MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biến thể Delta 'tự hủy diệt' ở Nhật Bản: Chuyên gia nói chưa thể vội mừng

26-11-2021 - 09:08 AM | Tài chính quốc tế

Biến thể Delta 'tự hủy diệt' ở Nhật Bản: Chuyên gia nói chưa thể vội mừng

Theo PGS Nguyễn Văn Kình – Cố vấn cao cấp của BV Bạch Mai, Hà Nội, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Nhật Bản mới giảm ít ngày, chưa có dấu hiệu vững bền.

Gần đây, số ca mắc và tử vong do Covid-19 giảm mạnh ở Nhật Bản. Có giả thuyết cho rằng biến thể Delta tại Nhật Bản đã tích lũy quá nhiều đột biến, với một protein không cấu trúc có khả năng sửa lỗi đi truyền của nCoV có tên là nsp14. Kết quả là virus vật lộn tự sửa chữa các lỗi sai một thời gian dài, cuối cùng dẫn đến "tự hủy diệt".

Tuy nhiên, đứng về phương diện đi truyền học, PGS Kình cho rằng còn nhiều vấn đề phải xem xét:

Thứ nhất: Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Nhật Bản mới giảm ít ngày, chưa có dấu hiệu vững bền. Chúng ta cần chờ xem những ngày sắp tới diễn ra thế nào. Chúng ta cũng cần xét đến khả năng xấu hơn, đó là đây chỉ là giai đoạn SARS-CoV- 2 đang suy tính để có những chiến lược mới tấn công con người và chúng ta tạm gọi giai đoạn này là giai đoạn chờ.

Biến thể Delta tự hủy diệt ở Nhật Bản: Chuyên gia nói chưa thể vội mừng - Ảnh 1.

Số ca mắc và tử vong do Covid-19 giảm mạnh ở Nhật Bản. Ảnh minh họa

Mặt khác, trong tiến trình đấu tranh sinh tồn, có thể có các biến thể thích ứng được với những điều kiện hoàn cảnh mới. Những biến thể đó có thể lại tiếp tục 'làm mưa làm gió' với sức khỏe của chúng ta. Cũng vì lý do này mà ta đừng chủ quan trọng bất cứ hoàn cảnh nào.

Thứ hai: Có thể đã xuất hiện những biến thể đi theo chiều hướng ngược lại: ít gây độc hơn, ít khả năng lây lan hơn. Đột biến ở đây hoàn toàn ngẫu nhiên và nó đi theo chiều hướng nào tuỳ thuộc vào từng điều kiện hoàn cảnh và các yếu tố tác động của môi trường, của con người.

Còn tại Châu Phi, nơi cũng có tình trạng gần giống Nhật Bản, điều kiện sinh hoạt và cơ sở hạ tầng của Châu Phi còn nhiều khó khăn. Người ta cho rằng Châu Phi chưa đô thị hoá cao, người dân tiếp xúc cộng đồng ít, được miễn nhiễm do bị sốt rét và các bệnh khác. Tất cả những luận cứ ấy cần được khảo sát kỹ lưỡng hơn vì nếu đó là sự thật thì chúng ta sẽ có các cơ sở lý luận để thiết lập được những phương thức phòng chống Covid-19 tốt nhất.

Theo PGS Kình, với Covid-19. chúng ta còn hiểu quá ít về nó, chính vì thế chúng ta chưa loại trừ được nó và chọn cách sống chung an toàn. Vì thế, con người không bao giờ được chủ quan với Covid-19, vẫn phải tiếp tục chiến đấu với loại virus nguy hiểm có một không hai này.

TS. Nguyễn Đức Thái, Cố Vấn Khoa Học & Sáng lập viên TransMed-VN cũng cho rằng dịch bệnh tại Nhật Bản suy giảm là do tỉ lệ tiêm chủng cao, sự ủng hộ của công chúng với sử dụng khẩu trang và các yếu tố khác.

Người Nhật Bản rất sạch sẽ, ít tiếp xúc ôm hôn như người Mỹ hay Châu Âu. Có thể chính thói quen sống này cũng là một cách giảm sự lây lan trong cộng đồng. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho việc virus dần biến mất này, tuy nhiên, TS Thái vẫn lưu tâm virus SARS-CoV-2 này vô cùng khác biệt và khó lường. Đây cũng có thể là thời gian "tu" tạm thời của chúng để tạo ra biến chủng khác nguy hiểm hơn.

Vì vậy, TS Thái nhấn mạnh chúng ta rất cần một định hướng và chiến lược rõ ràng, mạnh mẽ để kiểm soát lây lan của virus trong cộng đồng tiêm chủng hiện nay. Thế giới đã bị virus SARS-CoV-2 đánh lừa khi coi nhẹ sự lây nhiễm ở những người trẻ không triệu chứng. SARS-CoV-2 đã dùng môi trường này để âm thầm và lan nhanh tấn công các người lớn tuổi và bệnh nền, với những thảm hoạ to lớn cho y tế và kinh tế toàn cầu.

Theo Ngọc Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên