Biến đam mê thành vườn lan tiền tỉ
Theo đuổi thú chơi tao nhã vốn dành cho giới quý tộc, chàng trai 8X ở thủ phủ cà phê dành trọn tiền lương sưu tầm hàng trăm loại lan. Khi tình yêu đủ lớn, anh bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch, về quê gây dựng sự nghiệp.
Đó là Nguyễn Văn Long (SN 1988, trú khối 8, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Giữa trưa vắng khách, anh Long tranh thủ chăm chút vườn lan rộng hàng nghìn mét vuông. “Việc kinh doanh bị ngưng trệ vì dịch COVID-19 nhưng tôi vẫn tưới nước, bón phân đều đặn cho hoa lan. Thậm chí, tôi còn mở rộng diện tích để chăm sóc số lan mới nhân giống. Nếu bỏ bê, lan sẽ không còn đẹp để phục vụ người đam mê khi thị trường sôi động trở lại”, anh Long chia sẻ.
Yêu hoa từ nhỏ song anh Long chưa có điều kiện đầu tư cho thú chơi tao nhã vốn xuất phát từ giới quý tộc. Dẫu vậy, anh vẫn nuôi dưỡng, giữ “lửa” đam mê cho đến khi tự kiếm tiền. Tuy nhiên, công việc hướng dẫn viên du lịch tại TPHCM chiếm khá nhiều thời gian nên anh chủ yếu sưu tầm phong lan thông qua bạn bè và các hội nhóm. Nhận được tiền lương, anh Long lại mua hết phong lan và sưu tầm nhiều loại khác nhau. Mỗi loài phong lan có đặc tính, nhiệt độ, ánh sáng khác nhau, do đó anh Long phải tổng hợp nhiều kiến thức để chăm sóc.
Theo anh Trần Đình Thái – Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk, hội đã gửi công văn và đang chờ UBND TP Buôn Ma Thuột phản hồi về việc làm con đường hoa lan tại đường Lê Duẩn. Hoạt động này nằm trong chương trình bảo tồn phong lan do hội thực hiện và các thành viên sẽ góp kinh phí, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho đến cây phát triển ổn định.
Năm 2017, khi tình yêu đủ lớn, cũng là lúc phong trào chơi lan bùng nổ, Long quyết định nghỉ việc, về quê khởi nghiệp với hoa lan, toàn tâm theo đuổi đam mê. Con đường nào cũng có chông gai và anh cũng trả khá nhiều “học phí” cho thứ hoa đỏng đảnh này. “Nhiều loại phong lan rất khó thuần như Bạch hỏa hoàng, lan Thanh hạc, lan Thanh đạm xanh…; có những loại trồng thuần 2-3 năm vẫn chết”, anh Long nói và cho biết phải tìm hiểu kỹ đặc tính của từng loài, tạo khí hậu trong vườn khá giống với môi trường sống tự nhiên của lan để tránh việc trả “học phí” quá nhiều.
Ngoài tìm hiểu thông tin trên mạng internet, anh Long còn đi thực tế tham quan các mô hình trồng lan công nghiệp, lan rừng, các loại lan lai tại Đà Lạt (Lâm Đồng), các tỉnh miền Đông Nam bộ... Đặc biệt, anh Long cũng tham gia Hội hoa lan Đắk Lắk (thành viên Hội sinh vật cảnh tỉnh) để biết thêm về chu kỳ phát triển của từng loại phong lan; cách thức làm hoa; nhận diện, phòng bệnh cũng như trao đổi giống hoa với nhau, làm phong phú thêm bộ sưu tập.
Từ khu vườn ban đầu rộng khoảng 100m2, đến nay anh Long mở rộng quy mô lên đến 1.000m2. Với khoảng 230 loài lan, hầu như khu vườn nhà anh Long đều có hoa nở. Không chỉ thỏa mãn đam mê, chàng trai 8X còn kiếm được 50-70 triệu đồng/tháng từ kinh doanh phong lan. Trong 2 năm nay, thị trường hoa lan bị trầm lắng vì dịch COVID-19. Anh Long tận dụng mạng xã hội tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tiền phong