MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bitcoin - biến tướng và hệ lụy

09-12-2017 - 08:07 AM | Tài chính - ngân hàng

Như Tiền phong đã thông tin, cơn sốt tiền Bitcoin đang tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Thống kê trên thế giới có khoảng 9.000 loại tiền ảo khác nhau. Bitcoin chiếm hơn 50% giao dịch, hiện những người đổ xô vào Bitcoin đã lên tới vài trăm triệu người. Riêng ở Việt Nam, khoảng 1 triệu người tham gia vào vòng xoáy đào - mua bán tiền ảo này.

Bitcoin sốt vì sao?

Từng nghiên cứu rất kỹ và sâu về Bitcoin, một chuyên gia về tiền tệ đã trao đổi rất kỹ với PV Tiền Phong về bức tranh toàn cảnh của đồng tiền này. Theo ông, về bản chất tiền tệ, Bitcoin là tiền số ra đời vào quãng năm 2008 khi khủng hoảng kinh tế Mỹ và lạm phát ở một số nền kinh tế khiến người ta mất niềm tin vào đồng tiền do nhiều Chính phủ phát hành. Theo đó, Bitcoin được viết ra dưới dạng một thuật toán (đến giờ này cha đẻ của nó dù có tên gọi nhưng thực chất vẫn ẩn danh) mà trong đó những người tham gia vào vận hành hệ thống phát hành Bitcoin gọi là thợ đào. Cứ 10 phút, một mã khối mới (blolkchain) lại được tạo ra kèm theo một lượng Bitcoin được cấp phát. Ai giải được block chain đó nhanh nhất, hệ thống này sẽ tự thưởng 1 Bitcoin. “Hệ thống đó được kết nối với “sổ cái” và được chia sẻ ở tất cả mọi nơi nên ai được thưởng cả cộng đồng đều biết. Đó là lý do người ta đổ xô sắm máy tính cấu hình cao để đào tiền thưởng”, vị này nói.

Do là tiền số ai cũng có quyền phát hành, nên Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác sẽ “trốn” được mục tiêu kiểm soát của chính phủ các quốc gia. Nếu thanh toán bằng tiền qua hệ thống ngân hàng kể cả bằng giao dịch điện tử, thanh toán bù trừ, Nhà nước cụ thể nào đó chắc chắn sẽ nắm được tổng số tiền có trong nền kinh tế, trong lưu thông. Đồng thời, các bên thanh toán với nhau sẽ phải trả phí. Còn ở đây, ngoài không phải trả phí (chính phủ sẽ không thu được thuế và kiểm soát được thu nhập, nguồn thu), Bitcoin sau này còn có đáp ứng được mục tiêu “thanh toán giao dịch ngầm” cho các hoạt động chuyển tiền, ma tuý bắt cóc, tống tiền. “Đó là lý do vì sao Bitcoin được các tổ chức xã hội đen, hoặc tài trợ khủng bố ưa chuộng”, vị chuyên gia cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, hiện trên thế giới có khoảng 9.000 loại tiền ảo khác nhau nhưng Bitcoin là đồng tiền số được giao dịch phổ biến nhất, chiếm khoảng hơn 50%. “Cả thế giới chỉ có 21 triệu đồng Bitcoin và hiện nay đã có 18 triệu được khai thác, tức là số tiền thưởng Bitcoin chỉ còn khoảng 3 triệu, cho nên các “thợ mỏ” Bitcoin càng điên cuồng lao vào…”đào” kiếm tiền thưởng.

Một thanh niên chiêu dụ người chơi góp vốn để người khác “lướt sóng” Bitcoin giúp.

Bitcoin và những hệ lụy...

Năm 2017 là một năm lên “cơn điên” của Bitcoin. Theo thống kê từ đầu năm tới nay, đồng tiền này đã tăng giá gấp hơn 5 lần. Ngày 8/12, giá 1 đồng tiền ảo Bticoin đã tăng thêm hơn 3.000 USD lên tới 17.000 USD, vốn hóa thị trường này lên tới gần 285 tỷ USD. Đây cũng là lý do giới đầu tư và các quỹ đầu cơ sẵn sàng “cuồng tín” lao vào mua bán, sở hữu Bitcoin.

Ngoài lý do chỉ còn 3 triệu Bitcoin trong hệ thống, những chất “xúc tác” khác dẫn đến “cơn sốt” Bitcoin có thể kể ra như: trong tháng 12/2017 này, hàng loạt sàn chứng khoán Mỹ sẽ chính thức cho phép thực hiện việc ra mắt phái sinh Bitcoin. “Đồng Bitcoin liên tục tăng giá, đây là cơ hội kiếm tiền của các quỹ đầu cơ, chính vì vậy mới có việc ra đời dịch vụ bảo hiểm phái sinh Bitcoin trên sàn chứng khoán Mỹ.” vị chuyên gia tiền tệ này cho biết. Chưa kể, với việc muốn “quản” Bitcoin, mới đây, Nhật Bản đã lập sàn giao dịch chuẩn bị có hợp đồng tương lai tiền ảo. Việc cho phép mua bán Bitcoin tại Nhật nhằm kiểm soát danh tính người tham gia, từ đó Chính phủ Nhật quản lý và thu thuế”, vị này nói.

Cơn sốt Bitcoin đang gây ra những hệ lụy gì? Theo vị chuyên gia trên, do nhu cầu phải “đào” liên tục và sử dụng máy tính cấu hình cao cùng một hệ thống làm mát lớn nên tổng lượng điện tiêu thụ cho các “thợ mỏ” đang đào Bitcoin rất lớn.

Vấn đề nữa đó là khi đào hết 21 triệu đồng sẽ không có thưởng nữa, khi đó “giới đầu cơ” Bitcoin chỉ có 2 lựa chọn: Hoặc thu phí giao dịch của người mua- kẻ bán hoặc phải tạo ra tiếp lượng Bitocoin lớn hơn 21 triệu đồng. “Khi đó, cơn sốt Bitcoin và giá đồng tiền ảo này có thể không biết phi đến đâu nhưng cũng có thể rơi tự do”, vị chuyên gia lưu ý.

Ông Lê Huy Hoà, chuyên gia công nghệ thông tin – một trong những người khá “sành sỏi” về Bitoin cho PV Tiền Phong hay: Hiện tại, đang có những thông tin cho rằng, do Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về sở hữu Bitcoin nên có thể Việt Nam (ở cạnh) cũng đang sở hữu một lượng Bitcoin không hề nhỏ. Theo ông Hoà, cộng đồng Bitcoin ở Việt Nam vào khoảng 1 triệu người và cơn sốt “đào” Bitcoin đang “ngốn” đi một lượng điện năng cực lớn. Sự quan tâm đến Bitcoin trong xã hội cũng nóng hơn khi bản thân ông Hoà thời gian gần đây liên tục được các doanh nghiệp (có cả ngân hàng và tập đoàn lớn) mời đến giảng về lĩnh vực này.

Theo ông Hoà Bitcoin đang biến tướng - dùng tiền ảo để huy động vốn thật. (Tiền Phong đã thông tin trong số chuyên đề trước như việc mời gọi chung tiền vào một tài khoản để một người cầm trịch và sẵn sàng trả lãi cao). “Việc này giống như bán hàng đa cấp, dù đã bị cấm nhưng nhiều người vẫn cứ làm. Nếu thị trường này vỡ thì không kém gì vỡ…hụi. Câu chuyện Bitcoin trong tương lai quản lý thế nào đang là vấn đề cấp thiết cho các cơ quan Nhà nước. Tôi nghĩ việc này không có cơ gì để lùi quá lâu”, ông Hoà khẳng định.

Ngày 8/12, đại diện Vụ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sau khi Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì cùng các bộ ngành có liên quan (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Công thương…) chung tay xây dựng Đề án về quản lý tiền ảo, tiền điện tử, phía đơn vị này đã rất tích cực “Về phía NHNN, chúng tôi đã thực hiện rất đầy đủ chức năng của mình như thành lập tổ nghiên cứu về tiền điện tử, tiền ảo. Sửa nghị định có liên quan và liên tục phát đi cảnh báo cũng như tái khẳng định: NHNN không chấp nhận đồng Bitcoin là phương tiện thanh toán. Bản thân, ngân hàng trung ương các quốc gia trên thế giới cũng vậy”, vị này cho biết.

Vậy vấn đề “quản” Bitcoin đang nằm ở bộ ngành nào? Do Bitcoin hiện “không giống ai” (chưa làm rõ là tiền hay là hàng) nên hiện Cục Quản lý dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) được giao là đầu mối xây dựng đề án này sẽ phải làm rõ về vấn đề “tài sản” ảo.

Theo Khánh Huyền

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên