Bình Dương giải thích lý do quốc lộ 13 đoạn mở rộng thấp hơn đường cũ
Dự án mở rộng quốc lộ 13 được triển khai nâng cấp từ 6 làn lên 8 làn xe. Tại các điểm đã thi công thảm nhựa, mặt đường mới thấp hơn đường hiện hữu. Liên quan đến vấn đề này, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã phân tích nguyên nhân.
- 23-04-2024Bình Dương khởi động nút giao nối TPHCM hơn 1.800 tỷ đồng
- 23-04-2024Doanh nghiệp bất động sản đổ về Bình Dương
- 22-04-2024Thông tin mới nhất về cao tốc hơn 17.000 tỉ đồng qua tỉnh Bình Dương
Chiều 23/4, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế, xã hội quý 1/2024 với sự chủ trì của Chánh Văn phòng UBND tỉnh Võ Anh Tuấn và Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Lê Tuấn Anh.
Tại buổi họp báo, phóng viên báo Tiền Phong đề nghị ngành chức năng thông tin liên quan đến dự án n âng cấp, mở rộng quốc lộ 13 . “Dự án mở rộng quốc lộ 13 đang triển khai, song dư luận thắc mắc vì sao ở phần đất đã giải tỏa, đã thi công trải nhựa mặt đất thấp hơn so với đường cũ?”.
Về việc này, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Thanh Thuận cho biết, theo hồ sơ thiết kế, dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ cầu Vĩnh Bình đến ngã tư Lê Hồng Phong được mở rộng về phía bên phải tuyến thêm 2 làn xe, từ 6 làn xe lên 8 làn xe.
Theo ông Thuận, phần mặt đường hiện hữu giữ nguyên cao độ, phần mép mặt đường mở rộng có cao độ hoàn thiện thấp hơn mép nhựa hiện hữu khoảng 20 - 25cm (do độ dốc ngang mặt đường, bình quân 2%), mặt đường mở rộng hoàn thiện gồm 2 lớp bê tông nhựa: lớp trên (lớp 2) dày 5cm, lớp dưới (lớp 1) dày 7cm.
Hiện nay, công trình đã được thi công theo hồ sơ thiết kế và đã thảm bê tông nhựa lớp 1 trên một số đoạn, tại các đoạn này cao độ của mép đường hiện hữu chênh cao (cao hơn) so với cao độ mép mặt đường mở rộng (đã thảm bê tông nhựa lớp 1) khoảng 30cm, khi hoàn thiện sẽ đảm bảo độ dốc ngang mặt đường như thiết kế.
Ông Thuận cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về quản lý chất lượng công trình, Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát quá trình thi công theo quy định.
Trước đó, tháng 4/2022, Bình Dương khởi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, dài 12,7km với mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng được triển khai theo hình thức BOT ( xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Dự án có 552 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó nhiều nhất là TP. Thuận An với 470 hộ, 58 tổ chức, còn lại ở TP. Thủ Dầu Một.
Trong quá trình thi công dự án gặp khó khăn do vướng di dời hạ tầng kỹ thuật mạng lưới điện . Đến đầu năm 2024, các bên liên quan mới thống nhất được kinh phí di dời lưới điện .
Bình Dương dự kiến hoàn thành di dời lưới điện, bàn giao 100% mặt bằng trong quý II/2024, hoàn thành toàn bộ dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 trong năm 2024.
Tiền Phong