Bịt “lỗ hổng" giám sát mục đích sử dụng vốn khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp
(NLĐO)- Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững.
Theo Bộ Tài chính, sau thời gian triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn, trước tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh.
Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp vào thời gian tới.
Các công ty thành viên của Tân Hoàng Minh có vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật Sblaw đã chỉ ra các "lỗ hổng" trong việc phát hành trái phiếu hiện nay và các kiến nghị sửa đổi.
Theo luật sư Hà, dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những bước tiến nhưng đến nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về phát hành các loại trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Luật sư phân tích, hồ sơ phát hành trái phiếu yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải trình bày mục đích phát hành trái phiếu. Trong đó, Điều 5 và Điều 13 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp chỉ được phép phát hành trái phiếu cho 3 mục đích gồm để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; để tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy trình chào bán trái phiếu (tại Điều 11) và phương án phát hành trái phiếu và thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành (Điều 13) đang còn một số bất cập, thiếu vai trò giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Do đó, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo hướng quy định rõ ràng về mục đích phát hành trái phiếu, qua đó tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.
Trên thực tế, hiện pháp luật chưa quy định đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ phải có tài sản đảm bảo, xếp hạng tín nhiệm, dẫn đến tình trạng phổ biến loại hình trái phiếu không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh.
Trong các thông báo chào bán trái phiếu, Tân Hoàng Minh cho biết sử dụng vốn để đầu tư các dự án bất động sản
Từ "lỗ hổng" này, luật sư Nguyễn Thanh Hà kiến nghị cần bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành. Việc xếp hạng nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành. Từ cơ sở xếp hàng tín nhiệm, thị trường sẽ có thêm kênh thông tin để để đánh giá rủi ro của trái phiếu.
Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng cần bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng nhấn mạnh các quy định hiện hành về giám sát việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Dẫn Nghị định 153/2020/NĐ-CP, vị luật sư cho biết nghị định quy định doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.
Tại điều 34 Nghị định 153 đã quy định doanh nghiệp phát hành phải quản lý, sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên luật sư Bình cho rằng, tại Điều 41 của Nghị định lai quy định việc giám sát việc sử dụng vốn lại chỉ quy định Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, chủ sở hữu công ty có trách nhiệm giám sát việc huy động, sử dụng vốn phát hành trái phiếu, thanh toán lãi, gốc trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và Điều lệ công ty.
Từ những "lỗ hổng" đó, luật sư lo ngại dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu không sử dụng vốn đúng mục đích như đã cam kết, tiềm ẩn nguy rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Trong quá trình rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đang đề xuất theo hướng thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành.
Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu; Quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư các nhân mua các trái phiếu doanh nghiệp có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn.
Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cùng với đó, bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp.
Sau thời gian xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi, hiện dự thảo Nghị định đang được hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành.
Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam dựa trên công bố từ trang thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong tháng 3-2022, có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và 10 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị là 3,621 tỉ đồng.
Trong năm 2022, có tổng cộng 48 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30,998 tỉ đồng (chiếm 78.09% tổng giá trị phát hành) và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8,696 tỉ đồng (chiếm 21.91% tổng giá trị phát hành).
Kể từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 13.78% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 21.9% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 24.17%, đạt 30,998 tỉ đồng (chiếm 78.09% tổng giá trị phát hành).
Trong năm 2022, nhóm bất động sản hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17,211 tỉ đồng, chiếm 43.36%. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 10,004 tỉ đồng, tương đương 58.12%.
Nhóm xây dựng đứng ở vị trí thứ hai với 8,280 tỉ đồng, chiếm 20.86% tổng giá trị phát hành. CTCP Đầu Tư Xây Dựng Tường Khải và CTCP Xây Dựng Minh Trường Phú là hai doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong nhóm xây dựng với khối lượng phát hành lần lượt là 2,990 tỉ đồng và 2,950 tỉ đồng.
Người Lao động