Biên tập viên VTV nghỉ việc đài truyền hình để kinh doanh nhượng quyền chuỗi nhà hàng nổi tiếng của Thái Lan
Làn sóng ẩm thực Thái đầy sôi động ở Hà Nội đã thu hút sự chú ý từ đại gia ẩm thực đến từ Thái Lan – Tập đoàn Coca Holding International.
- 25-04-2017Khi The KAfe, Coffee Inn "chết yểu", các chuỗi trà sữa ở miền Bắc lại đang bùng nổ hơn bao giờ hết
- 19-04-2017The KAfe gọi vốn trăm tỉ, chạy nhanh như một chú thỏ, nhưng vì mắc phải yếu điểm chết người này nên đã bị "chú rùa" Cộng Cà phê bỏ lại
- 29-11-2016Từ Beer Club đến Mỳ cay Hàn Quốc: Chuỗi nhà hàng tại Việt Nam quá dựa dẫm theo "sóng" nên khó có thể thành công
Đã từ lâu, đồ ăn Thái Lan đã được các thực khách thủ đô ưa chuộng do sự tổng hòa chua cay mặn ngọt, khá gần gũi với khẩu vị người Việt.
Khoảng 2-3 năm gần đây, làn sóng ẩm thực Thái càng trở nên mạnh hơn khi chứng kiến hàng loạt tên tuổi mới gia nhập thị trường Hà Nội. Có thể kể đến một số thương hiệu cho từng phân khúc và mô hình khác nhau, như nhà hàng trung cấp có chuỗi Thai BBQ, Thai Express (chủ đầu tư Red Sun), chuỗi Thai Village (IPP), Thai Deli, phân khúc giới trẻ thì có Food Center, đồ tráng miệng có Koh Samui, Aroi Dessert Café,… chưa kể nhiều nhà hàng đơn lẻ có tiếng khác.
Sự xuất hiện của "lão làng" đến từ Thái Lan
Làn sóng ẩm thực Thái đầy sôi động ở Hà Nội đã thu hút sự chú ý từ đại gia ẩm thực đến từ Thái Lan – Tập đoàn Coca Holding International.
Xuất phát điểm là một nhà hàng cung cấp món lẩu (Suki) tại Bangkok từ năm 1957 của một cặp vợ chồng gốc Hoa di cư sang đất Thái, tập đoàn Coca hiện sở hữu trên 70 nhà hàng trên khắp châu Á và châu Âu.
Ngoài chuỗi nhà hàng Coca, tập đoàn này còn có một số thương hiệu khác như Mango tree (nhà hàng món Thái truyền thống), China white (nhà hàng món Hong kong) hay Lake tea 8 (nhà hàng món Hoa truyền thống và tráng miệng).
Với triết lý “chỉ phục vụ các món ăn mà ông sẽ dành cho các con mình”, ông Pitaya Phanphensophop – Thế hệ thứ hai của gia đình sáng lập nên thương hiệu Coca Restaurant cho biết: “Ngành F&B rất dễ có thể che mắt khách hàng bằng những tiểu xảo trong khu vực bếp để gia tăng lợi nhuận, nhưng 60 năm bươn chải trong nghề và phát triển chuỗi nhà hàng ra toàn thế giới, tôi nhận ra rằng chỉ có đem giá trị thực đến với khách hàng thì mới có thể tồn tại lâu bền”.
CEO Tập đoàn Coca Holding International - ông Pitaya Phanphensophop.
Đến Việt Nam từ năm 2008 dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu, hệ thống Coca Restaurant đã có 4 nhà hàng ở TPHCM, tất cả đều đặt ở các trung tâm thương mại lớn (Vincom, Parkson, Aeon Mall). Tuy nhiên, mãi đến năm 2017 này mới chính thức Bắc tiến ra Hà Nội.
Trong tâm thế của người đến sau, chuỗi Coca khá khôn ngoan khi lựa chọn định vị “chuẩn Thái”, mà theo bếp trưởng, các món ăn sẽ rất ít điều chỉnh theo khẩu vị địa phương. Bởi trên thực tế, sự có mặt của các nhà hàng Thái ở Hà Nội trước đó hầu hết đều không phải thương hiệu bản xứ, mà được xây dựng bên ngoài lãnh thổ Thái Lan (do các ông chủ Việt mở ra hoặc nhận nhượng quyền từ chuỗi gốc từ nước khác, như Singapore).
Thực ra trước đây tập đoàn Coca đã từng tự mở một nhà hàng ở khu vực Hải Phòng nhưng không mấy thành công và sau đó đã tạm đóng cửa. Lý do là bởi việc vận hành trơn tru một nhà hàng có các tiêu chí khắt khe không thể thực hiện được từ xa và thiếu sự sâu sát (trụ sở điều hành vẫn đặt ở thành phố Hồ Chí Minh). Thất bại này đã đưa đến quyết định thực hiện chiến lược nhượng quyền ở cả TPHCM và Hà Nội.
Coca hướng đến nhóm khách hàng có mức chi tiêu trung bình từ 11 – 12USD/ người/ bữa và thiên nhiều về nhóm gia đình, bạn bè, đối tác. Giám đốc Marketing Trevor McKenzie cho biết chuỗi Coca dự định sẽ mở thêm 4 nhà hàng ở Việt Nam trong 3 năm tới.
Với hình thức nhượng quyền, tập đoàn mẹ Coca sẽ hỗ trợ bài bản và chặt chẽ cho đơn vị mua nhượng quyền, bao gồm từ khâu marketing đến huấn luyện cung cách dịch vụ nhân viên, chất lượng tay nghề đầu bếp… và sẽ có đánh giá chi tiết định kỳ.
Các nguyên vật liệu tươi như thịt, cá, hải sản, rau,… được sử dụng tại chỗ từ các nhà sản xuất trong nước. Còn gia vị và thảo mộc thì nhập trực tiếp từ Thái Lan để đảm bảo hương vị gốc.
Chân dung bà chủ nhận nhượng quyền ở Hà Nội - cựu biên tập viên VTV
Người nhận nhượng quyền thương hiệu Coca tại Hà Nội là Nguyễn Ngọc Diệp. Chị vừa nghỉ công việc biên tập viên ở VTV để dành toàn thời gian cho việc kinh doanh.
Thực tế, từ năm 2015, Ngọc Diệp đã bắt đầu kinh doanh thương hiệu cơm gà Singapore mang tên Kampong Chiken House ở Hà Nội và bước đầu thu được thành công. Sau khi sinh con thứ hai, việc duy trì 2 công việc trở nên khó khăn hơn, chị quyết định nghỉ việc ở đài truyền hình để chuyên tâm kinh doanh chuỗi cơm gà, cũng như tập trung phát triển nhà hàng Thái nhượng quyền từ tập đoàn Coca Restaurant.
"Việc kinh doanh đến với tôi như cơ duyên và sự may mắn chứ ban đầu tôi cũng không chủ định sẽ theo đuổi nó.
Nhiều người ở ngoài nhìn vào ban đầu cũng chỉ nghĩ tôi là một cô gái học ngoại ngữ ra, không biết kinh doanh gì cả, đơn giản chỉ có tình yêu với ẩm thực. Tôi là người biết nấu ăn và cũng thích ăn ngon", chị tâm sự.
Chị Ngọc Diệp và con gái.
"Việc kinh doanh nhà hàng đến với tôi bắt nguồn từ mong muốn mang đến cho con mình một môi trường giáo dục tốt. Khi làm đài truyền hình, mặc dù có thu nhập khá cao với chừng 20 triệu và nguồn thu thêm từ việc đi dẫn các chương trình bên ngoài. Nhưng đến ngoài 30 tuổi, tôi bắt đầu cảm thấy mình không còn trẻ.
Khi con gái lớn bước vào lớp 1, chúng tôi muốn lựa chọn về môi trường giáo dục tốt cho con. Nhưng với tình hình tài chính lúc đó của hai vợ chồng, trường tôi muốn cho con học lại không đủ khả năng tài chính", Ngọc Diệp tâm sự về lý do nghỉ việc ở VTV.
Hiện tại, Ngọc Diệp đang quản lý tổng cộng 140 nhân viên của hai thương hiệu nhà hàng. "Đó là 140 gia đình tôi phải lo cho cuộc sống của họ chứ không chỉ bản thân mình nữa. Trách nhiệm đó còn lớn hơn việc lên sóng truyền hình đọc một bản tin", nữ giám đốc cho biết.