Mới đây đã có đề xuất cơ quan quản lý cần sử dụng công cụ tái cấp vốn với tỷ lệ chiết khấu phù hợp cho các NHTM để trực tiếp chỉ đạo các NHTM giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp công nghiệp (mức giảm lãi suất bằng 30% so với mức lãi suất hiện nay trong thời hạn 12 – 24 tháng).
TS. Cấn Văn Lực cho rằng đề xuất trên chỉ đúng một phần nhưng chưa đủ và chưa trúng với khó khăn hiện nay của doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực phân tích, theo quy định của Luật NHNN và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn (gần đây nhất là Thông tư 24/2019 của NHNN, hiệu lực 18/1/2020), mục đích chính của cho vay tái cấp vốn của NHNN là (i) hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, và (ii) hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với ngành, lĩnh vực được Chính phủ, NHNN khuyến khích phát triển), thời hạn tối đa là 12 tháng, lãi suất hiện nay là 5%/năm (giảm từ 6%/năm từ ngày 16/3/2020). Trong Chỉ thị 02 ngày 31/3/2020 của NHNN cũng có đề cập đến hình thức cho vay tái cấp vốn đối với các TCTD để thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tức là, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn để hỗ trợ một phần đối với các TCTD trong việc cho vay mới hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì đề xuất dùng tái cấp vốn để hạ lãi suất là chưa đủ và chưa trúng. Ông Lực nhìn nhận, việc cho vay tái cấp vốn này sẽ không được bao nhiêu và cũng rất hạn chế để hỗ trợ các TCTD để giảm lãi suất. Bởi lẽ, theo qui định, NHNN chỉ cho vay tái cấp vốn tối đa 60% đối với dư nợ tín dụng cần tái cấp vốn, còn lại 40% sẽ xử lý như thế nào? Hơn nữa, nếu hạ lãi suất tái cấp vốn xuống rất thấp để hỗ trợ lãi suất cho NHTM, thì bản chất chính là "dùng tiền ngân sách" để bù lãi suất giống như năm 2009, sẽ rất phức tạp khi triển khai và đôi khi dòng vốn lại chảy vào những chỗ rủi ro, gây hệ lụy lâu dài.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất không phải là điểm nghẽn tín dụng hiện nay, vì lãi suất cho vay hiện nay đang ở mức khá thấp, đã giảm 1-2,5%/năm so với lãi suất thông thường, các TCTD đã tung ra nhiều gói tín dụng cho doanh nghiệp và cá nhân khác nhau, nhưng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu (hết quý I, tín dụng mới tăng 1,3% so với mức tăng 3,2% cùng kỳ năm 2019).
Đồng quan điểm, TS.Lê Xuân Nghĩa cho hay, trong giai đoạn này, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh hầu như bị ngưng trệ (phía cung), hoặc có sản xuất được thì không tiêu thụ được (phía cầu) khi các dịch vụ ăn uống, đi lại đang trong tình trạng phải giảm tối đa, nên vấn đề không phải là giảm lãi suất cho vay mới để doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn là nhiệm vụ ưu tiên.