MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biết khát vọng về tiền và học hỏi chính đáng, 2 bí quyết vừa làm hài lòng sếp vừa giúp thăng tiến cực nhanh

04-06-2020 - 09:58 AM | Sống

Trong tuyển dụng, lãnh đạo ghét nhất là những người đòi tăng lương định kì và không chịu học hỏi. Nếu thấu hiểu 2 điều này, biết chứng minh bản thân thực sự "đáng tiền", chắc chắn nhân viên sẽ được trọng dụng.

Muốn phát triển nhanh trong công việc, hãy hiểu đúng 2 điều này:

1. Tham tiền

Đã qua rồi cái thời mà ứng viên đi phỏng vấn, nói rằng: "Em không quan tâm đến tiền, em muốn được đắm mình trong công việc, muốn trải nghiệm và học hỏi những điều mới mẻ". Tôi biết, khi nói những điều trên, nhiều ứng viên đã nói rất thật lòng.

Tuy nhiên, bây giờ, nhà tuyển dụng muốn sở hữu những nhân sự máu lửa, mạnh mẽ và tâm huyết với công việc. Khát vọng về tiền sẽ là động lực tốt để thúc đẩy nhân sự phát triển. Chưa kể đến việc, những đứa coi trọng tiền, thường sẽ có thái độ làm việc tốt hơn. Mấy đứa nhà giàu đi làm cho vui ấy, đến công ty thường hời hợt, thái độ thì bất thường, vì chúng nó có sợ phải nghỉ việc đâu, vui thì làm không thì thôi.

Hãy luôn đặt cho mình một mục tiêu, đó là phải được tăng lương, phải được tăng thu nhập. Tuy nhiên, phải hiểu đúng về điều này. Tuyệt đối không được xin tăng lương khi:

- Khi thấy lương mình thấp hơn đồng nghiệp.

- Khi thấy lâu rồi mình không được tăng lương.

Vậy thì chúng ta nên xin tăng lương khi nào?

- Khi bản thân tự trau dồi và phát triển nhiều hơn trước.

- Khi bản thân làm được nhiều việc hơn trước.

- Khi bản thân làm được những việc khó hơn trước.

- Khi bản thân làm ra kết quả tốt hơn trước.

- Khi bản thân sẵn sàng chịu những trách nhiệm lớn hơn trước.

Thực ra, vẫn có một tỉ lệ những nhà tuyển dụng, có tâm lý muốn bóc lột sức lao động. Tức là chỉ muốn nhân sự làm nhiều hơn, nhưng không muốn trả nhiều hơn. Còn lại về đa số, doanh nghiệp rất thích tăng lương. Tăng lương cho nhân sự đồng nghĩa với hiệu quả công việc đang được gia tăng, đó là chuyện tốt. Điều mà doanh nghiệp ghét nhất, có lẽ chính là tăng lương định kì. Đó là doanh nghiệp của tôi, không biết các doanh nghiệp khác thế nào.

Vì vậy, khi đi làm, hãy thể hiện ham muốn kiếm tiền. Hãy tự tin nói: "Em muốn được tăng lương, vậy em cần bổ sung học tập những gì để được tăng hả anh?"

2. Học hỏi

Truyền đời nhân sự khi đi phỏng vấn đều nói em muốn vào công ty để được "học hỏi". Trước khi tiếp nhận bất cứ một nhân sự nào, tôi đều phải "dằn mặt" họ bằng một đoạn chia sẻ như sau:

"Anh biết, em muốn vào công ty để học hỏi, đó là nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, em phải hiểu một điều, bình thường người ta phải trả tiền để được học, chứ không có chuyện người ta phải trả tiền để được dạy. Anh thuê em, chúng ta cộng tác, trao đổi tiền lấy chất xám và thời gian lao động. Chứ anh không thuê em để rồi dành thời gian dạy em."

Học hỏi là một nhu cầu chính đáng, tuy nhiên đó không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm đào tạo nhân sự về sản phẩm, văn hóa doanh nghiệp, cách thức làm việc... Còn về kiến thức chuyên môn, kĩ năng mềm, bạn phải tự đi mà học.

Thế làm sao để học khi người ta không dạy? Muốn học hỏi nhanh trong công việc, phải làm 2 thứ:

- Một là phải năng nổ, nhận nhiều việc, làm càng nhiều thì biết càng nhiều. Đừng ngại khi bị giao thêm việc, đừng ngại khi hỗ trợ người khác. Lúc bạn giỏi, bạn giàu, bạn thích làm việc gì thì làm. Khi đang kém, đang nghèo, đang dốt, đừng sợ vất vả.

- Hai là phải biết đặt câu hỏi. Cái gì không hiểu phải hỏi ngay, tránh cứ làm bừa xong đến lúc sai rồi mới "ồ" với "à". Quan điểm của mình khi làm tất cả mọi việc, là luôn luôn sợ thiếu chứ không sợ thừa. Khi lăn tăn về ý định của khách hàng, tôi luôn chủ động hỏi để xác nhận, chứ không tự làm theo ý mình. Hoặc không thì cũng làm ra 2 phiên bản cho khách hàng chọn. Bạn càng chịu khó hỏi, càng cho thấy tính cẩn thận và chắc chắn của bạn.

Nhưng để là một người hỏi khôn, hạn chế "hỏi ngu", hãy luôn nhớ câu thần chú sau: "search trước hỏi sau". Để tránh hỏi những câu uá cơ bản (mà thực ra đối với người mới, thì đâu biết cái nào là cơ bản, cái nào là nâng cao), hãy luôn thử tìm kiếm trên Google. Có thể Google không cho bạn một kết quả chính xác, nhưng ít nhất cũng cho bạn tối ưu lại câu hỏi cho đỡ ngô nghê. Tôi không ngại trả lời câu hỏi của mọi người, nhưng tôi rất ghét trả lời những câu mà Google 1 chút ra cả ngàn kết quả.

Không phải cứ làm tốt 2 điều này là chắc chắn thành công. Hãy nhớ, để đạt kết quả tốt thì mọi thứ phải tốt, để đạt kết quả tệ thì chỉ cần một thứ tệ. Hai yếu tố trên tuy chưa phải toàn bộ, nhưng hiểu đúng làm đủ được 2 điều đó, tôi tin là bạn có thể tăng tốc thăng tiến nhanh hơn vài bậc đấy.

Theo Phùng Thái Học

Báo Dân sinh

Trở lên trên