Biến hình ảnh 720p thành 8K có phải chuyện viễn tưởng? Hãy nghe các chuyên gia đầu ngành về AI tại Việt Nam chia sẻ
Các chuyên gia đầu ngành về AI ở Việt Nam đã được tận mắt chứng kiến chiếc TV AI xử lý hình ảnh từ 720p trở thành 8K.
Upscale không phải là một khái niệm mới mẻ. Đây là khái niệm "nâng cấp hình ảnh" đã có sẵn trên các mẫu TV hiện đại. Hầu hết các hãng TV truyền thống thường chọn cách chuyển đổi độ phân giải một bộ phim giúp tăng độ phân giải qua phương pháp nội suy tuyến tính, có thể hiểu đơn giản là dùng cách phán đoán, suy luận để tạo ra các điểm ảnh mới dựa trên những điểm ảnh xung quanh.
Ví dụ một cách dễ hiểu như thế này: nếu máy nhận diện 4 vật thể xung quanh một vật thể khác đều là con gà, thì khả năng rất cao vật thể ở giữa cũng là con gà. Bằng cách suy đoán này, mỗi điểm ảnh (pixel) trong bộ phim có chất lượng Full-HD 1080p qua quá trình chuyển đổi (upscale) sẽ trở thành bốn điểm ảnh trên màn hình TV 4K.
Cũng chính vì đây là phương pháp "suy đoán, suy luận" nên 4 điểm ảnh này chỉ là nhân bản của điểm ảnh gốc hoặc có rất ít sự khác biệt do phép nội suy là công nghệ cũ. Kết quả cuối cùng đó là: không phải điểm ảnh mới tạo ra lúc nào cũng chính xác (giữa 4 con gà hoàn toàn có thể là 1 con mèo, chẳng hạn như vậy). Samsung tìm ra cách giải quyết bài toán "suy đoán, suy luận" này bằng cách tung ra dòng TV QLED 8K có bộ xử lý tích hợp trí tuệ nhân tạo mang tên Quantum Processor 8K.
Trong buổi tọa đàm có tên Bàn tròn cùng chuyên gia: "AI và những ứng dụng trong cuộc sống con người" được tổ chức vào ngày 22/5 vừa qua, nhiều chuyên gia công nghệ chuyên về AI đã được tận mắt chứng kiến chiếc TV này xử lý hình ảnh từ xấu, không rõ ràng trở nên sắc nét.
Dưới đây là 2 hình ảnh đã được xử lý bằng công nghệ AI trên TV QLED 8K của Samsung có mặt tại buổi tọa đàm. Ở hình đầu tiên, chúng ta có thể thấy các chi tiết hình ảnh được làm rõ nét hơn, màu sắc tươi mới hơn so với bản gốc. Còn ở hình ảnh thứ 2, độ tương phản đã được tự động đẩy lên cao, chi tiết hình ảnh cũng rõ nét hơn giúp chúng ta nhìn được từng viên kim cương có trên vương miện.
Màu sắc rõ ràng hơn, chi tiết chữ mềm mại hơn.
Độ tương phản được đẩy lên cao, chi tiết ảnh tăng mạnh.
Sau khi nhìn những hình ảnh này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Viện trưởng viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Hoài cho rằng: "Hãy tưởng tượng khi chúng ta zoom ảnh lên thì một số pixel cũng sẽ bị mất đi, do vậy trong trường hợp này, chúng ta có thể dùng AI để dự đoán các pixel bị mất đó. AI có thể học được các đặc trưng của hình ảnh và sử dụng những gì đã biết để dự đoán cho những điều chưa biết. Thứ 2, khi chúng ta upscale lên sẽ kéo theo vấn đề suy giảm chất lượng. Hình ảnh sẽ to ra, không còn trơn nữa và chúng ta buộc phải sử dụng công nghệ giảm nhiễu. Và lúc này, AI đóng vai trò bộ lọc theo ngữ cảnh, bằng cách nhận diện trong bức ảnh có những đối tượng nào, để từ đó áp dụng các bộ giảm nhiễu phù hợp. Và những hình ảnh kia cho chúng ta thấy công nghệ upscale bằng AI hiện tại đã có thể ở mức dùng được khá tốt."
Anh Bùi An, Nhiếp Ảnh Gia và Chuyên gia Công nghệ trên Diễn đàn Điện tử HDVietnam là 1 trong những người đầu tiên được trải nghiệm chiếc TV Q900R tại Việt Nam. Cũng trong buổi tọa đàm này, anh khẳng định xem video 720p trên màn hình 65 inch thực sự rất dễ chịu: "Mình là một trong những người đầu tiên trải nghiệm chiếc TV Q900 của Samsung này và rất bất ngờ khi có thể xem video 720p lại có thể ít bị nhiễu, rỗ hạt và cho ra màu sắc tươi, không bị bợt màu…
Samsung có một cơ sở hình ảnh được tích hợp trong con chip mang tên Quantum Processor 8K, có sẵn hàng triệu bức ảnh để khi cần, có thể lấy ra để sử dụng ngay lập tức để xử lý hình ảnh hiện có. Với nguồn video bây giờ, rơi vào khoảng 30 khung hình/giây, tức là 1 giây phải xử lý 30 tấm hình, đồng nghĩa với việc chip xử lý phải hoạt động rất vất vả. Nói vậy để cho thấy rằng bộ xử lý này thực sự rất tốt".
Bằng AI, việc nâng cấp hình ảnh từ 720p lên sắc nét 8K không còn là chuyện viễn tưởng. Đừng quên rằng, AI càng học càng "thông minh" ra, vì vậy trong tương lai chắc chắn hiệu quả sẽ còn tăng lên mạnh mẽ hơn nữa.