Biến số nhiệt điện trong bài toán giảm dùng nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc
Các nhà môi trường học nhận định Trung Quốc đang trong đợt bùng nổ than mới khi số dự án nhiệt điện được phê duyệt gia tăng trong năm nay để ứng phó ảnh hưởng từ Covid-19.Các dự án nhiệt điện sử dụng than này được thúc đẩy chủ yếu bởi việc tăng chi ngân sách của địa phương để kích thích kinh tế.
Thay vì xem đại dịch Covid-19 là cơ hội ‘có một không hai’ để đẩy mạnh quá trình cắt giảm lượng khí thải CO2 và thực hiện các mục tiêu biến đổi khí hậu, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang áp dụng chiêu bài cũ. Đó là bơm tiền cho các dự án năng lượng sử dụng nhiêu liệu hóa thạch để giúp nền kinh tế hồi phục từ đợt sụt giảm tăng trưởng quý đầu tiên suốt nhiều thập kỷ.
Sau đợt sụt giảm mạnh tiêu thụ năng lượng và khí thải nhà kính hồi đầu năm, ngành năng lượng Trung Quốc đang phục hồi thần tốc. Số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy lượng tiêu thụ than đá, dầu mỏ và khí thiên nhiên hàng ngày trong tháng 6 bằng với cùng kỳ năm ngoái, lượng phát thải khí nhà kính về ngưỡng trước khi đại dịch bùng phát.
Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận thị trường năng lượng cũng như tình trạng phát thải khí nhà kính sẽ đi tới đâu trong năm 2020 nhưng có thể khẳng định giai đoạn môi trường được ‘làm sạch’ nhờ vào các biện pháp phong tỏa kéo dài nhiều tháng liền đã kết thúc.
Sau đợt sụt giảm mạnh tiêu thụ năng lượng và khí thải nhà kính hồi đầu năm, ngành năng lượng Trung Quốc đang phục hồi thần tốc. Ảnh: Reuters.
Ồ ạt xây dựng nhà máy điện than
Theo dữ liệu từ Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, tổng công suất của các nhà máy điện than đã được phê duyệt và đang trong quá trình xây dựng của Trung Quốc là 249,6 gigawatt (GW), cao hơn nhiều so với con số của Mỹ hay Ấn Độ.
Chỉ tính riêng trong năm nay, Trung Quốc đã phê chuẩn đề xuất xây dựng các nhà máy điện than với tổng công suất 17 GW, lớn hơn cả hai năm trước cộng lại. Không những thế, ngành điện nước này còn đang đề xuất xây mới các nhà máy điện than với tổng công suất 40 GW trong năm nay.
Theo các chuyên gia phân tích, sự gia tăng ồ ạt các nhà máy điện than ở Trung Quốc có nguyên nhân là sự chấp thuận của chính quyền khu vực đối với nhiều dự án nhằm hỗ trợ phát triển nền kinh tế địa phương.
Li Shou, chuyên gia cao cấp về chính sách năng lượng và khí hậu của tổ chức Greenpeace East Asia, khẳng định nguyên nhân phía sau động thái này có một phần liên quan tới dịch Covid 19, bởi sau thời gian dài kinh tế đình trệ vì dịch bệnh, “các dự án hạ tầng quy mô lớn thường rất có sức hấp dẫn khi chính quyền địa phương gặp phải khó khăn về kinh tế”.
Quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới những năm gần đây dần kiềm chế tốc độ phát triển của các dự án điện than mới sau khi nhận thức được nguy cơ ô nhiễm cũng như tình trạng dư thừa điện khi không còn phụ thuộc nhiều vào các ngành chế tạo và xây dựng như trước đây.
Dữ liệu từ Cục thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ than đá trong cơ cấu năng lượng nước này giảm xuống 58% trong năm 2018, so với 72% một thập niên trước.
Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh các dự án điện than trong năm nay một lần nữa thổi bùng căng thẳng trong chính sách năng lượng Trung Quốc, khi các mối quan tâm chiến lược của Bắc Kinh trong việc phát triển năng lượng tái tạo đi ngược lại với mục tiêu trước mắt của chính quyền các địa phương vốn đang coi những dự án này là cơ hội phát triển kinh tế.
“Mối quan tâm của các chính quyền địa phương là công ăn việc làm, một cơ hội tạo ra giá trị kinh tế mà dự án này mang tới. Vì thế trong ngắn và trung hạn, họ có động lực rất mạnh mẽ để đưa các dự án điện than được xây dựng trở lại”, bà Melissa Brown, Giám đốc bộ phận cố vấn tài chính năng lượng khu vực châu Á của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính, Mỹ, cho hay.
“Trong khi đó, Bắc Kinh lại có cái nhìn dài hơi hơn, bao quát hơn khi xem xét tới các các yếu tố biến đổi khí hậu, kế hoạch phát triển kinh tế tổng thể”.
Tuy nhiên, dù có tranh cãi, bất đồng đến đâu thì cuối cùng, việc “bật đèn xanh” cho các dự án điện than lại vẫn thuộc quyền quyết định của chính quyền khu vực.
Mức tiêu thụ than, dầu thô, khí thiên nhiên và năng lượng tái tạo&hạt nhân của Trung Quốc qua các năm. |
Cam kết chuyển đổi năng lượng sạch
Dẫu vậy, cũng phải nhìn nhận rằng đã có những dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang dần trở nên cảnh giác với sự hồi sinh của các dự án điện than.
Tháng 6, 6 cơ quan chính phủ, bao gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia – cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc, và ba bộ ngành khác đã ra tuyên bố chung có nội dung trong năm nay, tổng công suất các nhà máy điện than trên cả nước sẽ không được phép vượt quá 1.100 GW. Các nhà máy mới sẽ chỉ được phép xây dựng khi có yêu cầu. Hiện, tổng công suất điện than của Trung Quốc là 1.050 GW.
Lauri Myllyvirta, chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, khẳng định đây là tuyên bố “rất quan trọng”, bởi đây “là một dấu hiệu để chính quyền địa phương biết rằng họ vẫn đang bị quan sát và nếu tình trạng này còn tiếp tục, họ sẽ phải đối mặt với những chính sách ràng buộc chặt chẽ hơn.
Trên trường quốc tế, Trung Quốc vẫn thể hiện quyết tâm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của nước này.
Phát biểu tại Hội nghị chuyển đổi năng lượng do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tổ chức hồi đầu tháng này, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc Zhang Jianhua cho biết trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 sắp tới, Bắc Kinh vẫn “giữ vững cam kết trong việc chuyển đổi sang nền năng lượng xanh và phát thải carbon thấp”, bất chấp những trở ngại của đại dịch Covid-19.
Ông cũng cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục bổ sung 85,1 GW công suất điện gió và điện mặt trời trong năm nay, nâng tổng công suất điện từ các dự án năng lượng tái tạo của nước này lên 850 GW. Bên cạnh đó, Trung Quốc, với tư cách là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong sử dụng xe điện, sẽ xem xét việc mở rộng hệ thống hạ tầng sạc xe như ưu tiên hàng đầu.
Theo chính sách năng lượng hiện tại, Trung Quốc đang trên đà đạt được các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris, trong đó bao gồm việc giảm tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch xuống 20% vào năm 2030.
Tuy nhiên, rất nhiều chính sách năng lượng hiện vẫn chưa được quyết, do triển vọng kinh tế thiếu chắc chắn dưới tác động của Covid-19, ông Li Shou, chuyên gia tổ chức Greenpeace khẳng định.
Người đồng hành