Bình Thuận 'trắng' dự án nộp tiền sử dụng đất
Trong 6 tháng đầu năm nay, Bình Thuận không phát sinh dự án nào nộp tiền sử dụng đất. Tỉnh này chỉ thu được gần 315 tỷ đồng (đạt hơn 26% dự toán) tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
- 23-07-2024Tiến độ của 10 dự án tại Bình Thuận đang được Bộ Công an điều tra
- 23-07-2024Xét xử vụ FLC: Cố ý câu kết làm sai lệch thông tin để bán cổ phiếu
- 23-07-2024Cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết: "Tôi chấp nhận phán quyết của tòa"
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong tại buổi họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Bình Thuận về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận cho biết, nguồn thu từ tiền thuê đất đạt 213 tỷ đồng, vượt 12,1% dự toán (190 tỷ đồng), do có khoản phát sinh từ thu tiền thuê đất một lần của dự án.
Tuy nhiên, về số thu từ tiền sử dụng đất trong 6 tháng đầu năm, ở khối tỉnh không phát sinh dự án nào. Ở khối huyện, số thu tiền sử dụng đất đạt gần 315 tỷ đồng, bằng 26,2% dự toán (1.200 tỷ đồng), phát sinh chủ yếu từ khoản thu tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội tỉnh Bình Thuận (GRDP) tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 12,99% nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất và phân phối điện, ngành công nghiệp chế biến chế tạo dần phục hồi với mức tăng 2,98%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 53.452 tỷ đồng, đạt 50,03% kế hoạch, tăng 16% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 423,9 triệu USD, tăng 4,78% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 20/7 là 6.000 tỷ đồng, bằng 60,01% dự toán, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2024 tăng 8-8,5%, Bình Thuận xây dựng hai kịch bản. Kịch bản 1, cả năm đạt 8% thì 6 tháng cuối năm 2024 tốc độ tăng trưởng phải là 8,8%. Kịch bản 2, cả năm đạt 8,5% thì 6 tháng cuối năm 2024 tốc độ tăng trưởng phải là 9,7%.
Ông Nguyễn Đức Hải Tùng - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết, để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm đạt 8-8,5% là thách thức lớn, cần phải có những giải pháp quyết liệt, sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong thời gian tới.
Bình Thuận sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế xã hội, như cảng hàng không Phan Thiết, đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện), đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà), đường ĐT.719B (đoạn Hòn Lan - Tân Hải), kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), công viên sinh thái ngập nước Hùng Vương, hồ chứa nước Ka Pét, chung cư sông Cà Ty…
Địa phương này cũng tập trung xác định giá đất cụ thể để các chủ đầu tư nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Tăng cường công tác quản lý đất đai , trật tự xây dựng, khoáng sản, môi trường. Kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, chậm triển khai theo quy định, không để lãng phí nguồn lực đất đai…
Tiền phong