Bình Thuận quyết liệt xử lý dự án chậm tiến độ làm lành mạnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
Thời gian gần đây, du lịch Bình Thuận đón nhận nhiều dự án đầu tư nghỉ dưỡng cùng với khu vui chơi giải trí rất hiện đại. Nắm bắt được những xu thế BĐS đang xuất hiện, thị trường này cũng liên tục xuất hiện nhiều dự án "ma" gây ảnh hưởng lớn đến cả các nhà đầu tư và khách hàng chân chính.
Tỉnh Bình Thuận đã liên tục ra những văn bản mang tính "tối hậu thư" nhằm chấn chỉnh, đưa thị trường BĐS nghỉ dưỡng của địa phương phát triển đúng quỹ đạo của nó.
Trước đó, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã gặp Công ty McKinsey & Company, công ty tư vấn quản lý chiến lược lớn nhất thế giới, đã và đang làm việc với hơn 80% trong top 1.000 doanh nghiệp hàng đầu và chính quyền của hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, để được tư vấn. Cụ thể hơn là hỗ trợ tỉnh trên hành trình trở thành một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới với mục tiêu nâng tổng số du khách đến tỉnh lên 23 triệu khách mỗi năm, và bổ sung thêm 200.000 cơ hội việc làm.
Tập đoàn McKinsey & Company cũng khuyến nghị tỉnh Bình Thuận có thể xem xét phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm và du lịch thể thao, cũng như đầu tư vào các loại hình du lịch đặc thù khác như du lịch chăm sóc và tăng cường sức khỏe, du lịch cho đối tượng kinh doanh và du lịch giải trí.
Với những thế mạnh về du lịch và hạ tầng, tại Bình Thuận gần đây xuất hiện nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng mới, từng bước khẳng định danh hiệu "thủ phủ resort". Một số dự án nổi bật có thể kể đến như Edna Resort Mũi Né, Sentosa Villa, Hàm Tiến - Mũi Né, Apec Mandala Wyndham. Được biết, Hải Phát Invest dự kiến đầu tư hơn 4.600 tỉ đồng vào dự án Khu phức hợp nhà ở và dịch vụ du lịch biển Hòa Phú (huyện Tuy Phong); Liên danh CTCP Đầu tư Đại Đông Á (công ty thành viên Tập đoàn Hải Phát) - CTCP Đầu tư V-Max Việt Nam sẽ đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng vào dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Phú Hòa (huyện Tuy Phong)...
Hay như 2 dự án của Tập đoàn Novaland phát triển bao gồm Tổ hợp Du lịch Nghỉ dưỡng Giải trí NovaWorld Phan Thiết và dự án NovaHills Mũi Né Resort & Villas (gần 40ha, gồm khoảng 600 biệt thự đơn lập). Mới đây, UBND tỉnh cũng đã trao chứng nhận đầu tư cho một loạt dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, đáng kể như Mũi Né Summerland Resort của công ty Hưng Lộc Phát; dự án Hamubay Phan Thiết có vốn đầu tư gần 1 tỷ USD; dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam do Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Thương mại Nông thị Dubai Việt Nam, và dự án Thanh Long Bay của Nam Group.
Các chuyên gia BĐS cho rằng, xét về phương diện mức giá đầu tư thì hiện tại, một số khu vực ven biển Bình Thuận rõ ràng đang có tiềm năng rất lớn, như một viên ngọc thô chưa được mài giũa. Bởi thời điểm này, các thị trường phát triển BĐS nghỉ dưỡng tương đồng về vị trí như Đà Nẵng, Nha Trang… có mức giá cao hơn gấp 10 lần.
Tuy nhiên, chính "cơn lốc" dự án BĐS nghỉ dưỡng đã và đang được đầu tư tại tỉnh này ngày một nhiều, lập tức thị trường đã xuất hiện những chuyện "ăn theo" như lập dự án ma, bán dự án khi chưa thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý, công tác đền bù giải toả không theo kịp tiến độ cam kết với chính quyền địa phương...
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận và Sở Xây dựng Bình Thuận đã có một số văn bản chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng các dự án BĐS tại địa phương. Tỉnh này cũng đã công bố danh sách 9 dự án được nêu tên là chưa được phép mở bán do chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý đầu tư theo quy định. Chính điều này đã gây tác động tiêu cực đến tâm lý khách hàng, nhà đầu tư. Chính điều này đã gây một số tác động tiêu cực đến tâm lý khách hàng, nhà đầu tư.
Song song đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo hỏa tốc gửi nhiều đơn vị, sở ngành trên địa bàn đề nghị thực hiện việc nghiên cứu xây dựng một số chính sách, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, nhất là phải tích cực và sát cánh cùng doanh nghiệp thực hiện nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng để sớm đưa dự án được triển khai xây dựng. Trong đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng liên tục có văn bản chỉ đạo các sở ngành tạo mọi cơ chế thông thoáng nhằm giải quyết nhanh gọn mọi thủ tục pháp lý đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng để đưa địa phương trở thành trung tâm du lịch quốc gia, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm. Theo đó, Bình Thuận đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương chỉ đạo, tháo gỡ một số "điểm nghẽn" trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo lãnh đạo tỉnh thì các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm tham mưu Chính phủ ưu tiên, kịp thời tháo "điểm nghẽn" cho các dự án du lịch trên địa bàn Bình Thuận. Trước mắt kiến nghị Phó Thủ tướng xem xét, có ý kiến chấp thuận cho triển khai 4 dự án, cụ thể là: Dự án Khu đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng - Mũi Né (1.020 ha), dự án đầu tư Khu phức hợp du lịch sinh thái Bãi Dài (261 ha), dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, thể thao biển Hòa Thắng (195 ha), dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí thể thao biển Thư Minh Nguyễn (127 ha).
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Lương Văn Hải, đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện Dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị tại phường Đức Long và xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết và Dự án Kè chống sạt lở phường Đức Long và xã Tiến Thành, TP Phan Thiết do Sở NN và PTNT, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải (Trường Phúc Hải) làm chủ đầu tư.
Thực tế, dự án phần lớn do Công ty Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư với tên thương mại là Hamubay Phan Thiết. Nhưng do hai đoạn kè chống sạt lở của hai bên chủ đầu tư nằm liền nhau, cùng nhau nên ảnh hưởng qua lại về tiến độ triển khai dự án.
Sau khi nghe chủ đầu tư cũng như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN và PTNT báo cáo tình hình triển khai kè chống sạt lở bờ biển; các đề xuất, kiến nghị có liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Hải thừa nhận thời gian qua, chủ đầu tư cùng với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng việc triển khai dự án vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra. Đặc biệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ dự án, gây bức xúc trong đời sống của người dân.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN và PTNT tiến hành thi công cùng lúc hai dự án đã được giao, không chờ đợi lẫn nhau; hai bên chủ động phối hợp với nhau để hoàn thành sớm nhất.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch tỉnh giao UBND TP Phan Thiết chỉ đạo UBND xã Tiến Thành, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Phan Thiết và các phòng, ban liên quan tiến hành họp dân để thông báo cho dân được biết chủ trương, mục đích của việc làm kè là để bảo vệ bờ biển khỏi bị sạt lở. Trường hợp vướng đất của dân thì địa phương chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện công tác đền bù giải tỏa.
"Đây là công trình cấp bách chống xói lở bờ biển, giao Sở Xây dựng khẩn trương xem xét có văn bản cho phép xây dựng tuyến kè để hạn chế việc xâm thực bờ biển trong thời gian sắp tới. Đây là Dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị tại phường Đức Long và xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, giao UBND TP Phan Thiết khẩn trương tập trung chỉ đạo các phòng, ban, UBND các phường, xã liên quan cùng chủ đầu tư thông báo rộng rãi, công khai các nội dung của dự án để tạo sự đồng thuận của nhân dân; triển khai đền bù giải tỏa khu tái định cư để có đất di dời người dân thuộc diện tái định cư", văn bản nêu.
Văn bản của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định đây là dự án nhà nước thu hồi đất; do đó, UBND TP Phan Thiết có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, chủ đầu tư xây dựng phương án, chính sách đền bù, tái định cư, công bố công khai chế độ, chính sách cho người dân được biết.
Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn UBND TP Phan Thiết trình tự, thủ tục pháp lý trong việc đền bù, giải toả, chi trả cho người dân và tham mưu UBND tỉnh giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án bố trí tái định cư cho người dân sau khi thực hiện xong việc bồi thường.
Được biết, Hamubay Phan Thiết là dự án được thiết kế với quy mô mang tầm quốc tế, là tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng hàng đầu ngay tại trung tâm TP Phan Thiết, với tổng diện tích gần 130 ha chia làm 4 giai đoạn, với đa dạng sản phẩm như: shop- house, biệt thự triền đồi, resort nghỉ dưỡng, đất nền phân lô đa dạng 90-100-180-300m2...
Với những dự án này, nếu được giải quyết, đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận… Bởi "điểm nghẽn" của các dự án tiềm năng trên địa bàn Bình Thuận nói chung và các du lịch trọng điểm nói riêng luôn được chính quyền địa phương đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp, nay Chính phủ cũng quan tâm chỉ đạo giải quyết.
Ngoài ra, tỉnh còn kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng giao thông vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nhằm kết nối, khai thác hiệu quả Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Đồng thời kiến nghị Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bên liên quan đẩy nhanh triển khai đầu tư Sân bay Phan Thiết, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư làm 3 tuyến đường ven biển trọng điểm, cấp bách là ĐT 719B Phan Thiết - Kê Gà; đường ĐT 719 Kê Gà - Tân Thiện và đường ĐT 711...