“Biệt phủ đẹp nhất Cà Mau” có được hợp thức hóa?
Theo luật sư, trong vòng chưa đến 1 năm, quy hoạch sử dụng đất của UBND TP Cà Mau đã có thay đổi và sự thay đổi ấy là phù hợp với phần đất của “biệt phủ đẹp nhất Cà Mau” (!?)
Những ngày qua, dư luận rất quan tâm vụ việc "biệt phủ đẹp nhất Cà Mau" xây dựng trái phép nhưng sau đó được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở.
Về vấn đề này, luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), đã có những nhận xét với Báo Người Lao Động.
Luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng cho biết tại phần đất diện tích 2.261,58 m2 hiện nay tồn tại công trình "biệt phủ" song trước đó, Quyết định 82/QĐ-XPHC ngày 9-1-2023 của UBND TP Cà Mau cho rằng đây là đất "nuôi trồng thủy sản" và không phù hợp với đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới nên không đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng sang đất ở nông thôn.
Tuy nhiên, sau đó, vào ngày 15-11-2023, UBND TP Cà Mau lại tiếp tục ban hành Quyết định 7309/QĐ-SĐBSHB để sửa đổi, bổ sung một phần Quyết định 82 nêu trên.
Tại quyết định này, UBND TP Cà Mau đã áp dụng khoản 1, Điều 4 Quyết định 24/2021/QĐ-UBND ngày 16-9-2021 của UBND tỉnh Cà Mau - quy định về mức độ khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ) trên địa bàn - để cho phép "đối tượng vi phạm giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm", đồng thời yêu cầu "phải thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định" trong thời hạn 30 ngày làm việc.
Theo luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, có thể thấy rằng việc UBND TP Cà Mau cho phép ông H.A.T giữ nguyên hiện trạng - gồm: khu nhà chính, nhà phụ, nhà gỗ, nhà mồ và một số tiểu cảnh - là do vị trí, diện tích, loại đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của UBND TP Cà Mau, ông T. được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở nông thôn 70 m tính từ lề đường Quản Lộ - Phụng Hiệp vào trong.
Vấn đề được đặt ra ở đây là Quyết định 82 thì áp dụng khoản 2, Điều 4 Quyết định 24; còn Quyết định 7309 lại áp dụng khoản 1, Điều 4 Quyết định 24 làm căn cứ.
Như vậy, cũng theo luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, trong vòng chưa đến 1 năm, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của UBND TP Cà Mau đã có sự thay đổi và sự thay đổi ấy là phù hợp với phần đất của ông T. đã vi phạm (!?).
"Theo quy định của pháp luật"?
Ngày 29-1, trao đổi với PV Báo Người Lao Động, ông Bùi Tứ Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau - cho hay quyết định sửa đổi, bổ sung một phần quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H.A.T. (ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau) là đúng quy định pháp luật.
Khi PV đặt vấn đề vì sao UBND TP Cà Mau trước đó đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế căn biệt thự xây dựng không đúng quy định của ông T. nhưng nay lại có quyết định mới là cho tồn tại gần hết công trình vi phạm, ông Hải nói: "Đâu có sự thay đổi đâu. Trước đó làm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại kế hoạch, quy hoạch, văn bản hiện có và các sở, ngành thì có những cái không nắm hết nên giờ xử lý theo quy định pháp luật thôi".
VÂN DU
Người lao động