Bitcoin đang rớt giá thảm hại nhưng giai đoạn này của 11 năm trước, nó lần đầu tiên có giá 1 USD
Ngay cả khi chỉ còn 36.000 USD/coin, Bitcoin vẫn có mức tăng giá 3.600.000% trong đúng 11 năm qua.
- 21-01-2022Nền kinh tế El Salvador điêu đứng vì biến động giá Bitcoin
- 21-01-2022Bitcoin thủng 40.000 USD, vốn hóa toàn thị trường tiền số mất mốc 2.000 tỷ USD
- 21-01-2022Các đồng tiền hàng hóa tăng giá mạnh, Bitcoin nhảy vọt lên mức 43.500 USD
- 20-01-2022Trước đây 'lãi chưa từng thấy', nhà đầu tư Bitcoin đang ngậm đắng nuốt ngay chịu lỗ 750 triệu đô/ngày
Sáng 22/1 theo giờ Hà Nội, Bitcoin tiếp tục bị bán tháo với mức giả 11,4% xuống còn 36.259,3 USD/coin. Mức giá này, Bitcoin đã giảm gần 50% so với đỉnh gần 67.000 USD mà nó xác lập vào năm ngoái.
Trong vài ngày qua, giá Bitcoin đã rơi thẳng đứng từ khoảng 43.000 USD xuống còn 36.000 USD như hiện nay. Các nhà phân tích cho biết họ không nhìn thấy điểm tích cực nào với giá Bitcoin cho tới vùng hỗ trợ tiếp theo, điều cho thấy đồng tiền số giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới có thể tiếp tục giảm hơn nữa.
Tuy nhiên, giá Bitcoin vẫn vô cùng cao nếu so sánh với khởi đầu của nó. Trung tuần tháng 2 cách đây đúng 11 năm, Bitcoin đi vào lịch sử khi xác lập giá 1 USD/coin. Đồng tiền số lâu đời nhất thế giới này được tạo ra năm 2009 bởi một người ẩn danh dùng tên Satoshi Nakamoto. Tới ngày 9/2/2011, Bitcoin chính thức có giá 1 USD.
Với khởi đầu khiêm tốn đó, Bitcoin vươn lên trở thành đồng tiền số giá trị vốn hóa lớn nhất, dẫn dắt cả thị trường. Ở đỉnh, Bitcoin từng được giao dịch với giá 67.000 USD/coin, tương đương 6.700.000% so với thời điểm nó đạt 1 USD. Bây giờ, ngay cả khi Bitcoin đang bị bán tháo, con số này vẫn là 3.620.000%.
Mức tăng trưởng này đủ khiến tất cả các thị trường chứng khoán toàn cầu bị lu mờ. Tuy nhiên, thị trường tiền số, bao gồm cả Bitcoin, liên tục gắn liền với những biến động khủng khiếp. Phần đông các nhà đầu tư cũng đều ôm giấc mộng đổi đời. Cùng với việc sử dụng đòn bẩy lớn, những cú bán tháo cũng có thể khiến nhiều người trắng tay.
Rủi ro lớn và lợi nhuận nhiều luôn song hành với lịch sử phát triển của Bitcoin và các loại tiền số khác. Tuy nhiên, đồng tiền số giá trị vốn hóa lớn nhất ngày càng nhận được nhiều niềm tin từ các nhà đầu tư tổ chức, sự chấp nhận từ các quốc gia cũng như sự ủng hộ của hàng loạt tỷ phú USD.
Người ta có nhiều lý do để ủng hộ Bitcoin và một trong số đó là coi nó như bức tường chống lại lạm phát gia tăng từ các gói kích thích khủng của các chính phủ trên khắp toàn cầu. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và nhiều Ngân hàng trung ương lớn khác đều phát tín hiệu về việc thắt chặt chính sách tiền tệ và gia tăng lãi suất. Điều này khiến Bitcoin mất đi một trong những động lực của nó.
Đà giảm của Bitcoin kéo dài từ tháng 11/2021 tới nay. Nó đã giảm khoảng 40% so với đỉnh được xác lập vào tháng 10/2021. Nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường tiền số có thể rơi vào suy thoái khi các quốc gia tăng cường giám sát tiền số cùng một loạt các biến động dữ dội có thể làm giảm triển vọng với Bitcoin.
Hiện tại, Trung Quốc đã cấm hoàn toàn các hoạt động liên quan tới tiền số ở nước này. Các nhà chức trách Mỹ cũng đang tiến hành kiểm soát một số khía cạnh của thị trường. Thậm chí, ngay cả Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã đề xuất lệnh cấm sử dụng và khai thác tiền số trên lãnh thổ Nga. Cơ quan này lập luận rằng tiền số tạo ra nguy cơ đối với "sự ổn định tài chính và đe dọa chính sách tiền tệ" của Nga.
Hiện tại, Nga là một trong 3 quốc gia hàng đầu thế giới về khai thác Bitcoin.