Bình ổn giá cước và dịch vụ hàng hải
Việc ổn định giá cước vận tải trước những biến động của giá nhiên liệu thế giới đang là bài toán được các doanh nghiệp nỗ lực triển khai.
- 27-08-2022Giá cước vận tải đồng loạt giảm trong tháng 8 khi giá xăng dầu giảm mạnh
- 21-08-2022Xăng giảm, cước vận tải đứng im: Xử nghiêm việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý
- 04-07-2022Doanh nghiệp vận tải buộc tăng giá cước trước bão giá nhiên liệu
Đây cũng là nhiệm vụ được Chính phủ liên tục đặt ra trong thời gian qua nhằm thực hiện mục tiêu bình ổn giá cả thị trường.
Theo thống kê mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam, đến thời điểm này, giá cước vận tải biển quốc tế đã giảm gần 70% so với thời kỳ đỉnh điểm vào tháng 9/2021 và vẫn đang có dấu hiệu tiếp tục giảm trong thời gian tới. Việc giảm giá cước được ghi nhận diễn ra mạnh nhất từ tháng 7/2022 đến nay.
Còn đối với hoạt động vận tải biển nội địa, giá cước cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp trong nhiều năm. Từ quý 2/2022, giá cước nội địa đã giảm mạnh so với quý trước đó. Điển hình như giá cước từ Thành phố Hải Phòng đi Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm khoảng 10-15% còn chiều ngược lại giảm mạnh từ 40-50%.
Không chỉ giá cước, giá các dịch vụ hàng hải khác cũng đang được các doanh nghiệp cân đối, điều chỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ hàng có thêm dư địa giảm giá hàng hoá.
Ghi nhận tại khu vực Hải Phòng, nhiều loại giá dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải biển như hoa tiêu, lai dắt đã giảm, điển hình như giá dịch vụ hoa tiêu đã được giảm 10%, xuống mức giá sàn đối với tàu biển Việt Nam hoạt động nội địa từ đầu tháng 7 năm nay.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Công ty Hoa tiêu khu vực 2, cho biết: "Phải tiết giảm các chi phí và đặc biệt công tác quản lý phải sử dụng tối đa trang thiết bị, sắp xếp phương tiện khoa học".
Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, việc giảm giá cước và giá các dịch vụ tại cảng biển sẽ góp phần giảm bớt chi phí vận tải cho doanh nghiệp. Cục sẽ tiếp tục đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp rà soát cắt giảm các chi phí đầu vào, tạo dư địa cho việc bình ổn giá cả.
Ông Nguyễn Đình Việt, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nói: "Yêu cầu các Cảng vụ hàng hải phối hợp với cơ quan chuyên ngành tăng cường kiểm tra kê khai, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, đưa thêm các khoản phụ thu cao hơn mức giá đã kê khai, niêm yết".
Đại diện Cục Hàng hải cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật về giá, từ đó có kiến nghị Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan sửa đổi quy định cho phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Còn đối với vận tải đường thuỷ nội địa, việc giữ ổn định giá cước cũng được các doanh nghiệp nỗ lực triển khai. Tuy nhiên, để có thêm dư địa cho việc có mức giá cước hợp lý và cạnh tranh, góp phần hỗ trợ giảm giá thành của các loại hàng hoá thì cần tiếp tục tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng cho vận tải thuỷ.
Theo đại diện Cục Đường thuỷ nội địa, các giải pháp nhằm giữ giá cước vận tải không bị biến động khi giá nhiên liệu thay đổi đã được tích cực triển khai trong thời gian qua, trong đó, có việc TP. Hồ Chí Minh đã giảm 50% phí sử dụng hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thuỷ, tạo điều kiện hỗ trợ giảm giá hàng hoá. Việc này hiện cũng đang được TP. Hải Phòng xem xét thực hiện. Ngoài ra, các loại phí khác hỗ trợ doanh nghiệp cũng đang được Cục Đường thuỷ đề xuất.
Ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Bộ GTVT, cho biết: "Tham mưu Bộ GTVT đề xuất Bộ Tài chính trong việc điều chỉnh các loại phí lệ phí, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục đang nghiên cứu xây dựng hỗ trợ tích cực hơn, áp dụng 1 số tuyến mẫu, làm cơ sở áp dụng đại trà để nâng cao hiệu quả vận tải thuỷ nội địa".
Ngoài ra, các giải pháp như cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc làm thủ tục tại các đầu bến, cải thiên hạ tầng và tăng cường kết nối các doanh nghiệp vận tải để hạn chế tình trạng hàng hoá chỉ chạy một chiều cũng đang được triển khai nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường trong các tháng còn lại năm nay, mới đây, Bộ GTVT vừa yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
VTV.VN