MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biến thể Delta dồn Campuchia vào thế "chân tường": Tình trạng khẩn nguy - Ông Hun Sen ra lệnh nóng!

29-07-2021 - 21:16 PM | Tài chính quốc tế

Biến thể Delta dồn Campuchia vào thế "chân tường": Tình trạng khẩn nguy - Ông Hun Sen ra lệnh nóng!

8 tỉnh của Campuchia, hầu hết giáp biên giới với Thái Lan, sẽ được đặt dưới trạng thái phong tỏa trong 14 ngày, từ 29/7 đến 12/8/2021 - theo Khmer Times.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 28/7 ký quyết định ban hành hàng loạt biện pháp hạn chế khẩn cấp nhằm kiểm soát dịch Covid-19 lây lan, trước tình hình biến thể Delta đã xuất hiện ở các ca mắc trong cộng đồng tại nước này.

Theo chỉ thị của chính phủ Campuchia, biện pháp phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng do biến thể Delta của virus corona mới (SARS-Cov-2) gây ra.

Tám tỉnh sẽ tiến hành phong tỏa gồm: Koh Kong, Pursat, Battambang, Pailin, Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Preah Vihear, và tỉnh Siem Reap.

Các tỉnh nêu trên đã liên tục báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày ở mức 2 và 3 chữ số trong một thời gian, bao gồm các ca tử vong được ghi nhận. Các cơ sở điều trị và cách ly ở những tỉnh này cũng đang quá tải do lượng người đi qua biên giới hàng ngày.

Các tỉnh phong tỏa được giới chức khuyến cáo xác định các vùng theo màu Đỏ, Vàng đậm và Vàng, trong đó vùng Đỏ là khu vực lây nhiễm cộng đồng nghiêm trọng, Vàng đậm và Vàng là các khu có tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở mức vừa và nhẹ.

Theo chỉ thị của Phnom Penh, các hoạt động hàng không dân dụng ở khu vực phong tỏa vẫn được vận hành, bao gồm đi lại bằng đường không. Các tỉnh bị phong tỏa và những tỉnh lân cận được yêu cầu tăng cường hợp tác để kiểm soát lưu thông liên tỉnh và thực thi các biện pháp cần thiết để ngăn chặn virus lây lan.

Cũng theo quyết định của ông Hun Sen, thủ đô Phnom Penh và tất cả tỉnh thành sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm từ 21h đến 3h ngày hôm sau, có hiệu lực từ 0h ngày 30/7 đến hết ngày 12/8/2021. Đây là lần đầu chính phủ Campuchia áp đặt lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc, bởi cho rằng đây là biện pháp cần thiết để hạn chế các hoạt động tập trung đông người kéo theo nguy cơ lây lan virus cùng biến thể nguy hiểm.

Biến thể Delta dồn Campuchia vào thế chân tường: Tình trạng khẩn nguy - Ông Hun Sen ra lệnh nóng! - Ảnh 1.

Campuchia tạm đóng biên giới với Thái Lan để ngăn chặn biến thể Delta xâm nhập nước này (Ảnh: AKP)

Bộ Ngoại giao Campuchia được giao nhiệm vụ khẩn trương liên hệ với phía Thái Lan để đóng cửa tạm thời biên giới và dừng việc đi lại qua biên giới, ngoại trừ vận chuyển hàng hóa và các trường hợp y tế khẩn cấp.

Người lao động Campuchia ở Thái Lan cũng được đề nghị trì hoãn việc trở về nước cho đến sau khi kết thúc phong tỏa. Theo Khmer Times, việc đóng biên giới sẽ ảnh hưởng đến lao động nhập cư Campuchia tại Thái Lan, song động thái này là cần thiết để ngăn chặn biến thể Delta tràn vào Campuchia từ nước láng giềng này.

Thái Lan cũng đang gặp khó khăn trong ứng phó làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta với số ca nhiễm hàng ngày tiếp tục ghi nhận ở mức 5 chữ số.

Tiến sĩ Li Ailan, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, ngày 28/7 nói rằng số ca mắc và tử vong do Covid-19 hàng ngày ở Campuchia vẫn ở mức cao một cách đáng kể. Bà cảnh báo biến thể Delta đã thống trị ở nhiều quốc gia và "không may là ở Campuchia cũng sẽ như thế".

"Campuchia cần sẵn sàng cho những kịch bản là biến thể Delta hay Delta Plus đã tồn tại trong cộng đồng và một khi nó tấn công những người chưa được tiêm chủng thì sẽ có sự tàn phá mạnh mẽ khi số ca nhiễm tăng đột biến, cùng với số người phải nhập viện và tử vong, làm căng thẳng thêm cho hệ thống y tế."

Tính đến ngày 19/7, biến thể Delta vẫn chưa được ghi nhận trong cộng đồng và Campuchia có 70 ca mắc Covid-19 mang biến thể này được xác định trong số người lao động từ nước ngoài trở về.

Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi vào ngày 27/7 khi Bộ Y tế Campuchia xác nhận phát hiện 39 ca mắc mang biến thể Delta, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm biến thể này lên hơn 150 người.

Theo PV

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên