Bình Dương họp các hộ dân liên quan dự án giao thông trọng điểm hơn 18.000 tỷ đồng
Tại buổi họp, ngoài thông tin đến người dân về tầm quan trọng của dự án, ngành chức năng tỉnh Bình Dương cũng cho biết chi tiết hướng tuyến đường Vành đai 4 TPHCM sẽ đi qua.
Ngày 22/9, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương phối hợp với UBND thị xã Bến Cát tổ chức họp dân để công bố chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 TPHCM . Tại thị xã Bến Cát có hơn 460 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng của dự án.
Tại cuộc họp, ông Võ Ngọc Sang – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương khẳng định đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của địa phương, rút ngắn thời gian lưu thông, thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương mua bán trong khu vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả đầu tư, kết nối giao thông giữa Cảng quốc tế hàng không Long Thành với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương đã thông tin về chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.
Dự án gồm 2 dự án thành phần (giải phóng mặt bằng và thi công xây lắp). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 18.247 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2023-2026; địa điểm thực hiện dự án qua địa phận huyện Bắc Tân Uyên, thành phố Tân Uyên, thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát.
Tại tỉnh Bình Dương, dự kiến khởi công dự án trong năm 2024. Dự kiến hướng tuyến, điểm đầu tuyến tại vị trí vuốt nối đường Vành đai 4 TPHCM với đầu cầu Thủ Biên thuộc địa bàn xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên); điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây (thị xã Bến Cát), tổng chiều dài khoảng 47,85km.
Từ điểm đầu tuyến tại đầu cầu Thủ Biên thuộc địa phận xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), hướng tuyến cơ bản bám theo tuyến đường Thủ Biên - Đất Cuốc hiện tại, giao với đường ĐH.411, tuyến phóng mới đi qua Khu công nghiệp VSIP III, giao cắt với ĐT.747 tại phường Hội Nghĩa (thành phố Tân Uyên) giao với đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành (quy hoạch), giao với ĐT.742 tại vị trí nút giao hiện hữu, đi trùng tim với đường số 17-VSIP IIA, tuyến tiếp tục phóng mới giao khác mức với đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh (quy hoạch), giao với ĐT.741 tại phường Hòa Lợi (thị xã Bến Cát) kết nối với đường Vành đai 4 TPHCM hiện hữu đến cầu Thới An, theo đường giao thông hiện hữu đến ĐT.748 và phóng mới giao với ĐT.744 tại xã An Tây (thị xã Bến Cát) phóng mới theo quy hoạch đến sông Sài Gòn tại vị trí cầu Phú Thuận.
Quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h; công trình giao thông cấp I. Giải phóng mặt bằng, thực hiện hoàn chỉnh với quy mô 8 làn xe cao tốc, nền đường rộng 74,5m cho những đoạn từ Đất Cuốc (ĐH.411) - VSIP IIA, đoạn từ cầu Thới An - sông Sài Gòn và các nút giao.
Riêng đoạn nối Khu công nghiệp VSIP IIA - Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 giải phóng mặt bằng với quy mô 62m; đoạn Thủ Biên - Đất Cuốc (kể cả nút giao cầu Thủ Biên phía Bình Dương) đã thực hiện trong dự án khác, không tính trong dự án này.
Đầu tư quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh bao gồm làn dừng khẩn cấp liên tục; riêng đoạn từ ĐT.742 đến cầu Thới An: giữ nguyên hiện trạng các đoạn đã được đầu tư (quy mô 62m, 10 làn xe), đoạn từ Khu công nghiệp VSIP IIA - Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 đầu tư đồng bộ theo quy mô 62m, 10 làn xe.
Đầu tư phân bổ các nút giao liên thông, trực thông và xây dựng đường song hành 2 bên tuyến đảm bảo các yếu tố kỹ thuật của tuyến cao tốc và kết nối giao thông khu vực, phù hợp theo tình hình phát triển của địa phương. Xử lý giao cắt một số đường ngang: sử dụng cầu vượt ngang hoặc hầm chui phù hợp.
Đầu tư 2 tuyến đường nhánh kết nối vào Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương (đường Lê Lợi và đường Tạo lực 2) với quy mô phù hợp.
Các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng cho biết, họ rất đồng tình, ủng hộ địa phương làm đường để phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời mong muốn ngành chức năng sớm triển khai xây dựng.
Theo người dân, chỉ cần được bồi thường với giá phù hợp, giải quyết tốt tái định cư cho trường hợp giải tỏa trắng… họ sẵn sàng bàn giao mặt bằng.
tienphong.vn