Bịt 1 bên mắt có thể phát hiện căn bệnh nguy hiểm: Đừng để đến lúc vô phương cứu chữa
Chỉ cần thực hiện bài kiểm tra bịt mắt từng bên, các bậc phụ huynh có thể nhận biết con mình có nguy cơ mắc căn bệnh có thể dẫn đến mù lòa hay không.
Hãy cẩn trọng với căn bệnh nhược thị
Bé Nguyễn Hoài A. 12 tuổi, trú tại Hà Nội được chẩn đoán bị nhược thị sau một lần đi khám mắt. Bố mẹ của bé cho biết họ thấy con mình vẫn bình thường, không có dấu hiệu nào về bệnh của mắt ngoài mỏi mắt và nheo mắt. Bé vẫn đeo kính cận thường xuyên từ lúc học lớp 3.
Và lúc đưa con đi khám, bố mẹ bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán bé A. bị nhược thị. Phẫu thuật không được, đeo kính cũng không xong… khả năng nhìn mắt bên trái của con có nguy cơ không còn.
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị nhược thị mà không phát hiện ra. Vì thế, khi đến bệnh viện khám, mắt đã giảm thị lực một cách nhanh chóng.
Nhược thị có thể dẫn đến mù mắt.
Theo bác sĩ Hoàng Cương của Bệnh viện Mắt trung ương, nhược thị là thuật ngữ y học dùng để chỉ tình trạng một mắt hoặc hai mắt bị giảm thị lực do não và mắt không phối hợp tốt.
Nhìn bề ngoài con mắt có vẻ bình thường nhưng thực ra não đã không tiếp thu hình ảnh do nó gửi về mà chỉ nhận hình ảnh của mắt bên kia. Nguy hiểm hơn khi cả 2 mắt đều bị não từ chối tiếp nhận tín hiệu.
Bác sĩ Cương cho biết, hiện nay những trẻ bị nhược thị không nhiều như trước nhưng nhiều bố mẹ không quan tâm nhiều đến con. Vì thế, khi trẻ được phát hiện thì thường đã bị nặng.
Hãy bịt mắt để biết sớm nhược thị
Bác sĩ Cương cho biết, nhiều người trưởng thành cũng bị nhược thị, do thời trẻ họ đã để một mắt kém dần mà không hay biết hoặc biết cũng không chữa chạy, sinh hoạt dựa vào mắt còn lại.
Khi ở tuổi 16 và lớn tuổi hơn, tình trạng nhược thị thường quá nặng, ngành mắt gọi là "nhược thị sâu". Lúc đó, bác sĩ tuyên bố vô phương cứu chữa.
Theo BS. Cương, "thời gian vàng" để điều trị nhược thị là 12 năm đầu đời, càng phát hiện sớm, điều trị sớm thì hiệu quả càng cao.
Sau 12 tuổi, khi các cơ quan đều đã phát triển nên việc can thiệp không mang lại hiệu quả cao. Tuy ngày nay nền Y học tiên tiến có thể chữa bệnh nhược thị ở những người lớn hơn tuổi 16 tuổi nhưng kết quả cũng không tốt.
Với bệnh nhân nhược thị, thuốc men, đeo kính và phẫu thuật đều không có tác dụng. Và họ đành phải chấp nhận mù lòa.
Nguyên nhân của bệnh nhược thị là do tật khúc xạ một hoặc hai mắt có vấn đề, thường là tật khúc xạ không đều giữa 2 bên. Bệnh nhân đã không đi khám, không tuân thủ theo đơn kính và chế độ tập luyện, tự bỏ điều trị.
Hai mắt không có cùng một trục nhìn, thường biểu hiện là lác và khó phát hiện hơn là vi lác do không dễ nhận thấy bằng mắt thường.
Lúc này não chỉ nhận tín hiệu, dựng lại hình ảnh do mắt lành đem lại. Mắt còn lại sẽ bị phế bỏ và càng ngày càng trở nên vô dụng.
Chính vì vậy, bác sĩ Cương khuyến cáo chúng ta không nên bỏ qua quãng 16 năm đầu đời quí giá để khám mắt và nếu có bệnh, chúng ta cần chữa trị kịp thời, tránh rơi vào trường hợp không thể can thiệp được.
Bác sĩ Cương cho biết cách phát hiện nhược thị sớm cho con cái đó là bịt mắt và chịu khó đi khám mắt.
Với trẻ em, trông mắt có vẻ bình thường mà có khi chức năng của nó lại không được bình thường. Muốn biết con có bị nhược thị hay không, bố mẹ nên thực hiện bài kiểm tra bịt mắt từng bên .
"Mắt mờ hơn mặt bên kia chính là mắt có nguy cơ hoặc đang bị nhược thị", bác sĩ Cương nói.
Ngoài ra, bố mẹ nên cho trẻ khám mắt tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt, không nên "phó mặc" cho cửa hàng kính mắt.
Bác sĩ Cương cho biết theo lịch chuẩn của thế giới, ngay sau khi chào đời đến lúc bắt đầu đi học vỡ long rồi hết cấp III đến sau tuổi 50, mỗi năm chúng ta nên đi khám mắt 1 lần. Còn sau 70 tuổi, chúng ta khám 2 lần/năm.
Trí thức trẻ