MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bitcoin trở lại mốc 10.000 USD: "Xuân này có khác xuân xưa"?

23-06-2019 - 19:12 PM | Tài chính quốc tế

Khác với lần trước đà tăng chủ yếu xuất phát từ nhà đầu tư nhỏ lẻ, lần này các nhà đầu tư lớn và các định chế tài chính đã đóng vai trò quan trọng hơn.

Lần đầu tiên trong hơn 1 năm trở lại đây, Bitcoin đã trở lại với cột mốc 10.000 USD, khiến nhiều nhà đầu tư phấn khích và làm dấy lên 1 làn sóng lạc quan về giá trị và tương lai của các đồng tiền kỹ thuật số.

Đồng tiền số lớn nhất hiện nay chạm cột mốc 10.000 USD vào tối muộn hôm 21/6. Theo số liệu trên CoinDesk, đến sáng thứ 7 (22/6) có lúc giá đã lên tới hơn 11.000 USD. So với mức đáy cuối năm 2018 thì Bitcoin đã tăng giá hơn gấp 3.

Thị trường nóng lên sau khi Facebook công bố sách trắng về đồng tiền số Libra. Các nhà đầu tư mua vào bitcoin với kỳ vọng Libra sẽ mang các đồng tiền số khác đến gần hơn với người dùng, mục tiêu mà cả bản thân bitcoin vốn là đồng tiền số phổ biến nhất cũng chưa thể làm được.

"Dòng tiền thông minh và các định chế tài chính chắc chắn sẽ bước vào thị trường", John Patrick Mullion, nhà đầu tư tiền số và là 1 chuyên viên tư vấn về blockchain ở Hong Kong nói với Wall Street Journal. Ông sở hữu bitcoin từ năm 2013 và từ cuối tháng 3, khi giá bắt đầu hồi phục, và đã tiếp tục mua thêm.

Đà hồi phục gần đây của bitcoin khiến nhiều người hi vọng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua đi. Năm ngoái giá tiền số lao dốc thảm hại.

Khi bitcoin lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 10.000 USD vào tháng 11/2017, chỉ mất 18 ngày để nó đạt mốc cao nhất mọi thời đại 20.000 trước khi lao dốc. Tuy nhiên đà hồi phục lần này có vẻ ít sôi động hơn và do đó cũng đi kèm với kỳ vọng thị trường cuối cùng đã có những dấu hiệu trưởng thành.

Tính theo hiệu suất kể từ đầu năm đến nay thì Bitcoin đánh bại hầu hết các tài sản truyền thống, trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan vì có ngày càng có nhiều định chế tài chính ủng hộ tiền mật mã và công nghệ blockchain đằng sau chúng.

Một điểm khác biệt nữa của đợt tăng giá lần này là các nhà đầu tư lớn và các định chế tài chính giờ đã đóng một vai trò quan trọng hơn. Bên cạnh Facebook, ngân hàng JPMorgan Chase cũng đang phát triển JPMCoin, mặc dù CEO James Dimon từng gọi bitcoin là 1 trò lừa đảo (sau đó ông lại chia sẻ bản thân cảm thấy hối hận vì nhận định này). Các nền tảng giao dịch trực tuyến như R*Trade Financial và Robinhood cũng cung cấp dịch vụ giao dịch tiền số cho khách hàng.

Đầu tuần này, Ripple Inc., startup đứng sau đồng XRP, đồng ý đầu tư 50 triệu USD vào công ty chuyển tiền niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ MoneyGram International.

Không khó để tìm thấy các dữ liệu cho thấy tương quan so sánh giữa khối lượng giao dịch được thực hiện bởi nhà đầu tư cá nhân và bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhưng không ai có thể chối cãi rằng ở thời điểm hiện tại có nhiều nhà đầu tư định chế và quỹ đầu cơ giao dịch bitcoin hơn so với năm 2017.

Tuy nhiên khối lượng giao dịch của bitcoin nói riêng và cả thị trường tiền số nói chung đang ở mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước, theo số liệu từ công ty dữ liệu Bitcoinity. Điều đó cũng dễ hiểu bởi 18 tháng trước thị trường chủ yếu bị chi phối bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ và đầu cơ là chủ yếu.

Bên cạnh đó ngành này vẫn bị ảnh hưởng bởi các vụ hack, lừa đảo và những mối lo về an ninh. Một trong những sàn tiền số lớn nhất, Bitfinex, đã bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ đánh cắp 850 triệu USD. Sàn tiền số lớn nhất Canada là QuadrigaCX thậm chí đã sụp đổ vì nhà sáng lập bị tố sử dụng tiền của khách hàng cho mục đích cá nhân.

Trên thị trường tiền số hiện đã xuất hiện nhiều xu hướng và dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề tiêu cực cần phải được giải quyết để ngành này thực sự bứt phá một cách bền vững.

Thu Hương

WSJ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên