MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Định tăng cường xúc tiến đầu tư, kỳ vọng 'kéo' vốn FDI về địa phương

Tính đến này, tỉnh Bình Định có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,13 tỷ USD. Để thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào địa phương, lãnh đạo tỉnh Bình Định xúc tiến đầu tư với nhiều quốc gia phát triển.

Bình Định tăng cường xúc tiến đầu tư, kỳ vọng 'kéo' vốn FDI về địa phương - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng làm việc cùng Tập đoàn Rhenus. Ảnh: N.B

Nhiều lợi thế

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Ðịnh tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư, xúc tiến hợp tác thực hiện một số dự án trên nhiều lĩnh vực. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh này cũng tổ chức quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp tại một số nước Thái Lan, Cộng hòa Liên ban (CHLB) Đức…

Mới đây, từ ngày 15 - 21/4, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh này đến CHLB Đức để xúc tiến đầu tư.

Tại đây, đoàn công tác thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư; gặp gỡ, trao đổi với tổ chức, doanh nghiệp và đối tác lớn của CHLB Đức như: Tập đoàn PNE, Tập đoàn Kurz, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (IHK), Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức ở nước ngoài (AHK); tham gia diễn đàn ASEAN 2023 tại Hội chợ Hannover Messe do IHK và AHK tổ chức… Đặc biệt, tỉnh Bình Định đã phối hợp với IHK và Tập đoàn Kurz tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Đức.

Tiến sĩ Andreas Hirschfelder, CEO, Tập đoàn Kurz cho hay, ông đã đi qua 20 địa phương tại Việt Nam và đã chọn Bình Định là nơi hình thành dự án. Bởi vì, ông cảm nhận được sự quan tâm, nhiệt tình, chu đáo của lãnh đạo tỉnh Bình Định và ông không nhận thấy có khoảng cách giữa hai quốc gia.

Giải thích lý do lựa chọn Bình Định để đầu tư, Tiến sĩ Andreas Hhirschfelde cho biết, vị trí Tập đoàn lựa chọn đặt nhà máy rất thuận lợi với hạ tầng đồng bộ, chính quyền địa phương rất cởi mở và hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp.

Hiện, tại Bình Định, Tập đoàn Kurz đang triển khai đầu tư dự án Nhà máy sản xuất màng nhũ giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 40 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý III/2023 với công suất lên đến 15.000.000 m2 sản phẩm/năm.

Còn ông Markus Lesser, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Tập đoàn PNE cho hay, sở dĩ trong suốt thời gian qua, Tập đoàn chọn Bình Định để làm nơi triển khai dự án bởi doanh nghiệp này đánh giá cao tiềm năng gió, thế mạnh vị trí địa lý; đồng thời, thủ tục đầu tư đơn giản, con người Bình Định rất hòa đồng…

"Chúng tôi trân trọng và đánh giá cao sự nhiệt tình, tâm huyết của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Định. Do vậy, tôi tin rằng dự án sẽ thành công và sớm được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, triển khai", ông Markus Lesser chia sẻ.

Được biết, dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Định do Tập đoàn PNE đề xuất với tổng công suất khoảng 2.000MW, tổng vốn đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD. Năm 2020, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho PNE AG được khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát và Phù Mỹ…

Trong khi đó, ông Bjoern Koslowski, Phó trưởng đại diện AHK Việt Nam, Trưởng bộ phận Tư vấn Chiến lược gia nhập thị trường chia sẻ: "Với lợi thế sân bay, cảng biển nước sâu, sự nhiệt thành từ các cấp lãnh đạo, thủ tục nhanh chóng, thời gian tới tôi sẽ mời các doanh nghiệp của AHK đến Bình Định để khảo sát, tìm cơ hội đầu tư và bản thân tôi cũng sẽ tiếp tục mời gọi nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Đức đến Bình Định".

Tập trung xúc tiến tại các quốc gia phát triển

Theo ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, thành công lớn của chuyến xúc tiến đầu tư tại CHLB Đức là kết nối với các nhà đầu tư quốc gia này trong việc mời gọi, xúc tiến đầu tư vào tỉnh; đồng thời, sắp xếp được các lịch hẹn của các đối tác CHLB Đức tại Bình Định trong thời gian tới.

Bình Định tăng cường xúc tiến đầu tư, kỳ vọng 'kéo' vốn FDI về địa phương - Ảnh 2.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn PNE. Ảnh: N.B

Ngoài ra, đoàn công tác đã thể hiện cam kết của tỉnh Bình Định luôn mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại địa phương.

"Với nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Bình Định đã kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách, đổi mới phương thức tiếp cận, chỉ đạo quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp", ông Bay cho hay.

Theo ông Bay, trong quý II/2023, lãnh đạo tỉnh Bình Định sẽ xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, Nhật Bản nhằm thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghiệp, lâm sản, chế tạo, sản xuất, thương mại, lao động, y tế, giáo dục.

Quý III/2023, tỉnh Bình Định xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Australia, Israel nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, dịch vụ, du lịch, y tế, công nghiệp, thương mại; công nghệ cao, công nghiệp, thiết bị điện tử, sản phẩm nông nghiệp, chế biến thực phẩm.

Trong quý IV/2023, tỉnh này sẽ xúc tiến đầu tư tại Ấn Độ nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, công nghệ sinh học; cũng trong quý này tỉnh Bình Định cũng sẽ tổ chức đoàn công tác hợp tác quốc tế tại Lào.

Đối với dự án FDI, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định có 4 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn điều chỉnh tăng 26,28 triệu USD; trong đó, có 2 dự án trong KKT, KCN và 2 dự án ngoài KKT, KCN. Cả tỉnh Bình Định hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,13 tỷ USD.


Theo Nguyễn Tri

Nhà đầu tư

Trở lên trên