BIÊN CƯƠNG TÂY NAM: 'Đợi hết dịch, con sẽ về gửi lại trên bàn thờ bố chiếc khăn tang…'
Bố Thông mất lúc 14 giờ, một buổi chiều ngày 1/4, khi cậu còn trên biên giới Tây Nam, canh giữ từng tấc đất "vàng" cho Tổ Quốc, tham gia tuyến đầu chống lại "kẻ thù" vô hình: virus Corona.
- 15-04-2020Lời khẩn cầu giữa sự sống và cái chết ở nơi đối đầu với dịch Covid-19: Chứng kiến các bệnh nhân đau đớn giành giật từng hơi thở, bạn sẽ không còn muốn ra khỏi nhà nữa đâu!
- 15-04-2020Đại dịch Covid-19 tác động đến mọi thế hệ: Ai sẽ là "la bàn" định hướng? Ai sẽ là người chỉ huy và thực thi sứ mệnh giải cứu nền kinh tế thế giới?
- 15-04-2020Từng hết mực tự hào về "văn hóa con dấu" độc đáo, nay người Nhật lại quay ngoắt đòi dẹp bỏ vì bị cản trở khi làm việc từ xa trong mùa dịch Covid-19
Gần 100 giờ nằm chòi lá, chia nhau từng hộp cơm, ca nước, lội bùn đi mật phục trong những đêm đen vùng biên giới Tây Nam, tôi tận mắt chứng kiến đầy đủ sự vất vả của hàng trăm chiến sĩ bộ đội biên phòng - những người hùng tham gia tuyến đầu chống lại "kẻ thù" vô hình: virus Corona.
Cán bộ chiến sĩ nơi đây mong mỏi ngày sớm nhất đẩy lùi được đại dịch COVID-19.
***
Thông từ từ rút ra một chiếc khăn. Một chiếc khăn vẫn còn mới nguyên, gấp làm bốn, nằm gọn gàng trong túi áo xanh bên ngực trái.
"Mấy chú lấy vải quân y làm khăn tang cho em đấy. Đi đâu em cũng bỏ đây, như có bố bên cạnh, đang bảo vệ mình vậy".
"Em dự tính sau này dùng nó thế nào?" - tôi hỏi.
"Em mong sớm hết dịch. Hôm đó, em sẽ đón chuyến bay sớm nhất, về quê, gửi chiếc khăn tang này lại bàn thờ của bố…". Cậu quay mặt đi chỗ khác, đôi mắt đỏ au sau lớp khẩu trang đã bị mưa làm cho ướt đẫm.
Bốn bề mưa vẫn nhỏ giọt. Đêm lạnh buốt.
Giờ miền Nam đang là mùa khô, những ruộng lúa quanh chốt số 3 đều đã trơ gốc rạ, bốc hơi nóng ngun ngút, như lửa đổ xuống đầu.
Chốt số 3 (ấp 1, xã Thạnh Trị, TX. Kiến Tường, Long An) nằm cô độc giữa cánh đồng, là một cái chòi lá dừa nửa vắt mình trên đường, nửa chống cột dựng dưới dốc. Xung quanh, trong phạm vi 10 km, trừ một vài cây thốt nốt vươn cao, hầu như chỉ toàn ruộng với ruộng, nứt nẻ. Phía sau, ngay chỗ lỗ trâu đằm, nông dân cắm lưỡi câu cá, bộ đội bắt cầu ra tắm giặt, rửa chén.
Mỗi lần, tới giờ ăn cơm, anh em thay nhau chạy xe về đồn, lúc ra nhớ chở theo can nước sạch đủ uống cả ngày. Đi lẫn về 7 km, còn vào chợ, gặp dân, mua mì, rau, trứng vịt thì thêm 14 km nữa.
Chốt số 3 nằm cheo leo giữa cánh đồng.
Cờ đỏ sao vàng luôn sáng rực vùng biên cương.
Chốt được lập ngày 28/3/2020, gồm 4 chiến sĩ: Trung uý Võ Chí Bảo, chiến sĩ Võ Hoàng Phi, Trần Tấn Sang và chốt trưởng - trung úy Nguyễn Đình Thông, cùng nhau tuần tra, canh giữ và bảo vệ 7 km đường biên.
Toàn tỉnh Long An có 132 km đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Bray Cưng và Svay Riêng, Vương quốc Campuchia. Từ tháng 2, khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chỉ huy BĐBP Long An đã bố trí 44 chốt điểm, ngăn các đường mòn, lối mở, kiểm soát, phát hiện và triển khai cách ly người xuất nhập cảnh trái phép.
Dọc đường từ Tây Ninh sang Long An, cứ một đoạn lại gặp túp lều lá và barie chắn ngang như thế. Chốt nằm cheo leo trên đỉnh dốc, chốt cô độc giữa đồng, sau chuồng trâu, trong rừng tràm hoặc ngay cả trên miệng cống thoát nước… Ngày đêm, hàng trăm chiến sĩ trực tiếp canh giữ biên cương.
Thông bắc cầu ra lỗ nước để lấy nước tắm giặt, rửa chén.
Buổi chiều khi tôi đến, Bảo và Sang đã đi tuần. Ở gần đường biên, hôm nay vẫn còn vài mẫu ruộng bắt đầu chín rộ. Bà con muốn đi gặt, qua chốt, đo thân nhiệt, gửi lại chứng minh nhân dân, rồi cùng bộ đội ra đồng. Dân làm dưới ruộng, bộ đội canh trên bờ, lội bộ suốt 18 km bọc đường biên để nhắc người dân 2 nước không nên gặp nhau mùa dịch này, "cái bệnh nó dễ lây lắm" - Bảo cười nhắc khéo bà con.
Công việc lặp đi lặp lại, 24/24h, nắng mưa vẫn đều đặn.
"Mùa nắng, đất khô, xe còn chạy trên ruộng được chứ mùa mưa thì đất lún cả tấc, anh em chỉ nách giày lội bộ thôi. Dân mình gặt lúa xong, chuột đồng chạy về nhiều lắm, lâu lâu bà con Campuchia vẫn qua bắt chuột. Nhưng đợt này thì nghiêm cấm hẳn. Tụi em có biết tiếng đồng bào đâu, gặp ai cũng: "Corona, corona… Corona", họ hiểu ý và không sang mình nữa", Bảo kể.
24/24h, hàng trăm chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biên cương trước đại dịch Covid-19
Bảo, 25 tuổi, là bộ đội tăng cường từ Đồn Biên phòng Cửa Đại (Bến Tre) lên chốt số 3 được hơn nửa tháng. Hôm 19/3, đang kiểm tra rừng phòng hộ tại tỉnh thì Bảo nhận được chỉ thị. Ngay trong ngày, cậu sắp quần áo lên đường.
"Bữa đầu tiên má gọi lên, thấy trời tối hù, bà xót lắm! Nhưng mình làm bộ đội mà, chịu khổ riết rồi, má hiểu nên chỉ nhắn: Nhớ giữ gìn sức khoẻ nhen con…"
Phi, Sang thì cùng 19 tuổi. Riêng chốt trưởng Nguyễn Đình Thông thì lớn hơn xíu, 27 tuổi. 4 chàng trai đều đang độ tuổi đôi mươi, người vừa ra trường năm trước, năm sau đã ra biên giới, người xưa cũng học 2-3 trường đại học danh giá, nhưng cuối cùng chọn bỏ ngang chỉ bởi "mê làm lính quá biết sao!".
"Học Sài Gòn nửa học kỳ mới thấy mình hổng hợp phố xá đông đúc. Lúc đó, may đang gần đợt tuyển sinh quân sự nên em bỏ về quê ôn thi luôn. Mẹ khóc, cản dữ lắm chớ! Biết sao được, cái đam mê từ nhỏ, khổ mấy cũng chịu…" - Bảo tủm tỉm cười.
4 chàng trai đều đang độ tuổi đôi mươi trực tiếp canh giữ biên giới.
Trời biên giới oái ương lắm! Ban nãy vẫn còn nắng chang chang, chút xíu thì đã nổi giông, chớp, rồi mưa ầm ỹ như cầm chĩnh đổ nước. Thoáng chốc một vùng đã trắng xóa mưa. Căn chòi liêu xiêu khiến cả chốt nháo nhào.
Bảo, Sang đã về kịp, nhanh tay buộc 6 cánh cửa lá dừa bằng kẽm. Thông đội mưa, chạy đi chèn tấm bạt chằng trên lớp mái. Phi thả 2 manh chiếu bịt kín cửa trước, mềm mùng cuộn tròn thành cục, chất đống. Bây giờ, trừ cửa chính, chốt đã thành một căn phòng kín, oằn mình chống đỡ.
Buổi chiều mưa không ngớt trút xuống đồn.
Căn chòi chống chọi trước giông.
Ngoài trời, gió vẫn quật liên hồi vào chốt. Chỉ vài phút sau thì nước theo đường lá chảy vào trong, nhỏ giọt giọt. Chỗ này dột, anh em lấy khăn lau, chỗ kia mưa tạt, chiếc khăn đã ứ nước. Thôi bỏ. Anh em ngồi bó giò nhìn ra ngoài ô cửa, cầu trời mau tạnh.
Bảo kể, cách đây 2 hôm, cả chốt không thể nào quên cơn mưa đầu mùa miền Nam. Hôm đó, chớp giật như pháo nổ, anh em cả đêm canh cột chống sợ đổ không buông.
Đến lúc giông giật quá mạnh, Đại uý Vũ Duy Ngọc (Chính trị viên đồn Biên phòng Thạnh Trị) gọi ra: "Rút xuống gầm cầu trú mưa. Ở đây nền đất sét dễ thu lôi lắm", 4 anh em mới chấp nhận bỏ chốt, chạy đi đụt mưa.
Qua đêm mưa đầu mùa, chốt số 3 may mắn "sống sót". Nhưng cái chốt tạm Thông dựng sau Tết thì đã thành đống rơm ẩm và gỗ vụn. Hồi đó, lúc dịch mới tràn vào, cậu và Phi đã đi bẻ mấy nhánh keo tràm vắt lên ống cống làm chốt.
Cuộc sống nơi biên cương lắm vất vả nhưng ai cũng đầy quyết tâm.
Trên miệng cống, 2 anh em lót bạt, rơm rạ giữ mát, dưới đất trải manh chiếu, cả buổi trưa chui tọt vào trong quạt lá cây ngồi canh gác. "Đâu biết cái dịch này nó dai vậy! Ban ngày nóng như cái lò nung, ban tối thì muỗi bu dày đặc, không tài nào ngủ được. Hai anh em thi thoảng thay phiên ra miệng cống bắt sóng gọi về gia đình cho vui. Đến 28/3 có chốt mới, các chú vừa xin lắp thêm bóng điện năng lượng mặt trời nên giờ đỡ hơn".
Hồi đó, lúc dịch mới tràn vào, cậu và Phi đã đi bẻ mấy nhánh keo tràm vắt lên ống cống làm chốt. Giờ nó đã đổ sập.
Tất cả chốt ở xã Thạnh Trị đều chung tiêu chí "5 không" như thế! Không điện, không đèn, không dân, không sóng điện thoại và không bao giờ nghỉ ngơi.
"Hồi về quê, có đứa bạn kêu mình đi bộ đội chảnh ghê, gọi điện thoại toàn nghe tút tút. Thiệt ra đâu ai biết ở đây lâu lâu vẫn mò bắt sóng như thường" - Thông vừa kể vừa chỉ tay ra mõm Rồ. Cậu gọi đó là điểm "không", tức trên đó, nếu đi tuần, gia đình không bao giờ liên lạc được.
Cách đó 10 km nữa có thêm chốt số 1 (ấp Bình Bắc, xã Bình Hoà Tây) do Thượng úy Đặng Tiểu Bình tham gia kiểm soát.
"Dân ra đồng thả trâu, ủ phân, phơi phân trâu sau lưng chốt nên chỉ trời nắng, thở thôi cũng đã đầy mùi phân trâu. Còn vào mùa mưa thì ruồi nhặng nhiều lắm, bu kín đồ ăn. Mấy cô mấy bác ở đây hay chọc, ăn cơm lẫn phân trâu cũng là chuyện thường tình" - Thượng uý Bình cười vui.
Không điện, không đèn, không dân, không sóng điện thoại và không bao giờ nghỉ ngơi.
21h, tuần tra về, Thông ra trước cửa chốt, cầm điện thoại bắt sóng gọi về nhà. Với cậu, nơi biên viễn, thời gian hạnh phúc nhất là những cuộc gọi lâu lâu một lần gặp mặt gia đình như thế.
Quê Thông ở Hà Tĩnh. Tháng 8/2018, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Thông được Bộ Tư lệnh BĐBP điều động vào công tác tại tỉnh Long An. Hơn năm rưỡi xa nhà, hôm Tết, Thông xin phép về quê cùng gia đình.
Thông nhớ lại cái ngày bố mất khi đang giữ biên cương.
Bố Thông mắc bệnh ung thư. Thời gian con trai vắng nhà, ông đi đi về về giữa Bệnh viện Bạch Mai và Hà Tĩnh, một mình em gái Thông vừa học vừa chăm bố.
Sau Tết, Thông xin phép đưa bố đi viện. Bữa nghe bác sĩ báo: "Khối u đã xuống được phần nào", 2 bố con khóc giữa phòng! Cả mùa Tết, bố cậu đã ăn được cháo, dạo vườn chăm mấy chậu hoa cảnh.
Qua Tết, về đơn vị chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 vào, anh em bộ đội biên phòng ai cũng căng mình chống dịch.
0h, ngày 1/4, Thông nhận cuộc điện thoại từ mẹ. "Cha con đi cấp cứu rồi", bà nói rồi khóc nấc. Nguyên đêm ấy, cậu như ngồi trên đống lửa, gọi về nhà mãi không liên lạc được.
2h chiều, ngày 2/4, bác Thông gọi cuộc nữa. Qua điện thoại, ông nghẹn: "Bố cháu sắp đi". Cậu khóc.
Tối đó, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Thạnh Trị đã lập bàn thờ vọng bố Thông trước cửa chốt số 3.
Bố Thông mất lúc 14 giờ, một buổi chiều, khi cậu con trai vẫn còn đang trên biên giới Tây Nam, canh giữ từng tất đất "vàng" cho Tổ Quốc.
"Chắc cháu không về kịp. Giờ chỉ còn một chuyến bay trong này, mà đang cách ly xã hội di chuyển rất hạn chế. Chuyến sớm nhất thì cũng đã quá giờ rồi. Bác giúp mẹ và em gái cháu…" - Thông trả lời trong nước mắt.
"Giữ gìn sức khoẻ, hoàn thành nhiệm vụ sớm! Đợi khi nào hết dịch thì về thắp hương cho bố…", người bác động viên. Ngày xưa, hồi ông nội Thông mất, bác cậu cũng vì nhiệm vụ ở Đồn Biên phòng Hà Tĩnh mà năm đó không về kịp.
Căn chòi ủ mình trong bóng tối.
Ngay trong tối, 19h, được sự đồng ý của cấp trên, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Thạnh Trị đã lập bàn thờ vọng bố Thông trước cửa chốt số 3.
Phi, Bảo khiêng chiếc bàn hay dùng làm nơi đo thân nhiệt ra giữa đường, để kê bàn thờ, thêm dĩa trái cây, ít hương hoa và bản cáo phó. Thiếu tá Phạm Văn Nhân đưa mảnh vải trắng từ quân y cho Thông đeo lên đầu. Chiếc khăn ấy, cậu vẫn giữ khư khư bên mình, "Mỗi ngày đi canh gác như có bố bên cạnh, bảo vệ mình bên vậy".
Trong đêm, từng người từng người lặng lẽ dâng hương, ai cũng khóc.
Từng người từng người lặng lẽ dâng hương, ai cũng khóc.
Ở nơi biên cương xa xôi này, tôi đã rất nhiều lần được Đại uý Vũ Duy Ngọc, Thiếu tá Phạm Văn Nhân kể về những anh Mười, chú Hai Đời, bác Tư, cô Tư Dính… - vô vàn người nông dân "không biết mặt", cùng bộ đội giữ gìn biên giới, trước và trong mùa dịch Covid-19.
Như chú Hai Đời, hôm mưa, chốt số 1 bị tốc, chú đã chặt rừng dừa của mình, chuyển lá ra cho bộ đội lợp mái. Bộ đội khát nước thì uống nước dừa, tắm rửa, ăn cơm, sạc pin điện thoại… cứ vào nhà chú nếu cần.
Hay chị Tư Dính, có năm, mình chị đã ủng hộ bộ đội hơn 1.000 ổ bánh mì để bộ đội ăn lấy sức. Bây giờ, chị lập hẳn cái sạp nhỏ nơi biên giới, ngày ngày ra chợ huyện mua ít bịch rau, con cá về bán cho bộ đội và người quanh vùng.
"Bán thì ít, cho thì nhiều. Hôm thì thùng mì, hôm quả trứng vịt, bó rau, ký gạo… Trong làng trong xóm mà có miếng cá đồng, trái vú sữa cũng đội nắng mang ra cho bộ đội." - Thiếu tá Phạm Văn Nhân chia sẻ.
"Ở biên giới, khổ có khổ, nhưng gắn bó như một gia đình."
Ngay cả trong quân nhân, anh em đồng chí có hôm còn chia nhau nửa hộp cơm, cái khẩu trang y tế, chút pin điện thoại để gọi điện về cho gia đình trong những đêm chờ trăng sáng. "Ở biên giới, khổ có khổ, nhưng gắn bó như một gia đình." - Thiếu tá Nhân cười.
Chiếc đèn tuần tra sáng rọi cả một vùng.
Đêm, tôi cùng Thông đi dọc con sông Rồ tuần tra. Ở đó, trong màn đen mênh mông nơi biên viễn Tổ Quốc, những nếp nhà cuối cùng đã nằm ngủ mơ màng.
"Em dự tính sau này thế nào?" - tôi hỏi.
Thông từ từ rút ra một chiếc khăn. Một chiếc khăn vẫn còn trắng nguyên, gấp gọn gàng bên trong túi áo bên ngực trái.
"Em mong ngày sớm hết dịch. Em sẽ đón chuyến bay sớm nhất, về quê, mang chiếc khăn tang này đặt trên bàn thờ của bố…".
Trong chốt, Phi đang vặn chiếc radio, mong mỏi bắt được một ngọn sóng lạc. Lúc lâu, bản nhạc vang lên, như một sự tình cờ hay hữu ý giữa cái đêm mông quạnh.
"Đường tuần tra anh qua xuống bản...
Bao nhiêu con mắt đang chờ anh trong mong đợi...
Anh mang niềm vui cho làng buôn bao công trình...
Anh là giáo viên dạy cho dân chữ.
Anh là thầy thuốc giữ cho dân lành.
Tình yêu nơi biên giới, tình yêu trong lòng dân.
Hỡi anh hỡi anh bộ đội ơi!
Hỡi anh hỡi anh bộ đội ơi!…"
Tổ quốc