Biên lãi gộp tăng mạnh, Gelex báo lãi gần 900 tỷ LNTT 9 tháng
Biên lãi gộp cải thiện tốt từ ngưỡng 15,38% trong 9 tháng đầu năm 2018 lên 18,38% trong 9 tháng đầu năm 2019 đã giúp Gelex có được nguồn lợi nhuận gộp tăng cao.
Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex-mã chứng khoán GEX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2019.
Biên lãi gộp tăng trưởng nhờ đầu tư cải tiến công nghệ
Báo cáo tài chính của Gelex cho thấy, doanh thu thuần quý 3 đạt hơn 3.900 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, Gelex đạt hơn 11.000 tỷ doanh thu, tăng 9,5%.
Tất cả các lĩnh vực và hầu hết các đơn vị thành viên trong GELEX đều có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận gộp trong Quý 3. Về Doanh thu, tuy tăng trưởng không cao nhưng điều bất ngờ là lãi gộp quý 3/2019 đạt đến 736,6 tỷ đồng, tăng gần 17% và 9 tháng đạt đến 2.023 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2018. Biên lãi gộp cải thiện tốt từ ngưỡng 15,38% trong 9 tháng đầu năm 2018 lên 18,38% trong 9 tháng đầu năm 2019 đã giúp Gelex có được nguồn lợi nhuận gộp tăng cao.
Lợi nhuận gộp cải thiện như trên đến từ việc các đơn vị thành viên của Gelex đã nỗ lực đầu tư thiết bị, cải tiến công nghệ và tối ưu hoá khâu sản xuất song hành với việc tiết kiệm nguyên liệu đã giúp tăng dần biên lợi nhuận gộp.
Mảng thiết bị điện vẫn là mảng kinh doanh trọng yếu
Một điểm nhấn đáng chú ý khác trong báo cáo tài chính Quý 3/2019 của Gelex là cải thiện đáng kể trong lợi nhuận gộp của mảng thiết bị điện.
Báo cáo tài chính cho thấy, Quý 3/2019 lĩnh vực thiết bị điện mang lại cho Gelex 3.215 tỷ đồng doanh thu thuần trên tổng số 3.902 tỷ đồng quý 3 chiếm 82% tổng doanh thu. Lãi gộp từ mảng thiết bị điện cũng đạt 535,6 tỷ đồng trên tổng số 737 tỷ đồng tương ứng đóng góp đến 73% vào tổng số.
Đối với lĩnh vực thiết bị điện, Gelex khẳng định, nghiên cứu phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm thiết bị điện, đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tập đoàn.
Trong năm 2019, Gelex đã tiến hành các dự án mở rộng nâng cao năng lực Sản xuất Công ty TNHH MTV Cadivi Đồng Nai; triển khai dự án sản xuất cáp nhôm siêu nhiệt, dự án nâng cao năng lực sản xuất cáp ngầm trung thế 500 km; tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất tạo hạt nhựa PVC và dự án Nhà máy sản xuất dây và cáp điện Bắc Ninh. Gelex cũng đã hoàn tất mua cổ phần Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh, mở rộng thêm sản phẩm máy biến áp truyền tải, góp phần hoàn thiện bộ sản phẩm thiết bị điện.
Đồng thời với đó, Gelex đã thực hiện tối ưu hóa sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh, sát nhập hai đơn vị cùng lĩnh vực sản xuất là VIHEM vào HEM.
Liên quan đến sự kiện nước Sông Đà bị một số đối tượng đổ dầu gây ô nhiễm gần đây, báo cáo tài chính cho thấy Gelex hiện đang nắm giữ 60,46% vốn tại Viwasupco. Hiện, Viwasupco đã hoàn thành việc khắc phục và được UBND TP Hà Nội cho phép cung cấp nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt trở lại tới người dân. Theo công bố thông tin, VCW sẽ không thu tiền nước của người dân trong một tháng. Sự kiện này có thể khiến doanh thu từ nước của Gelex sụt giảm trong quý tới. Tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận của mảng nước chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu của Tổng công ty.
9 tháng lãi trước thuế gần 900 tỷ đồng, hoàn thành 65% kế hoạch năm
Báo cáo tài chính quý 3/2019 cũng cho thấy, Gelex đạt gần 900 tỷ đồng LNTT 9 tháng, hoàn thành 65% kế hoạch được Đại hội cổ đông giao phó. Lợi nhuận sau thuế Q3/2019 đạt 252 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2018 trong đó phần lợi nhuận thuộc cổ đông công ty mẹ đạt hơn 184 tỷ. Luỹ kế 9 tháng năm 2019 đạt 712,5 tỷ tương ứng giảm 27%.
Sự sụt giảm lợi nhuận sau thuế trong bối cảnh doanh thu và biên lãi gộp tăng là do:
Thứ nhất, năm 2018, Gelex có tiến hành thoái vốn tại một số khoản đầu tư và có khoản thu nhập từ hoạt động tài chính bất thường. Nếu loại trừ yếu tố bất thường này, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 2 chữ số, đạt 21,3%.
Thứ hai, trong năm 2019, công ty đã tăng chi cho hoạt động marketing thúc đẩy bán hàng, tham dự nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài nước
Ngoài ra, chi phí tài chính trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay tăng từ 336 tỷ đồng 9 tháng năm 2018 lên 450 tỷ đồng 9 tháng năm nay. Trong kỳ, công ty đã tăng vay nợ ngân hàng và phát hành thêm trái phiếu so với đầu năm, đẩy nợ vay ngắn hạn từ 3.742 tỷ đầu năm lên 5.103 tỷ đồng cuối tháng 9 và đẩy nợ vay dài hạn từ 2.132 tỷ đồng lên 3.487 tỷ đồng. Đa phần trái phiếu phát hành là để tài trợ vốn cho các dự án mới của công ty.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- HANCorp báo lãi lao dốc, 9 tháng mới hoàn thành được 9% kế hoạch năm
- Bức tranh ngành dệt may quý 3: Ngành sợi gặp khó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng
- Bức tranh ngành cao su quý 3: Lợi nhuận tăng trưởng nhờ ảnh hưởng từ tình hình chung trên thế giới
- Bức tranh ngành thủy sản quý 3/2019: Lợi nhuận các doanh nghiệp lớn lao dốc trước hàng loạt khó khăn
- Doanh nghiệp ngành thép thua lỗ, kết quả kinh doanh giảm sút