MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Big C bị mua lại: Tín hiệu buồn cho nhà sản xuất, bán lẻ Việt Nam

Theo TS Lê Đăng Doanh, Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group mua lại Big C Việt Nam đem lại tín hiệu buồn đối với nhà sản xuất, bán lẻ Việt Nam.

Gần đây, các chuyên gia liên tục cảnh báo về việc doanh nghiệp Việt Nam đang dần để tuột tay khỏi thị phần bán lẻ trên chính “sân nhà”.

Thị phần bán lẻ của doanh nghiệp nội đang dần bị thu hẹp

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có khoảng 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại, về doanh số bán lẻ, kinh tế nhà nước chiếm khoảng 10%, ngoài nhà nước chiếm 86%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 4%.

Đáng lưu ý, tuy các điểm bán lẻ của doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước, song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3 - 4 lần, thậm chí 7 - 8 lần so với một điểm của các siêu thị nội, do quy mô lớn. Như vậy, thị phần bán ra của các doanh nghiệp FDI dự đoán đạt 30 - 35% thị phần hiện nay, còn lại là thị phần của các doanh nghiệp siêu thị nội địa. Những con số trên cho thấy, thị phần ngành bán lẻ nước ta đang dần thu hẹp.

Chuyện hệ thống siêu thị Big C Việt Nam “rơi” vào tay của Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group là một minh chứng. Hơn nữa, sau cuộc đổi chủ mỗi hệ thống bán lẻ lớn ở nước ta như thế sẽ hiện rõ nhiều nguy cơ khác cho nhà sản xuất và phân phối bán lẻ của Việt Nam trong cuộc chiến giành thị phần bán lẻ ở thị trường hơn 90 triệu dân này.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc các công ty Thái đã mua Big C, đem lại tín hiệu buồn đối với nhà sản xuất, bán lẻ Việt Nam. Trên thực tế đã có hệ quả vượt xa mong đợi vì Big C đã nâng mức chiết khấu lên 25% đối với một số hàng Việt. Như vậy, trên các kệ hàng của Big C thì hàng Thái sẽ nhiều lên và hàng Việt phải rút đi. Đây là bản nhạc dạo đầu gay gắt và sẽ còn tiếp tục bằng các sự việc khác.

Mất thị phần bán lẻ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy

Theo ông Doanh, sau thương vụ chuyển nhượng Big C Việt Nam về tay Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group, nhiều doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn để đưa được hàng vào Big C, trong khi trước đó họ đã phải vất vả để “vượt rào” kiểm nghiệm để vào Big C. “Giờ mất thị phần trong Big C, những nhà sản xuất và hàng hóa của họ sẽ đi đâu, nếu không bán được hàng thì sản xuất ra sao? Đây là câu hỏi đặt ra không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mà còn đối với các mặt hàng sản xuất nông sản truyền thống của Việt Nam”- ông Doanh trăn trở.

Theo ông Doanh, “các cơ quan quản lý, trước hết là Bộ Công Thương cần trả lời câu hỏi trên và có giải pháp cho doanh nghiệp”.

"Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần liên kết lại, cần xây dựng chiến lược, đổi mới để bài bản hơn, nâng cao văn hóa phục để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Bởi lẽ, hội nhập buộc chấp nhận cạnh tranh và hợp tác. Do vậy, muốn hội nhập thành công, các doanh nghiệp bán lẻ phải chủ động “nâng chất” để hưởng lợi từ hội nhập" - ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị TP Hà Nội.

Bởi theo ông Doanh, "hiện nay thị trường bán lẻ tại Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn, vì dân số đông và nhiều người trẻ. Mà người trẻ thường kiếm được tiền, thích mua sắm. Do vậy các giới bán lẻ nước ngoài đang chạy xô vào Việt Nam. Chính điều này càng tăng áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường bán lẻ của nước ta".

Một thực tế là, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường rất mạnh về vốn, quản trị doanh nghiệp, quảng cáo, tiếp thị và nhân lực, có chiến lược kinh doanh bài bản. Song, doanh nghiệp bán lẻ của nước ta cũng có những lợi thế nhất định khi đứng trên "sân nhà" là rộng cơ hội để hiểu người tiêu dùng bản địa (văn hóa, ngôn ngữ, tập quán, thói quen tiêu dùng...), đặc biệt là có thể tận dụng được mạng lưới của hệ thống quốc doanh cũ.

Cho nên, khi các nhà bán lẻ lớn trên thế giới "nhòm ngó" để tiếp quản, mở rộng hệ thống siêu thị tại thị trường bán lẻ nước ta là khó tránh. Nhưng nó cũng có mặt tích cực là tạo sức ép cho các siêu thị nội phải vươn lên. Các doanh nghiệp bán lẻ nước ta phải nhanh chóng chuyển mình, đón bắt cơ hội từ thị trường lớn khi hội nhập và trước hết là trên chính quốc.

Cần chiến lược quốc gia ngành bán lẻ Việt Nam

"Chính phủ cho xây dựng chiến lược quốc gia ngành bán lẻ Việt Nam. Đồng thời, xây dựng 20 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam có thực lực phát triển mạnh để cạnh tranh với nước ngoài. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục đẩy nhanh việc ra các chính sách, công cụ cụ thể để bảo vệ doanh nghiệp bán lẻ, thị trường bán lẻ trong nước khi các hiệp định song phương và đa phương có hiệu lực"- Ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op.

Còn nếu không, từ câu chuyên Big C, theo phân tích của ông Lê Đăng Doanh, hậu quả về lâu dài là khi mất thị phần khâu bán lẻ thì sẽ kéo theo hạn chế và ảnh hưởng rất tiêu cực đến khâu sản xuất. Quan trọng nữa là, khi nhà đầu tư ngoại nắm giữ quyền chi phối hệ thống bán lẻ nào đó thì có thể nảy sinh tình trạng cạnh tranh không bình đẳng, vì họ sẽ đưa hàng vào hệ thống theo cách của họ.

Ngay như với Big C, khi người Thái làm chủ, tất nhiên hàng Thái sẽ được ưu tiên lên kệ. Hơn nữa, trong cộng đồng kinh tế ASEAN, thuế suất bằng 0, càng không có lý do gì để có thể cản và kiểm soát luồng hàng này của người Thái tràn vào Việt Nam.

Thực tế là chỉ không lâu sau khi nắm quyền làm chủ Big C, Central Group đã áp chiết khấu đối với hàng hóa của nước ta vọt lên tới 25% khi vào hệ thống bán lẻ này. Đây là mức chiết khấu coi như “sát thủ” ngáng chân hàng Việt vào Big C.

Hơn nữa, quan điểm của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh là, bản thân khối doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải chủ động đầu tư mở rộng mạng lưới, nâng chất lượng phục vụ và dịch vụ khách hàng. Trong đó, cần lưu ý xây dựng các chuỗi siêu thị, mở rộng hệ thống các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện ích… ở những nơi hiện dù không đông dân cư lắm nhưng cần đi trước đón đầu. Những cách làm này, theo ông Doanh, có thể học hỏi ngay cách mà người Thái, người Nhật đang áp dụng.

Chẳng hạn như siêu thị AEON của Nhật Bản tại Việt Nam đã ngày càng mở rộng, tranh thủ mảng thị phần hướng đến dành cho giới tiêu dùng thu nhập trung bình cao. Với cách họ làm như hiện nay, cùng với chất lượng hàng hóa, dịch vụ chuyên nghiệp rất có thể sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất gay gắt.

Trước thực trạng này, ông Doanh khuyến nghị: “các Hiệp hội ngành hàng liên quan phải cùng bàn bạc và Bộ Công Thương phải có ý kiến, nếu không, hàng Việt và doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ hàng Việt sẽ gặp những khó khăn mới”./.

Theo Xuân Thân

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên