Bình Thuận: Quy hoạch mở rộng Khu du lịch quốc gia Mũi Né về hướng Bắc lập "sân chơi" mới cho BĐS nghỉ dưỡng
Cách đây 5 năm, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định KDL Mũi Né là khu du lịch quốc gia.
Do vậy, việc xúc tiến lập quy hoạch tổng thể phát triển KDL quốc gia Mũi Né trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công nhận đang được tỉnh Bình Thuận triển khai.
Được biết, Công ty CP Quy hoạch Hà Nội là đơn vị được chọn tư vấn xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2030.
Theo đề xuất của đơn vị này, KDL quốc gia Mũi Né nên chọn phát triển không gian du lịch theo phương án trung bình (sau khi so sánh với phương án thấp và phương án cao). Đó là KDL quốc gia mang đẳng cấp quốc tế, điểm đến quốc tế được mở rộng từ KDL Mũi Né hiện trạng về phía Bắc, lấy đến hết ranh giới các xã Hồng Phong, Hòa Thắng (Bắc Bình) và Hòa Phú (Tuy Phong).
Ngoài ra còn tính đến mở rộng kết nối với huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi, nhằm tạo các điểm du lịch vệ tinh cho KDL quốc gia như: Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, suối khoáng nóng Bưng Thị, hải đăng Kê Gà…
Nếu chọn phương án trung bình, chỉ tiêu phát triển khách du lịch đến năm 2025 của Bình Thuận đón khoảng 10,31 triệu lượt (trong đó khách quốc tế có 1,3 triệu lượt), đến năm 2030 phấn đấu đón 16,1 triệu lượt (khách quốc tế khoảng 2,1 triệu lượt).
Nếu cân nhắc phương án cao, KDL quốc gia Mũi Né có độ "phủ sóng" về phía Bắc lấy đến hết các xã Hồng Phong, Hòa Thắng (Bắc Bình), Hòa Phú (Tuy Phong) và về phía Nam từ xã Tiến Thành (Phan Thiết) đến khu vực Hòn Lan, Kê Gà (Hàm Thuận Nam).
Theo đó, ngoài KDL Mũi Né hiện trạng, khu vực xã Tiến Thành được tập trung phát triển các resort và sản phẩm thể thao biển, còn từ Tiến Thành đến Hòn Lan sẽ triển khai dự án bất động sản nghỉ dưỡng, xác định du lịch du thuyền là sản phẩm đặc trưng nổi bật.
Đối với thị trường khách du lịch cũng hướng đến tiếp cận đối tượng khách có mức chi tiêu cao với chỉ tiêu đón khoảng 13,8 triệu lượt vào năm 2025 (trong đó khách quốc tế có 1,8 triệu lượt), phấn đấu đạt mức 25,5 triệu lượt vào năm 2030 (khách quốc tế khoảng 3,3 triệu lượt).
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng địa phương và các ngành chức năng cũng sẽ xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để quy hoạch mở rộng ranh giới KDL quốc gia Mũi Né sao cho phù hợp điều kiện thực tế, nhất là phải có tính khả thi cao.
Bởi bên cạnh quy mô của quy hoạch, thương hiệu KDL quốc gia Mũi Né cũng phải đảm bảo chất lượng, xây dựng và đáp ứng những sản phẩm du lịch xứng tầm - đó là bài toán nan giải về thu hút nguồn vốn đầu tư lớn trong khi thời gian thực hiện không còn dài…
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh, đến nay trên địa bàn Bình Thuận đã có 45 dự án biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và 1 dự án căn hộ khách sạn được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực. Các dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 24.100 tỷ đồng với tổng diện tích gần 2.864 ha, trong đó tính riêng dự án căn hộ khách sạn được đăng ký vốn đầu tư là 3.069 tỷ đồng với diện tích 2,5 ha…