sự đảng UBND thành phố cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng kịch bản theo nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch", Bí thư Hà Nội nói.

Bí thư Hà Nội nêu, qua kiểm tra và phản ánh của báo chí, người dân, có tình trạng thực hiện không nghiêm ở một số địa phương, cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang về nhưng vẫn cho khách ngồi ăn uống tại chỗ.

"Tôi đề nghị các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh ngay. Các cửa hàng phải ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của thành phố và các biện pháp phòng, chống COVID-19. Vì chỉ cần một chút lơ là, dịch bùng phát trở lại thì thành quả sẽ mất", ông Dũng khuyến cáo.

An toàn đến đâu mở cửa đến đó

Bí thư Hà Nội cho biết, dù thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích mà chỉ điều chỉnh lại hoạt động để bảo đảm phòng, chống dịch. Nhờ đó, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh trong 60 ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy; duy trì hoạt động thương mại, bảo đảm sản xuất một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp... Thành phố cũng đã triển khai tổ chức sản xuất an toàn, ổn định ở “vùng xanh” để cung ứng hàng hóa cho “vùng đỏ”; tổ chức cho người dân thu hoạch rau màu, vụ lúa hè thu...

"Ngay từ khi thực hiện phong toả, chúng tôi đã chỉ đạo bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì được chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, thành phố đã thu được một số kết quả khả quan như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng 6,61%, cao hơn quý trước (quý I tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%); 8 tháng đầu năm 2021 thu ngân sách đạt 69,8% dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp cũng tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020...", Bí thư Hà Nội nêu.

Ông Dũng khẳng định: Chủ trương của thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt. Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch.

Thường trực Thành ủy cũng đã giao cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp ghi nhận các kiến nghị, đề xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Các cấp, các ngành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp.

Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp chủ động có phương án thích ứng với dịch bệnh, chuyển đổi số, tổ chức lại sản xuất kinh doanh bảo đảm vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Tiêm phủ mũi 2 vắc xin COVID-19 trong tháng 10

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế. Song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, có 3 biện pháp trọng tâm mà Hà Nội sẽ tập trung thực hiện.

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, người dân phải thực hiện “5K”, tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR, đưa việc này trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày. Thành phố mong rằng, cùng với người dân, các doanh nghiệp sẽ thực sự là chủ thể, là trung tâm trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; có phương án sản xuất an toàn; an toàn để sản xuất, sản xuất phải bảo đảm an toàn.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, nâng cao khả năng dự báo và đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống y tế dự phòng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện; trọng tâm là chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm ở mức cao hơn trên nguyên tắc là không để F0 phải điều trị tại nhà; phát hiện sớm, điều trị ngay, giảm tối đa các ca bệnh chuyển nặng, các ca tử vong.

Thứ ba, tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc xin để trong tháng 10/2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1; chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân dưới 18 tuổi khi có vắc xin và hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời tăng cường thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2-3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng và nhóm đối tượng nguy cơ khác để kiểm soát lây lan dịch bệnh.

Đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương phối hợp chặt chẽ với thành phố trong công tác tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn, ứng dụng công nghệ thông tin, nhập liệu ngay sau khi tiêm... Đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn về hoạt động của người đã tiêm 1 mũi vắc xin và tiêm đủ 2 mũi vắc xin để tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng phương án kiểm soát linh hoạt dịch bệnh, bước vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Trường Phong

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên