MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu "4 nguyên tắc, 4 mục tiêu" của TP thông minh

Sáng 25/10, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo quốc tế về xây dựng thành phố thông minh. Ban tổ chức kỳ vọng rằng các ý kiến từ hội thảo này sẽ được áp dụng để xây dựng TP.HCM trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến mục tiêu đưa TP “từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện TP.HCM có 9,1 triệu người, đóng góp 28,6% trong tổng thu năm 2016 của quốc gia, GDP bình quân năm 2016 đạt 5.122 USD/người, xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD, và theo công bố tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào đầu năm, TP xếp hạng là một trong những thành phố năng động hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, ông Nhân thừa nhận đến nay tốc độ phát triển đô thị của TP.HCM vẫn còn chậm và khoảng cách “hiện đại hóa đô thị” so với các thành phố lớn trong khu vực vẫn còn khiêm tốn.

“Trong bối cảnh đó, việc triển khai xây dựng đô thị thông minh đóng vai trò là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ thúc đẩy thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách với các thành phố khác trong khu vực” – ông Nhân nói.

Cũng theo ông Nhân, hơn một thập kỷ qua, nhiều quốc gia và thành phố lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang ứng dụng các công nghệ để nâng cao năng lực thu thập, chia sẻ và phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý đô thị.

“TP.HCM luôn kỳ vọng sẽ đạt được những bước phát triển đột phá để vươn lên sánh ngang tầm với các thành phố lớn của các quốc gia trong khu vực” - Bí thư TP.HCM nhấn mạnh.


Lãnh đạo TP.HCM kỳ vọng những giải pháp của TP thông minh sẽ xử lý các vấn đề bức xúc hiện nay.

Lãnh đạo TP.HCM kỳ vọng những giải pháp của TP thông minh sẽ xử lý các vấn đề bức xúc hiện nay.

Ông Nhân chia sẻ, đề án TP thông minh sẽ hướng đến 4 mục tiêu, gồm: “Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế và hướng đến kinh tế tri thức; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Quản trị đô thị hiệu quả; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân-phát huy trí tuệ nhân dân”.

Đồng thời được xây dựng trên 4 nguyên tắc, gồm: “Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; Luôn thấu hiểu người dân; Công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; Huy động mọi nguồn lực tham gia”.

Ông Nhân cho rằng muốn thực hiện được đô thị thông minh phải ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề phát sinh như dân số đô thị tăng; hạ tầng lạc hậu, quá tải; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng,...

“Đặc biệt, việc quản lý thành phố lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo, phải thấy trước vấn đề khó khăn của thành phố và ngăn chặn không để xảy ra, tránh ách tắc, đảm bảo phát triển bền vững” – ông Nhân nhận định.

Theo Nguyễn Cường

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên