MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình luận: ĐT Việt Nam phải đá như thế nào để vượt qua Thái Lan?

26-12-2021 - 18:06 PM | Sống

Bình luận: ĐT Việt Nam phải đá như thế nào để vượt qua Thái Lan?

Dĩ nhiên để làm khó Thái Lan chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thế nhưng, nếu sửa chữa được những khiếm khuyết đã mắc ở lượt đi, niềm tin của ĐT Việt Nam chưa hẳn đã hết.

Củng cố hàng tiền vệ

Công bằng mà nói, hàng tiền vệ ĐT Việt Nam đã không hoàn thành nhiệm vụ trong trận bán kết lượt đi. Nguyên nhân dễ lý giải: với nền tảng thể lực chưa được tốt, Tuấn Anh phần nào lép vế hơn các tiền vệ giàu sức mạnh và cơ động bên phía Thái Lan.

Trong 45 phút đầu tiên ở trận bán kết lượt đi, Tuấn Anh và Hoàng Đức quá dễ dàng bị chia cắt. Cự ly của hai cầu thủ này quá xa nhau, vì thế rất khó để họ hỗ trợ lẫn nhau trong các tình huống triển khai bóng. Cũng phải thừa nhận áp lực dồn lên Tuấn Anh và Hoàng Đức là rất lớn khi tuyến đầu không gây được sức ép cần thiết cho những cầu thủ Thái Lan chuyên làm nhiệm vụ phát triển bóng. Gần như Kritsada hay Sarach Yooyen không gặp khó khăn gì ở mỗi tình huống nhận bóng quay lên của mình.

Rõ ràng, thầy Park cần có những thay đổi để khắc phục nhược điểm này. Bởi khi đã có lợi thế 2 bàn dẫn trước, chắc chắn Thái Lan sẽ sử dụng lối đá phòng ngự phản công. Lúc đó, sợi dây liên kết giữa Tuấn Anh - Hoàng Đức là vô cùng quan trọng vì chúng ta phải chủ động cầm bóng để triển khai lối chơi. Khả năng cầm nhịp, phân phối bóng của bộ đôi này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các phương án triển khai tấn công.

 Bình luận: ĐT Việt Nam phải đá như thế nào để vượt qua Thái Lan? - Ảnh 1.

Còn về phòng ngự, hàng tiền vệ cũng cần hỗ trợ nhiều hơn trong các tình huống tấn công của đối phương. Bởi khi đối đầu với ĐT Việt Nam, Thái Lan không sử dụng quá nhiều các tình huống tấn công biên, thay vào đó sẽ là những pha tấn công trực diện với sự cơ động của Chanathip và Thitiwat.

Những cầu thủ đá cánh của ĐT Việt Nam cũng cần phản ứng nhanh hơn trong việc hỗ trợ Hồng Duy và Văn Thanh. Vì khi đối phương đá trung lộ, 3 trung vệ ĐT Việt Nam sẽ phải đá gần nhau, đồng nghĩa bộ đôi Hồng Duy - Văn Thanh cũng phải khép vào theo sơ đồ.

Lúc này, những tiền vệ biên của Thái Lan sẽ có khoảng trống. Phản ứng lui về khoả lấp kẽ hở của các tiền vệ biên ĐT Việt Nam rất quan trọng. Nếu phản ứng nhanh nhạy, hàng tiền vệ giữ được cự ly hợp lý hỗ trợ nhau tốt hơn, chúng ta sẽ trở nên chủ động hơn trong cả tấn công lẫn phòng ngự.

Phải có phương án đặc biệt với Chanathip

Không cần phải thủng lưới 2 bàn, chúng ta cũng thấy rõ sự nguy hiểm của "Messi Thái". Thế nhưng ở 90 phút hôm 23/12, ĐT Việt Nam hoàn toàn không hề có động thái nào đặc biệt dành cho cầu thủ này.

Chanathip được bố trí đá sau lưng Teerasil Dangda trong sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 mà HLV Mano Polking sử dụng ở trận lượt đi. Cầu thủ mang áo số 18 đã khai thác rất tốt khoảng trống sau lưng hàng tiền vệ tuyển Việt Nam. Trong phần lớn thời gian thi đấu, tiền vệ 28 tuổi làm chủ hoàn toàn khoảng trống giữa hàng tiền vệ và hậu vệ tuyển Việt Nam.

Dẫu đối thủ nguy hiểm như vậy, chúng ta lại chưa có bất kỳ một động thái cụ thể để ngăn chặn. Khi các đồng đội bỏ quên Chanathip, Quế Ngọc Hải luôn là người phải rời bỏ vị trí để bọc lót, khoảng trống sau lưng Quế Hải sẽ là mảnh đất cày cuốc yêu thích của cầu thủ Thái và bàn thắng thứ 2 của Chanathip chính là một ví dụ.

 Bình luận: ĐT Việt Nam phải đá như thế nào để vượt qua Thái Lan? - Ảnh 2.

Phân tích như vậy để thấy, vai trò của Chanathip rất quan trọng trong cách triển khai lối chơi tấn công của tuyển Thái. Chúng ta buộc phải có những phương án áp sát, can thiệp quyết liệt để cầu thủ này không có nhiều thời gian rảnh chân như trận đấu lượt đi.

Nhưng thực tế lại cho thấy rằng, chúng ta đang thiếu một tiền vệ giỏi đeo bám như vậy. Cả Tuấn Anh hay Hoàng Đức, những người thường xuyên phải đối mặt với Chanathip đều không có sở trường đeo bám. Vậy nên nếu tiếp tục được thi đấu cùng nhau, hai cầu này buộc phải có những mối liên kết chặt chẽ và phối hợp tốt hơn với tuyến dưới mới mong kiềm toả được đội trưởng tuyển Thái Lan.

Cải thiện sự hiệu quả và đa dạng trong những phương án tấn công 

Trong trận đấu lượt đi, HLV Mano Polking áp dụng lối đá phòng ngự phản công và nhường phần lớn thời lượng kiểm soát bóng cho tuyển Việt Nam. Tuy là những người chủ động cầm bóng, chất lượng từ các pha tấn công của ĐT Việt Nam lại chưa mang đến hiệu quả như mong đợi.

Vì sao thiếu hiệu quả? Những phương án tấn công của chúng ta vẫn chưa thực sự rõ ràng. Các pha đánh biên là sở trường nhưng gần như không thể tạo ra một tình huống nào gây nguy hiểm cho khung thành tuyển Thái Lan.

 Bình luận: ĐT Việt Nam phải đá như thế nào để vượt qua Thái Lan? - Ảnh 3.

Ở trung lộ, do các tiền vệ ĐT Việt Nam không duy trì cự ly tốt, dẫn đến việc liên kết với nhau trong những pha phát triển tấn công không mang đến hiệu quả cao, nên hầu hết những pha bóng nguy hiểm nhất đều xuất phát từ nỗ lực cá nhân của Quang Hải. Trong trận đấu tới đây, chắc chắn Thái Lan sẽ có phương án để kiềm toả cầu thủ mang áo số 19 của chúng ta. Vì thế thầy Park buộc phải có những phương án đa dạng hơn trong tấn công mới gây bất ngờ cho Mano Polking và các học trò.

Chất lượng dứt điểm cũng cần phải cải thiện. Khi các phương án tấn công chưa mang đến nhiều bất ngờ và dễ dàng bị bẻ gãy, thì trong một số lần hiếm hoi tiếp cận khung thành đối phương, chất lượng từ các pha dứt điểm là vô cùng tệ.

Con số thống kê cho thấy, tuyển Việt Nam tung ra tới 14 cú sút trong cả trận, nhưng chỉ có hai tình huống sút bóng chạm xà ngang, cột dọc của Quang Hải là đi trúng cầu môn. Tất cả cú sút còn lại đều thiếu rất nhiều sự chính xác và tình huống dứt điểm của Phan Văn Đức khi đối mặt với thủ thành Chatchai ở cuối trận là một ví dụ.

Nói thì dễ nhưng để thực hiện những điều trên chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với một đội tuyển mạnh như Thái Lan. Trước mắt chúng ta chỉ còn 90 phút ở trận bán kết lượt về, nếu không có phương án khắc phục những yếu điểm trên, ĐT Việt Nam sẽ trở thành nhà cựu vô địch.


Theo Viết Huy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên