MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lắng nghe “tâm tư” của các doanh nghiệp hạ tầng

Ngày 3/6 tại TP.HCM đã diễn ra buổi làm việc của lãnh đạo TP với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng đô thị.

Mục tiêu mà cuộc gặp hướng đến là làm cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp, từ đó chung tay xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của TP.

Phát biểu tại đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa thừa nhận rằng TP đang đứng trước áp lực rất lớn về hạ tầng, nhất là kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường.

Theo ông, dù là trung tâm kinh tế của cả nước nhưng việc dân số tăng quá nhanh cùng sự lạc hậu của kết cấu hạ tầng trước đây đã dẫn tới tình trạng trên.

Đề cập đến hạ tầng giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường cho biết trong giai đoạn 2020 – 2025 TP cần tới hơn 550.000 tỉ đồng để đầu tư cho 203 dự án.

Cụ thể là 137 dự án giao thông cầu, đường bộ nhằm kết nối liên vùng, các tuyến vành đai và các trục hướng tâm sẽ có kinh phí 339.946 tỷ đồng; 41 dự án bãi đậu xe ô tô sẽ có kinh phí 71.458 tỷ đồng, cuối cùng 25 dự án vận tải hành khách công cộng có kinh phí 142.475 tỷ đồng.

Tuy nhiên ông Cường nhận định rằng trong những năm qua nguồn vốn thường thiếu so với nhu cầu thực tế, trong khi ngân sách rất eo hẹp, chính vì vậy nhiều công trình không hoàn tất được như dự định.

Để thu hút nguồn vốn, ông Cường khẳng định TP sẽ tạo môi trường minh bạch, công bằng để các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng giao thông TP.

Cải tạo, xây dựng chung cư cũ là chủ trương lớn của TP nhưng các doanh nghiệp chưa nhiệt tình tham gia.

Cải tạo, xây dựng chung cư cũ là chủ trương lớn của TP nhưng các doanh nghiệp chưa "nhiệt tình" tham gia.

Đối với việc cải tạo các chung cư cũ, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, TP đang tập trung chỉnh trang đô thị dọc theo các tuyến kênh rạch, và thay thế các chung cư được xây dựng trước năm 1975.

Do đó TP khuyến khích các chủ đầu tư tham gia vào những dự án trên với các hỗ trợ cụ thể trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, hay điều chỉnh quy hoạch 1/2000 theo hướng tăng chỉ tiêu quy mô dân số.

Cùng góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đề nghị TP cần xem lại nếu quy hoạch dựa trên số liệu thống kê dân số TP là 8,5 triệu người vì thực tế lớn hơn nhiều.

Ông cũng nhận định rằng thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có sự bất hợp lý trong cung ứng sản phẩm.

Theo ông trong khi nhu cầu nhà ở hợp túi tiền của đa số người dân đang rất lớn thì các doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào phân khúc cao cấp, hay các khu du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Võ Văn Bé nêu kiến nghị.

Ông Võ Văn Bé nêu kiến nghị.

Có mặt tại đây, các doanh nghiệp cũng thẳng thắn kiến nghị. Tổng giám đốc công ty Thuận Việt Võ Văn Bé cho biết công ty ông có tham gia đề án xây dựng chung cư cũ tại quận 10, và dù đề án đã có cách đây 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.

Trong khi đó Tổng giám đốc công ty Cienco 6 Bùi Phi Hùng đề nghị chính quyền nhanh chóng giải quyết những khó khăn vướng mắc khi nhà đầu tư phản ánh. Lý do là nhà đầu tư thường ứng vốn để đền bù, nhưng các sở ngành không định lượng về thời gian nên dự án kéo dài, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND TP nhanh chóng rà soát và công khai quy hoạch sử dụng đất, kèm các dự án. Ông nhấn mạnh rằng cần đưa hết lên mạng internet để người dân, doanh nghiệp dễ tra cứu.

Ngoài ra cần hoàn thiện môi trường đầu tư, tăng tính minh bạch để nâng cao năng lực cạnh tranh và sẵn sàng quỹ đất cho các nhà đầu tư, đồng thời đẩy mạnh hợp tác theo phương tức hợp đồng công – tư để tạo nguồn vốn cho TP.

Ông cũng yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc TP và các đơn vị liên quan làm chương trình đánh giá sự hài lòng của người dân khi tiếp xúc với các cơ quan công quyền.

“Ý kiến của người dân là thước đo rất khách quan, chúng ta cần lắng nghe để làm cho tốt hơn” – Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo Nguyễn Cường

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên