Bình Định yêu cầu địa phương luôn sẵn sàng quỹ đất sạch, đón nhà đầu tư
Nhằm đáp ứng nhu cầu quỹ đất cho các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất ít nhất từ 20 - 30ha/năm nhằm thu hút các dự án mới.
- 28-07-2023"Cõng" nợ lô trái phiếu 2.300 tỷ đồng, công ty con của Novaland tiếp tục được trái chủ đồng ý hoán đổi sang tài sản khác
- 28-07-2023Dòng tiền của An Gia (AGG) âm kỷ lục, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 giảm 33%
- 28-07-2023Hà Nội: Xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp buộc phải trả lại mặt bằng văn phòng trước thời hạn
Quỹ đất cho nhà đầu tư thiếu, yếu
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Hòa Hội của Công ty CP - Tổng Công ty Đầu tư phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc (Công ty Phúc Lộc) được Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh Bình Định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào ngày 3/6/2016, thay đổi lần thứ hai vào ngày 15/8/2018.
Dự án có diện tích hơn 266 ha (tại xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) với tổng vốn đầu tư hơn 817 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ đầu tư xây dựng và hoàn thành toàn bộ trong quý III/2020.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN này rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ, công tác thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất của nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định cho biết, hiện, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng, bên cạnh đó công tác thu hút đầu tư vào KCN Hòa Hội vẫn còn chậm.
Tại KCN Hòa Hội mới chỉ thu hút 2 nhà đầu tư, nhưng cũng chỉ có 1 nhà đầu tư triển khai dự án. "Chủ đầu tư đang giải phóng mặt bằng giai đoạn 2, ngoài ra còn đang xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đối với Nhà máy xử lý nước thải Ban quản lý KKT đã cấp phép và phía chủ đầu tư cũng cam kết sẽ hoàn thành trong năm 2023", ông Sơn cho hay.
Nói về nguyên nhân hạ tầng KCN Hòa Hội "mãi không xong", ông Sơn giải thích, do công tác thu hút đầu tư vào KCN còn ít, từ đó, chủ đầu tư chưa quyết tâm thực hiện một số hạng mục.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định nhìn nhận, thời gian qua, các cơ quan liên quan của tỉnh đã tổ chức hỗ trợ xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án mới vào tỉnh, bao gồm các KCN, Cụm Công nghiệp (CCN).
Tuy nhiên, hiện, đa số các quỹ đất đều chưa có sẵn, còn vướng giải phóng mặt bằng; chưa đồng bộ cơ sở hạ tầng điện, nước, xử lý chất thải…, nhất là quỹ đất thuộc các CCN.
Cùng với đó, một số Khu, Cụm Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định có giá cho thuê đất gắn kết cấu hạ tầng và giá dịch vụ hạ tầng còn cao theo nhận định của nhiều nhà đầu tư.
"Tiêu biểu như KCN Nhơn Hòa, KCN Nhơn Hội A, KCN Hòa Hội, CCN Cầu Nước Xanh…", ông Nghi thông tin.
Chuẩn bị 20 - 30ha/năm, sẵn sàng thu hút dự án mới
Để giải quyết vấn đề quỹ đất và giá thuê tại các KCN, CCN, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Ban Quản lý KKT tỉnh chủ trì, làm việc với chủ đầu tư hạ tầng các KCN thực hiện rà soát, kiểm tra suất đầu tư, khả năng đáp ứng cơ sở hạ tầng, mức giá cho thuê hạ tầng, tiến độ đầu tư theo quy định; xây dựng mức giá phù hợp để thúc đẩy thu hút đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định còn giao Sở Công Thương chủ trì, làm việc với chủ đầu tư hạ tầng các CCN và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, thực hiện rà soát kiểm tra suất đầu tư, khả năng đáp ứng cơ sở hạ tầng, mức định giá cho thuê hạ tầng, tiến độ đầu tư theo quy định tại các cụm công nghiệp.
Đồng thời, xây dựng mức giá phù hợp để thúc đẩy thu hút đầu tư; đồng thời tổng hợp diện tích đất sẵn sàng thu hút các dự án mới theo báo cáo của các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các CCN chưa có quỹ đất sạch; đề xuất giải pháp chuẩn bị quỹ đất sạch, ít nhất mỗi địa bàn từ 20 - 30ha/năm, nhằm đảm bảo diện tích đất sẵn sàng thu hút các dự án mới.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bình Định khoá XIII, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn đang có 86 dự án đang triển khai (gồm đang hoạt động và dự kiến triển khai từ đây đến cuối năm).
UBND tỉnh đã phân rõ nhiệm vụ cho từng địa phương, trong đó địa phương tập trung làm công việc duy nhất là giải phóng mặt bằng cho dự án sớm đi vào hoạt động.
Chủ tịch tỉnh Bình Định khẳng định, đến ngày 14/7, về cơ bản, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh đã rà soát và đã có giải pháp triển khai; ví dụ như: dự án Dự án Eco Bay, dự án Hồ Phú Hòa (đã chấm dứt hợp đồng BT, chuẩn bị có phương án đấu thầu), dự án FLC Quy Nhơn (đang trình Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch 1/2000), dự án Merry Land (đang chuẩn bị giao đất cho nhà đầu tư),
"Từ đây đến cuối năm, công nghiệp có thể không tăng như kỳ vọng, nhưng về xây dựng sẽ có đột phá khi rất nhiều dự án được triển khai", ông Tuấn tin tưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định một lần nữa khẳng định, đối với các dự án, lãnh đạo tỉnh đều yêu cầu phân kỳ đầu tư rất rõ, yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện, nếu nhà đầu tư nào không thực hiện sẽ yêu cầu chấm dứt.
Đặc biệt, vừa qua, tỉnh Bình Định đã chấm dứt nhiều dự án (liên quan đến du lịch) là minh chứng.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định đã thu hút mới 49 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 11.559 tỷ đồng, đạt trên 81,66% so với kế hoạch cả năm 2023 của toàn tỉnh (49/60 dự án); thực hiện điều chỉnh 51 dự án với vốn tăng hơn 3.770 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng thu hút 1 dự án FDI đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư là 81.065 USD; điều chỉnh 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 26,28 triệu USD, thu hồi 1 dự án với tổng vốn đầu tư 102 tỷ đồng.
Lũy kế, toàn tỉnh Bình Định có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,128 tỷ USD; trong đó 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 245,628 triệu USD, 38 dự án trong KCN và KKT với tổng vốn 882,82 triệu USD.
Nhà đầu tư