Bitcoin tăng vọt gần 6%, USD và vàng lao dốc
Phát biểu của Chủ tịch Fed rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng hành động mạnh mẽ để ngăn chặn lạm phát đã đẩy USD tăng trong phiên vừa qua, trong khi khiến vàng lao dốc. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán và tiền điện tử trở nên sôi động khi các nhà đầu tư có tâm lý chấp nhận rủi ro đã cản trở đà tăng của USD.
- 22-03-2022Một cổ phiếu ngân hàng bất ngờ tăng mạnh cuối phiên hơn 11%
- 22-03-2022Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 vẫn có khả năng tăng trưởng tốt
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, ngày 21/3 đã cam kết sẽ có hành động cứng rắn để chống lạm phát, đồng thời cho rằng đang có nguy cơ lạm phát cao đe doạ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
"Thị trường lao động đang rất mạnh, còn lạm phát thì quá cao", ông Powell phát biểu tại một sự kiện của Hiệp hội Quốc gia Kinh tế học kinh doanh (NABE). Ông nhắc lại lập trường mà Fed đưa ra trong tuyên bố kết thúc cuộc họp vào tuần trước, rằng lãi suất sẽ tiếp tục được nâng lên cho tới khi lạm phát được đưa về tầm kiểm soát.
Tuần vừa qua, Fed đã nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, là lần tăng đầu tiên trong vòng hơn 3 năm trở lại đây, nhằm chống lại mức lạm phát đang cao nhất 40 năm ở Mỹ.
Sau những bình luận của ông Powell, Goldman Sachs tin chắc Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản/lần trong cả hai cuộc họp tháng Năm và tháng Sáu.
Theo Công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch đang xác định có 66,1% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm tại kỳ họp tháng 5 tới. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với 50% dự đoán vào tuần trước.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 22/3 theo giờ Việt Nam tăng nhẹ 0,02% lên 98,515. Trước đó, có thời điểm chỉ số này giảm do USD bị lu mờ trước sự khởi sắc của thị trường chứng khoán.
Các nhà đầu tư đang có tâm trạng chấp nhận rủi ro, đẩy chứng khoán Mỹ tăng điểm và làm giảm sức hấp dẫn của những nơi trú ẩn an toàn như USD và vàng. Cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh – do dự kiến Fed sẽ tăng mạnh lãi suất – góp phần đẩy thị trường chứng khoán đi lên.
Joe Manimbo cho biết: "Có vẻ như thị trường đang nghi ngờ việc Fed có thể ‘hạ cánh mềm’ và điều đó thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản rủi ro tăng – yếu tố cản trở USD tăng mạnh, ít nhất là vào lúc này". Theo ông Manimbo: "Đồng USD được hỗ trợ bowri lập trường lãi suất của Fed ngày càng ‘diều hâu’ hơn, nhưng USD đã ở đỉnh cao, và đó là lý do khiến các nhà đầu tư tìm tới các tài sản rủi ro".
Đồng yên tiếp tục xu hướng suy yếu khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục giữ nguyên lập trường về việc không thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Yen Nhật trong ngày 22/3 đã chạm mức thấp nhất 6 năm so với USD, vượt qua ngưỡng 120 JPY, xuống 121,03 JPY/USD, mất khoảng 1% trong phiên này.
Yen cũng giảm so với các loại tiền tệ khác, theo đó euro chạm mức cao nhất trong vòng 5 tháng so với yen, có lúc đạt 133,33 JPY, kết thúc ngày 22/3 vẫn tăng 1,18% lên 133,14 JPY. Đồng tiền Nhật Bản cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 6,5 năm so với franc Thụy Sỹ, có lúc chỉ 128,91 JPY, kết thúc phiên vẫn giảm 1,48% xuống 128,89 JPY.
Đồng euro lúc kết thúc ngày 22/3 theo giờ Việt Nam tăng 0,14% lên 1,1029 USD. Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn đang ở mức thấp sau nhiều ngày suy yếu bởi cuộc xung đột ở Ukraine làm tăng giá năng lượng.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Christine Lagarde, hôm 21/3 nói rằng Fed và ECB sẽ di chuyển không đồng bộ, vì cuộc chiến ở Ukraine có những tác động rất khác nhau đối với nền kinh tế của họ.
Nhà hoạch định chính sách của ECB, Francois Villeroy de Galhau hôm 22/3 nói rằng ngân hàng trung ương Châu Âu cần phải nhìn xa hơn những biến động ngắn hạn về giá năng lượng, và tập trung vào các xu hướng lạm phát cơ bản.
Bảng Anh lúc kết thúc ngày 22/3 theo giờ Việt Nam tăng 0,64% lên 1,3249 USD.
Tiền tệ và chứng khoán Châu Á đều giảm trong ngày 22/3 sau khi Chủ tịch Fed nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng hành động mạnh mẽ để chống lại lạm phát, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang xem xét tác động tiềm tàng từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Đồng rupee của Ấn Độ, baht Thái Lan và won của Hàn Quốc đồng loạt giảm 0,5 điểm phần trăm trong phiên vừa qua, trong đó rupee chạm mức thấp nhất trong một tuần và baht giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tháng.
Nhân dân tệ của Trung Quốc phiên này cũng đi xuống. Trên thị trường giao ngay tại Trung Quốc, nhân dân tệ kết thúc ngày giảm 71 pip xuống 6,3639 CNY/USD.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng ngoạn mục lên mức cao nhất trong vòng gần 3 tuần, có thời điểm tăng 5,6% lên 43.337 USD (cao nhất kể từ 3/3), kéo theo các đồng tiền kỹ thuật số nhỏ hơn như ehter tăng theo.
Lúc kết thúc ngày 22/3 theo giờ Việt Nam, Bitcoin vẫn tăng 3,6% so với phiên trước, trong khi ether tăng 5,4% lên mức cao nhất kể từ ngày 17 tháng 2.
Các nhà phân tích cho biết không có tin tức cụ thể nào giúp thúc đẩy đà tăng giá trong phiên vừa qua, và dự đoán động thái đó xuất phát từ việc nhà đầu tư chuyển hướng ưa thích tài sản rủi ro.
Thị tường tiền điện tử đã tăng hơn 26% giá trị kể từ khi chạm mức thấp 34.324 USD hôm 24/2 – khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát. Sự phục hồi của thị trường này phản ánh xu hướng tăng giá cổ phiếu.
Diễn biến Bitcoin ngày 22/3.
Giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 1 tuần sau khi Chủ tịch Fed bày tỏ quan điểm ‘diều hâu’ đối với lãi suất.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 22/3 theo giờ Việt Nam giảm 1% xuống 1.916,93 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4 cũng giảm 0,7% xuống 1.915,10 USD.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, mặc dù động lực tăng của giá vàng đã giảm đáng kể, song tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư vẫn là cuộc xung đột ở Ukraine, và bất kỳ diễn biến lớn nào liên quan đến vấn đề đó cũng có thể gây ra biến động giá mạnh.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk