MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình tĩnh ứng phó với 3 câu hỏi bẫy khi đàm phán lương với nhà tuyển dụng: Xử lý khéo léo để không bị "hớ" và ghi điểm tốt

23-07-2021 - 08:24 AM | Sống

Bình tĩnh ứng phó với 3 câu hỏi bẫy khi đàm phán lương với nhà tuyển dụng: Xử lý khéo léo để không bị "hớ" và ghi điểm tốt

Cách ứng phó tốt nhất trước các câu hỏi về mức lương của nhà tuyển dụng là hãy trả lời một cách lịch sự và mượn chiến thuật “né tránh” mà các chính trị gia vẫn hay sử dụng.


Công việc của các nhà tuyển dụng là tìm được ứng viên tốt nhất, với chi phí thấp nhất trong khi những nhân viên mới lại đang cố gắng để nhận được những đãi ngộ cao nhất. Qua các buổi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng thường đàm phán mức lương như một phần của quy trình hoạt động tiêu chuẩn của họ.

Theo thống kê, nữ giới thường chấp nhận mức lương thấp hơn nam giới vì họ không mạnh dạn đàm phán lương với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, khi phụ nữ được trang bị những thông tin chính xác, họ có thể nâng mức lương của mình lên đáng kể thông qua các chiến thuật đàm phán phù hợp.

Dưới đây là 3 câu hỏi bẫy phổ biến mà nhà tuyển dụng sử dụng trong quá trình đàm phán lương và cách trả lời thông minh giúp bạn giành được lợi thế về mình.

1. Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?

Rõ ràng bất kì một vị trí tuyển dụng nào cũng đều đã được ấn định một mức lương cụ thể rồi và đó có thể cũng là mức lương mà các nhà tuyển dụng đã trả cho nhân viên làm việc ở vị trí bạn ứng tuyển. Do vậy mà câu trả lời của bạn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đàm phán lương của bạn. 

Nếu bạn đưa ra một con số quá cao thì có thể gây “mất điểm”, khiến nhà tuyển dụng không chọn bạn. Còn nếu đưa ra con số thấp hơn mức mà nhà tuyển dụng sẵn sàng trả sẽ khiến bạn chịu thiệt thòi. Đây là lý do tại sao việc đưa ra một con số thường gây bất lợi đối với ứng viên mới.

Vậy nên, đừng vội vàng đưa ra một con số cụ thể. Cách tốt nhất để “bẻ lái” câu hỏi này là trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng bằng chính câu hỏi của bạn. Hãy hỏi nhà tuyển dụng bằng các câu hỏi như “Tôi muốn nghe mức lương cho vị trí này trước khi quyết định một con số” hay “Tôi muốn mức lương giống như những nhân viên có cùng trình độ với tôi.”...

Và để tránh mắc phải sai lầm khi đàm phán lương, tốt nhất bạn nên tìm hiểu mức lương cho vị tri tương tự trên thị trường trước khi đưa ra mức lương mong muốn. Bạn có thể tìm hiểu thông tin về mức lương bằng cách hỏi người thân, bạn bè hoặc liên hệ với các tổ chức tư vấn nghề nghiệp chuyên nghiệp và tham khảo kết quả những cuộc khảo sát hằng năm của họ.

Bên cạnh đó, việc tìm hiểu kỹ về vị trí bạn ứng tuyển là một trong những cách giúp đàm phán lương hiệu quả nhất. Điều này chứng minh bạn là người quan tâm đến công việc, giúp bạn ghi điểm đối với nhà tuyển dụng. Đó cũng sẽ là lợi thế khi đề cập đến mức lương bạn mong muốn.

2. Mức lương của bạn ở vị trí hiện tại là bao nhiêu?

Bình tĩnh ứng phó với 3 câu hỏi bẫy khi đàm phán lương với nhà tuyển dụng: Xử lý khéo léo để không bị hớ và ghi điểm tốt - Ảnh 1.

Nếu như ban đầu nhà tuyển dụng có ý định trả cho bạn mức lương 20 triệu nhưng họ lại nghe được rằng mức thu nhập của bạn ở công ty cũ chỉ có 15 triệu, chắc chắn họ sẽ biết rằng mình không cần phải chi ra một số tiền lớn như thế để “mời chào” bạn. Điều này sẽ khiến bạn gặp bất lợi ngay lập tức và bạn sẽ chỉ nhận được mức lương từ 15 - 17 triệu.

Dù biết đây là cái bẫy và không nên trả lời trực tiếp, nhưng nếu bạn thẳng thừng từ chối không trả lời câu hỏi này, bạn cũng sẽ “mất điểm” trong mắt nhà tuyển dụng. 

Vậy nên làm thế nào để “vẹn cả đôi đường”?

Cách tốt nhất là hãy trả lời một cách lịch sự và mượn chiến thuật “né tránh” mà các chính trị gia vẫn hay sử dụng. Một câu trả lời khôn ngoan trong trường hợp này sẽ là “Tôi không muốn thảo luận về tình hình hiện tại của mình vì vị trí này đòi hỏi những trách nhiệm khác với vị trí hiện tại của tôi. Sau khi thảo luận kĩ về trách nhiệm công việc cho vị trí này, tôi tự tin rằng chúng ta có thể thỏa thuận một mức lương hợp lý”. Hoặc “Tôi rất vui khi được thảo luận vấn đề này ở đây. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, điều tôi quan tâm là mức lương nào sẽ phù hợp cho cả hai bên. Tôi nghĩ ông cũng có cùng quan điểm với tôi”.

Theo các chuyên gia tuyển dụng, câu trả lời này sẽ giúp bạn duy trì được sự tự tin trong cuộc phỏng vấn. Đồng thời, nó cũng cho thấy bạn hiểu và tôn trọng các câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra nhưng muốn tách biệt vấn đề mà không tiết lộ quá nhiều thông tin.

Khi nhà tuyển dụng hỏi về mức lương cũ, bạn hãy thật thận trọng khi trả lời. Có thể ở vị trí mới này mức lương của bạn được trả sẽ cao hơn rất nhiều lần so với mức lương cũ. Trong trường hợp nhà tuyển dụng thúc ép bạn đưa ra câu trả lời ngay lập tức, hãy sử dụng chiến thuật “né tránh”. Còn nếu như nhà tuyển dụng cố dồn ép khiến bạn không thể né tránh được nữa thì phương án tốt nhất là bạn đưa ra câu trả lời trực tiếp nhưng hãy kèm theo một lời giải thích.

Diane Barowsky - một người làm việc trong lĩnh vực điều hành tuyển dụng khuyên các ứng viên rằng: “Những gì tôi đang làm không quan trọng, quan trọng là tôi có đủ kỹ năng đáp ứng tốt công việc này hay không. Và tôi muốn nói rằng, tôi tự tin có đủ năng lực, kinh nghiệm để giải quyết tốt công việc được giao”. Ông cũng giải thích thêm rằng “Nếu mức lương của bạn đang ở cấp thấp, thì việc nói thật sẽ chống lại quá trình đàm phán lương của bạn”.

3. Bạn thấy sao nếu chúng tôi đang xem xét trả cho bạn mức lương 5.000 đô la?

Bình tĩnh ứng phó với 3 câu hỏi bẫy khi đàm phán lương với nhà tuyển dụng: Xử lý khéo léo để không bị hớ và ghi điểm tốt - Ảnh 2.

Trong trường hợp này, 5.000 đô la có thể là bất kỳ số tiền nào được cung cấp. Nếu mức lương ban đầu đưa ra chính xác là những gì bạn muốn, bạn có thể chấp nhận nó. Tuy nhiên, bạn cũng có thể xem xét liệu bạn có thể tận dụng chúng nhiều hơn một chút hay không.

Ví dụ bạn có thể trả lời rằng: “Tôi đánh giá cao lời đề nghị này và rất muốn gia nhập công ty. Tuy nhiên, tôi đã hy vọng một mức lương khoảng 6.000 đô la. Nếu ông có thể nâng nó lên một chút, tôi có thể bắt đầu làm việc trong hai tuần tới.” Ngoài ra, bạn có thể nâng cao vị trí của mình bằng cách nói rằng “Có một nhà tuyển dụng khác đang đề nghị mức lương X nhưng tôi nghĩ công việc này sẽ phù hợp hơn với mình.” Bằng cách đề cập đến việc bạn có một lời mời làm việc khác có thể cung cấp cho nhà tuyển dụng một lý do để yêu cầu công ty trả bạn một mức lương cao hơn.

Hầu hết các nhà tuyển dụng đều sẵn sàng tận dụng các cuộc đàm phán có lợi cho họ. Hãy chuẩn bị cho các câu hỏi bẫy vào lần tiếp theo khi bạn tham gia đàm phán lương với nhà tuyển dụng tiềm năng. Biết được cách đàm phán lương hiệu quả, bạn sẽ có được mức lương như mong đợi và có được sự hài lòng trong công việc, tránh được cảm giác bất mãn và mong muốn rời bỏ công việc sớm.

Theo The Ladders

Phương Thu

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên