MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Hà Nội: Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp thiết

Bí thư Hà Nội: Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp thiết

Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 cần ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án dân sinh cấp thiết (nước sạch, chất thải, ô nhiễm môi trường…), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Sáng 30/11, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII đã khai mạc Hội nghị lần thứ 6. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội tiến hành thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung quan trọng, trong đó có 6 nội dung về kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công của thành phố; 1 dự thảo Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; 2 dự thảo chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch, xây dựng và công tác quản lý đất đai, khoáng sản; và dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy Hà Nội. Các đại biểu chia thành 4 tổ, dành 1 ngày làm việc để thảo luận các nội dung trên.

Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dân sinh cấp thiết

Trao đổi, gợi mở một số vấn đề cần chú ý khi thảo luận, trước hết về tình hình kinh tế - xã hội, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội và cũng là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, Kế hoạch tài chính ngân sách và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Toàn hệ thống chính trị của TP. Hà Nội đã và đang quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

Tuy nhiên, Hà Nội đang phải gánh chịu rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô; đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và đầu tư công năm 2021 của TP. Hà Nội, gắn với công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; tập trung thảo luận, thống nhất các chỉ tiêu, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách và đầu tư công, bảo đảm sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao.

Ông Dũng nêu rõ, Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 cần được thảo luận kỹ trên nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án dân sinh cấp thiết (nước sạch, chất thải, ô nhiễm môi trường…)...

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý cần thảo luận, bàn kỹ các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách TP. Hà Nội một cách bền vững hơn, nâng dần tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển hợp lý... Cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả và hỗ trợ khôi phục phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đã ban hành, nhất là các chế độ chi cho công tác an sinh xã hội của TP. Hà Nội.

Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, trên cơ sở các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách nhà nước năm 2022 của thành phố từ 35% xuống còn 32% và tình hình thực tiễn của TP. Hà Nội.

Tạo chuyển biến trong các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng

Gợi mở thảo luận về dự thảo 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, thời gian qua, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng đô thị và công tác quản lý đất đai, khai thác khoáng sản trên địa bàn TP. Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, các lĩnh vực này bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như tiến độ triển khai các nhiệm vụ quy hoạch còn chậm, chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao, thường xuyên phải điều chỉnh.

Công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát sinh nhiều vụ việc vi phạm. Nhiều dự án về đất đai chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước; vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý làm phát sinh các vụ việc vi phạm lớn về quản lý đất đai, về đấu giá quyền sử dụng đất.

Các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm phần lớn các vụ việc, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của thành phố. Tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông, khai thác đất làm vật liệu xây dựng trái phép vẫn phát sinh rất phức tạp, chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời, gây mất an ninh trật tự và bức xúc cho nhân dân.

"Những tồn tại, hạn chế và yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Sự thiếu lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy và sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương, cùng sự thiếu trách nhiệm và sự hạn chế về năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ là những nguyên chính dẫn đến những khuyết điểm, yếu kém như đã nêu", ông Đinh Tiến Dũng chỉ rõ.

Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, 2 dự thảo chỉ thị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đưa ra xin ý kiến hội nghị nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai và khoáng sản; tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với 2 lĩnh vực rất quan trọng này.

Ông Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung, thảo luận, bàn kỹ các nội dung của dự thảo Chỉ thị, đặc biệt là các tồn tại, hạn chế và các giải pháp, biện pháp để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, khoáng sản; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý; nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, công chức, đổi mới lề lối làm việc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý; quy định rõ trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu các cấp nếu để xảy ra vi phạm, sai phạm trên địa bàn, trong lĩnh vực được phân công phụ trách… để thực sự công tác quản lý đối với 2 lĩnh vực này của thành phố đi vào nền nếp và có chuyển biến mạnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là công việc thường xuyên hằng năm của Thành ủy, là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng của TP. Hà Nội. Dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy Hà Nội gồm 2 cuộc kiểm tra và 1 cuộc giám sát chuyên đề, tập trung vào những vấn đề rất bức thiết trong giai đoạn hiện nay.

"Những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội lần này là những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô năm 2022 và những năm tiếp theo. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Báo cáo, Đề án, dự thảo các Nghị quyết, Kết luận để Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội xem xét, thông qua", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý.

Theo Trần Võ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên