Bình Thuận kiến nghị Trung ương bố trí vốn làm đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có Công văn số 4514/UBND-ĐTQH, nội dung kiến nghị Thủ Tướng Chính phủ bố trí kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chỉ đạo sớm triển khai dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Nội dung công văn cho biết, thời gian vừa qua thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo sở, nghành địa phương tập trung thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận thì đến nay đã hoàn tất các thủ tục thông báo thu hồi đất, kiểm kê tài sản, xét pháp lý nguồn gốc đất và cơ bản phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ bị giải tỏa với 541 hồ sơ, diện tích thu hồi 287 ha, trong đó có 28 hộ phải tái định cư tập trung, kinh phí trên 218 tỷ đồng.
Kinh phí bồi thường tại tỉnh Bình Thuận đối với dự án Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trên 218 tỷ đồng (Ảnh minh họa, nguồn internet)
Để hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai dự án, sớm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ bị giải tỏa để người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, UBND Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với kinh phí 218 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có tổng chiều dài 101,28 km (tuyến chính dài 98,7km và tuyến nối với quốc lộ 1 là 2,58 km) đi qua các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) và hai huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Dự kiến, tổng số vốn đầu tư cho hai hợp phần là hơn 17.700 tỷ đồng, trong đó hợp phần 1 là 6.200 tỷ đồng.
Việc xây dựng đường cao tốc này nhằm rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM đến khu vực Nam Trung bộ, đồng thời giảm tải cho Quốc lộ 1A. Ngoài ra, việc xây dựng tuyến cao tốc này sẽ tạo điều kiện để hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến đường.
Người Tiêu dùng