Biến động lớn về cơ cấu sở hữu tại Beton 6 sau gần 2 năm kể từ khi mở thủ tục phá sản
Đến năm 2009, ông Trịnh Thanh Huy bắt đầu tham gia vào HĐQT của Beton 6 và là lãnh đạo cao cấp duy nhất của Công ty vẫn còn tại nhiệm từ đó đến nay. Thay ghế nóng, Công ty cũng bước vào chuỗi ngày sa sút và gần như "biến mất" trên thị trường.
Loạt cổ đông lớn lần lượt bán ra cổ phần tại CTCP Beton 6 (BT6). Cụ thể, Công ty TNHH MTV Đầu tư Xuyên Việt đã bán toàn bộ gần 6,9 triệu cổ phần BT6, tương đương tỷ lệ 20,92% vốn. Giao dịch được thực hiện vào ngày 12/11/2021.
Cùng thời gian, CTCP Đầu tư AIO đã thoái sạch 7,45% vốn, tương đương bán ra 2,45 triệu cổ phần và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và phát triển Tân Việt bàn toàn bộ gần 2,8 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 8,51% vốn. Công ty TNHH Mascon cũng bán hết 985.400 cổ phiếu BT6 đang nắm giữ. Một cá nhân khác là ông Trịnh Lương Ngọc đồng loạt bán hết 3,7 triệu cổ phần tại Công ty.
Ghi nhận trong phiên 12/11, cổ phiếu BT6 đạt giao dịch thỏa thuận gần 17 triệu cổ phần với tổng giá trị hơn 67 tỷ đồng, đúng bằng tổng khối lượng cổ phiếu mà các cổ đông lớn đã bán ra.
Động thái đồng loạt "tháo chạy" của cổ đông lớn diễn ra trong bối cảnh Công ty kinh doanh sa sút và đã có quyết định phá sản từ năm 2020. Tuy nhiên đến nay, thông tin liên quan vẫn không được công bố cụ thể. Mới đây, BT6 cũng bị hạn chế giao dịch trên UpCOM do chậm trễ thông tin.
Trước khi về với chủ mới, Beton 6 sớm thành lập vào năm 1958 và từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường. Công ty cũng tiên phong chào sàn từ đầu năm 2002 và một thời gian dài được nhiều nhà đầu tư lớn (đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài) ưa thích.
Đến năm 2009, ông Trịnh Thanh Huy bắt đầu tham gia vào HĐQT của Beton 6 và là lãnh đạo cao cấp duy nhất của Công ty vẫn còn tại nhiệm từ đó đến nay. Thay ghế nóng, Công ty bước vào chuỗi ngày sa sút và gần như "biến mất" trên thị trường. Năm 2015, Beton 6 hủy niêm yết trên HoSE với lý do tập trung vào việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian sau đó tình trạng hoạt động Công ty càng thêm "bết bát", năm 2017 doanh thu tiếp tục giảm phân nửa và chính thức báo lỗ trước thuế 139 tỷ đồng.
Lũy kế đến cuối năm 2019, Công ty lỗ luỹ kế gần 425 tỷ đồng, vốn chủ chính thức âm hàng chục tỷ. Tổng tài sản Công ty hiện đạt 890,5 tỷ, nợ phải trả hơn 913 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay ngắn và dài hạn chiếm tỷ trọng lớn với 352 tỷ đồng. Kiểm toán viên cũng từ chối đưa ra kết luận.
Theo đó, cuối năm 2019, Beton 6 đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gửi Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương do bị mất khả năng thanh toán và không có khả năng để thanh toán các khoản nợ đến hạn cho các chủ nợ là tổ chức tín dụng và nhà cung cấp, đối tác. Đến ngày 16/1/2020, Tòa án đã có quyết định mở thủ tục phá sản với Beton 6.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị