Bí thư Thăng muốn Sài Gòn thành đặc khu nhưng đổi phương án xây một cây cầu cũng phải xin ý kiến Thủ tướng
Cách đây không lâu, một phát biểu của Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đã làm nức lòng người dân TPHCM và dư luận xã hội.
- 07-12-2015Đề xuất Tp.HCM có đặc khu kinh tế, được thuê đất 99 năm
- 05-10-2015Đặc khu kinh tế là "đòn bẩy" cho địa ốc phía Nam TPHCM?
- 14-09-2015Mô hình đặc khu kinh tế có tạo bứt phá cho TP HCM?
"TPHCM không thể mặc chung một “cái áo” như các địa phương vùng sâu, vùng xa khác... TP HCM phải trở thành một đặc khu về kinh tế...".
Sau phát biểu đó của bí thư thành ủy TPHCM, người dân thành phố hân hoan, các chuyên gia cũng đồng tình ủng hộ.
Nhưng khi viễn cảnh "Thượng Hải của Việt Nam" vẫn ở thì tương lai (khá bất định) thì những bất cập trong quản lý đô thị ở thành phố đã liền kề ngay trước mắt.
Hẳn sẽ nhiều người ngạc nhiên khi chính quyền TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, mỗi khi muốn thay đổi phương án xây một cây cầu đều phải xin ý kiến từ Trung ương, cụ thể là Thủ tướng Chính phủ.
Làm gì cũng phải "xin" Trung ương
Ngày 13/4 vừa qua, UBND TPHCM đã có văn bản xin Thủ tướng Chính phủ cho tách dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên thành 2 tiểu dự án độc lập: Tiểu dự án 1 (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Tạ Quang Bửu) và Tiểu dự án 2 (đoạn từ đường Tạ Quang Bửu đến đường Nguyễn Văn Linh).
Hai tiểu dự án này sẽ được kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (Hợp đồng BT) để phù hợp với điều kiện huy động vốn, tạo điều kiện nhiều nhà đầu tư có thể cùng tham gia đầu tư, giúp việc triển khai dự án được nhanh chóng.
Đồng thời TP cũng xin Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án.
Trước đó vào cuối năm 2011, UBND thành phố đã phê duyệt dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên với tổng vốn đầu tư khoảng 2.380 tỉ đồng (không tính chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí lãi vay), thời gian thực hiện từ 2011 đến 2014 theo hình thức hợp đồng BT.
Tuy nhiên, do gặp khó khăn về vốn nên đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai theo kế hoạch. Nguyên nhân theo UBND TPHCM là do khó khăn bố trí ngân sách thực hiện giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thanh toán cho nhà đầu tư và giải phóng mặt bằng cho dự án; cũng như khó khăn trong việc thanh toán hợp đồng BT bằng tiền.
Ngoài dự án cầu đường Bình Tiên, hiện UBND TPHCM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang có bất đồng trong kế hoạch phân bổ vốn ODA năm 2016. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng TPHCM đề xuất nguồn vốn ODA năm nay lên đến hơn 10.000 tỷ đồng là quá nhiều, vượt hơn 8.800 tỷ đồng so với chỉ tiêu phân bổ của Bộ này.
Trong khi đó, UBND TPHCM cho rằng năm nay cần phải thực hiện các dự án cấp bách như metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, 2 dự án chống ngập là Vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2, Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ và một số dự án khác theo các Hiệp định đã kí với nhà tài trợ nên rất cần vốn.
Đây chỉ là những ví dụ điển hình về cơ chế phân bổ ngân sách bất cập đang kìm hãm giấc mơ trở lại vị trí số 1 và là Hòn ngọc Viễn Đông của Sài Gòn - TPHCM.
Tiền thì ít, chờ lại lâu
Theo các chuyên gia, trong khoảng hai thập kỷ qua, cho dù đã tạo ra gần 20% GDP và hơn 30% ngân sách quốc gia, nhưng TPHCM chỉ được giữ lại chưa đến 25% nguồn thu. Người Sài Gòn không khỏi bức xúc vì bị bóp chặt ngân sách địa phương mình để gồng gánh ngân sách cho cả nước.
Năm 2014, TPHCM thu về cho ngân sách 252.186 tỷ đồng, đạt và vượt chỉ tiêu 110,35% dự toán, nhưng trung ương chỉ cho giữ lại 23% để đầu tư trở lại. Trong khi các đô thị khác thì được giữ lại 40%-100% rồi còn nhận ngân sách từ trung ương rót xuống, như vậy TPHCM gánh 1/3 ngân sách cho cả nước.
Điển hình như thủ đô Hà Nội được giữ lại 43% ngân sách thu về để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi TP.HCM là đô thị đầu tàu của cả nước chỉ được giữ lại 23%. Số tiền giữ lại quá ít đã làm hạn hẹp ngân sách cho hạ tầng của đô thị này.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - trong một bài viết trên Zing.vn gần đây cũng cho rằng một trong ba trục trặc cơ bản kéo lùi sự phát triển của TPHCM là ngân sách thành phố được giữ lại quá ít.
Theo đó, trong hơn hai thập kỷ qua, tính bình quân chi tiêu so với GDP của Việt Nam khoảng trên dưới 30% GDP. Nhưng TP HCM, tính tất cả mọi thứ bao gồm cả ODA, chỉ chi khoảng chừng 10% tổng sản phẩm địa phương.
Trong khi đó, Hà Nội (chưa tính ODA) đã là 19%, Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc), khoảng 20-21%. Hong Kong khoảng 20-21%, Singapore 15%. Nhưng nên nhớ một điều Hong Kong với Singapore là tính trên tổng chi tiêu ngân sách, tức là được đồng nào thì người ta chi tiêu hết cho chính quyền.
Còn Thượng Hải, Bắc Kinh, chi tiêu ngân sách của nhà nước Trung Quốc khoảng chừng 19% GDP. Tức là bình quân của Thượng Hải, Bắc Kinh còn cao hơn bình quân của cả nước. Trong khi đó, TP HCM nếu tính ngân sách ròng chỉ khoảng 7%.
Đó là một trong những trục trặc lớn nhất, làm cho TP không xây dựng được cơ sở hạ tầng tử tế. Tiến sĩ Du bình luận: "Hãy nhìn TPHCM trong 40 năm qua, những công trình hạ tầng ra tấm ra món rất ít".
Rõ ràng, khi ngân sách giữ lại quá eo hẹp và làm gì cũng phải chờ xin ý kiến lãnh đạo Trung ương, làm sao TPHCM xây dựng được những công trình hạ tầng "ra tấm ra món"? Nếu ngân sách TPHCM được tăng gấp đôi (14%), hay bằng những nơi kia (20-21%) mọi chuyện sẽ khác hẳn.
Trí thức trẻ/CafeBiz