MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Hoàng Trung Hải: Hà Nội 10 triệu dân mà để xảy ra ô nhiễm nước sông Đà là "rất đáng tiếc"

22-10-2019 - 16:33 PM | Xã hội

Theo Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, thành phố 10 triệu dân mà để xảy ra vụ việc ô nhiễm nước sông Đà là rất đáng tiếc, cần phải rút kinh nghiệm, không để vụ việc tương tự xảy ra.

"Hà Nội 10 triệu dân mà để xảy ra vụ việc như vừa qua là rất đáng tiếc"

Bên hành hang Quốc hội chiều 22/10, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng vụ việc liên quan đến ô nhiễm nguồn nước sông Đà vừa qua cho "chúng ta rất nhiều kinh nghiệm".

"Khi nguồn nước bị sự cố, chúng ta mới nghĩ đến nguồn nước sông Đà, hồ Đồng Bài.. Thực tế mà nói, từng khu vực, từng hộ dân, khu chung cư phải cẩn thận, giữ gìn", ông Hải nói.

Theo Bí thư Hoàng Trung Hải, chúng ta thường nói đến an ninh về chính trị nhưng không nghĩ đến an ninh nguồn nước, tức là liên quan đến vệ sinh, an toàn. Do đó, sau sự cố nguồn nước sạch bị đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm phải quan tâm hơn.

Bí thư Hải nói, doanh nghiệp khi kinh doanh nước sạch phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước.

"Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, kế đó là công an địa phương. Thực tế, nước hồ không phải sạch để chỉ đưa về mà dùng. Cái chính, cần phải nhìn nhận, hệ thống quan trắc của mình còn hạn chế.

Vì vậy, bất cứ ở đâu cũng có thể xảy ra mất an ninh, an toàn nguồn nước. Vậy thì hệ thống nào là hệ thống phát hiện ra? Tức là phải chia trách nhiệm, ông nhận nước đầu nguồn thế nào, ông xử lý thế nào…

Không thể để tình trạng toàn bộ hệ thống quan trắc mà anh không phát hiện ra, hoặc phát hiện mà lúng túng trong xử lý như anh Tốn nói là không biết nên dừng hay không nên dừng cấp nước cho khách hàng", ông Hải nêu.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho rằng, sau chủ đầu tư, trách nhiệm của các nhà phân phối nước sạch là cũng phải có hệ thống quan trắc để kịp thời phát hiện.

"Anh nói tôi đảm bảo cho người dân - khách hàng chất lượng nước cung cấp thì phải chịu trách nhiệm với chất lượng đó. Vậy anh phải chịu trách nhiệm bằng cách nào?

Thứ nhất là tôi quan trắc tự động nguồn nước này, để khi tới người dân là đã quan mấy "hàng rào" kiểm soát. Thứ hai, tôi lấy mẫu thủ công, trong trường hợp quan trắc tự động có vấn đề thì sao.

Những cái này phải rà soát lại hết, quy trình hoá, quy phạm hoá. Qua vụ việc này, người dân sẽ quan tâm hơn, liệu anh có để xảy ra lần sau không, hay lần sau tái diễn anh lại xin lỗi lần nữa", ông Hải nêu.

Bí thư Hoàng Trung Hải: Hà Nội 10 triệu dân mà để xảy ra ô nhiễm nước sông Đà là rất đáng tiếc - Ảnh 1.

Bí thư Hà Nội trả lời phóng viên. Ảnh: Tiến Tuấn.

Ông Hải nói thêm, đây cũng là những việc mà thành phố, các sở ngành, doanh nghiệp sẽ phải rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra các quy định muốn trở thành nhà đầu tư cấp nước phải đáp ứng các tiêu chí gì.

"Hà Nội 10 triệu dân mà để xảy ra vụ việc như vừa qua là rất đáng tiếc, cần phải rút kinh nghiệm để có chỉ đạo khắc phục, không để vụ việc tương tự xảy ra", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Hà Nội có phản ứng chậm trước các sự cố môi trường, nước sạch?

Trước câu hỏi, một số vụ việc như ở nhà máy Rạng Đông và mới nhất là vụ nước sạch Sông Đà nhiễm dầu thải, có ý kiến đánh giá thành phố đã phản ứng hơi chậm? Bí thư Hà Nội cho rằng, Thủ tướng đã nói về vấn đề này và thành phố cần rút kinh nghiệm, nhất là trong phối hợp giữa các đơn vị liên quan.

"Trong bất cứ việc gì thường hổng chỗ phối hợp, cứ "ông chẳng bà chuộc, ông trước bà sau"... nên như tôi vừa nói, quy phạm hoá, quy trình hoá tất cả quá trình xử lý nếu không sau lại rối, không biết ai nói, không biết số của ai là đáng tin, số của địa phương hay Bộ...

Tất cả những thứ đó phải điều chỉnh, quy định cho đúng. Tôi họp ở TP đã nói mình phải rút kinh nghiệm, đánh giá và sẽ có quy định. Có thể không hết được nhưng sẽ phải tốt lên, khá lên", Bí thư Hà Nội nêu thêm.

Về việc thành phố có tính đến trường hợp nếu không đảm bảo nước sạch và không kịp thời xử lý thì có thể cắt không sử dụng không? Ông Hải khẳng định: "Chúng ta hoàn toàn có quyền thay thế và bắt họ phải thực hiện đúng, chứ không phải tôi thích tôi làm. Thử tưởng tượng, một ông cấp điện, hôm sau ông dỗi cắt điện để đi nghỉ mát? Như vậy là không được.

Anh cấp những dịch vụ thiết yếu, anh bắt buộc phải thực hiện, luật đình công, bãi công của mình cũng đã quy định rõ...

Bởi như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người dân", Bí thư Hải nói thêm và cho hay, có ý kiến nói rất đúng về sự cố nước sạch sông Đà vừa qua: "chúng tôi nộp đủ tiền cho các ông, tại sao việc này ông lại thế nọ thế kia".

Trả lời câu hỏi nhà máy nước sạch sông Đà ở Hoà Bình nhưng lại cung cấp cho Hà Nội, có khó khăn gì cho việc đảm bảo an ninh nguồn nước?

Bí thư Hà Nội cho rằng: "Có cái khó nhưng không phải không làm được. Cũng giống như nhà máy thủy điện trên Hoà Bình nhưng điện mình dùng ở Hà Nội, có làm sao đâu.

Cần phải tính hết các tình huống. Tất cả những sự cố mang tính thảm hoạ chúng ta đã tính đến rồi, bây giờ phải cụ thể hoá và có giải pháp, quy trình, xử lý rồi giao trách nhiệm cho từng cơ quan".

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên