Bitcoin và USD đều đang thăng hoa, tiền số được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh
Cả USD và tiền điện tử đều trải qua một tuần thăng hoa với hồi kết là những kỷ lục cao nhất trong vòng nhiều tháng. Triển vọng USD và Bitcoin có nhiều khả năng sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới, trong đó riêng Bitcoin có thể lập kỷ lục mới.
- 01-10-2021Giá vàng, USD, Bitcoin thời gian tới sẽ thế nào?
- 30-09-2021Giá vàng hôm nay 30-9: Tiếp tục giảm mạnh trước sự áp đảo của USD
Đồng USD bước vào quý cuối cùng của năm 2021 với vị thế tốt khi ở mức cao gần nhất trong một năm, và tính chung cả tuần cao nhất kể từ tháng 6 do các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với thái độ ‘diều hâu’ sẽ nâng lãi suất của Mỹ sớm hơn so với các ngân hàng trung ương (NHTW) khác.
Tâm lý thị trường thận trọng do lo ngại về COVID-19, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc "lung lay" và sự bế tắc của Washington trước thời hạn chót sắp tới để nâng mức trần nợ công của chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ đồng USD - vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn.
Phiên cuối tuần (thứ Sáu, 1/10), chỉ số Dollar index kết thúc phiên giảm 0,3% xuống 94,046 do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm bởi các nhà đầu tư chốt lời sau giai đoạn lợi tức tăng mạnh gần đây. Tuy nhiên, cả USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều được coi là sẽ chỉ giảm tạm thời, và Dollar index dù giảm nhẹ nhưng vẫn là mức gần cao nhất trong vòng một năm. Tính chung cả tuần, Dollar index tăng 0,8%, mức tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 8.
Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ kết thúc phiên này ở mức 1,484%, giảm gần sáu điểm cơ bản so với phiên liền trước.
Mức tăng Dollar index hàng tuần
Các nhà đầu tư ngày càng tin rằng Fed sẽ sớm giảm mua tài sản – theo những thông tin đầu tiên là vào tháng 11 tới, và khả năng tăng lãi suất vào cuối năm 2022.
Tâm lý thị trường cũng trở nên thận trọng do lo ngại về COVID-19 khi số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng cao ở nhiều nước, trong đó số ca tử vong ở Nga lên cao kỷ lục.
Đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị "lung lay" do vụ Evergrande nguy cơ vỡ nợ cùng tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất trên diện rộng, cùng với sự bế tắc của Washington trước thời hạn sắp tới để nâng hạn mức vay của chính phủ Mỹ đều là những yếu tố đang hỗ trợ tích cực cho đồng USD.
Marc Chandler, chiến lược gia thị trường trưởng tại Bannockburn Global Forex, cho biết: "Lập trường "diều hâu" hơn dường như là yếu tố chính khiến đồng đô la tăng mạnh vào cuối tháng 9.
"Tuy nhiên, ngay lập tức, trọng tâm của các nhà đầu tư cũng chuyển sang chính sách tài khóa, mặc dù vấn đề này vẫn đang được xem xét. Nhiều người cho rằng không thể tưởng tượng được việc Mỹ sẽ vỡ nợ", ông Chandler cho biết thêm.
Mặc dù vậy, hàng loạt dữ liệu của Mỹ công bố hôm 1/10 đã có những tác động đan xen. Chẳng hạn như chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tháng 8 đã tăng nhiều hơn dự kiến, với mức tăng 0,8%, nhưng tiêu dùng lại thấp hơn dự kiến, với mức giảm 0,1% so với tháng 7, thay vì dự báo là tăng 0,3%, điều này không có lợi cho xu hướng tăng của USD.
Lạm phát vẫn tăng, nhưng không nhiều. Lạm phát cơ bản - được đo lường bằng chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE), không bao gồm các thành phần năng lượng và thực phẩm - đã tăng 0,3% trong tháng 8, không thay đổi so với tháng trước đó.
Trong sản xuất, dữ liệu lạc quan hơn. Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho biết chỉ số hoạt động của các nhà máy trên toàn quốc đã tăng lên 61,1 vào tháng 9 từ mức 59,9 của tháng 8.
So sánh tỷ giá USD với các loại tiền tệ khác, euro phiên cuối tuần đã tăng 0,1% lên 1,1595 USD, song tính chung cả tuần vẫn giảm khoảng 1,1%, mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ giữa tháng Sáu.
Đồng yên tăng trở lại so với đô la, thoát khỏi mức thấp nhất 19 tháng ở phiên liền trước. Kết thúc tuần, USD giảm 0,2% xuống 111,105 yên.
Các tiền tệ hàng hóa cũng tăng giá so với đô la Mỹ vào thứ Sáu. Đô la Australia tăng 0,6% lên 0,7270 USD, sau khi giảm 3,6% trong quý III – mức giảm nhiều nhất trong nhóm G10, do giá mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Australia, quặng sắt, giảm mạnh.
Bảng Anh trong tuần qua giảm 2,5%, mức giảm nhiều nhất trong vòng hơn một tháng do những vấn đề về chuỗi cung ứng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Kết thúc phiên cuối tuần, bảng Anh tăng 0,6% lên 1,3552 đô la, nhưng đó vẫn gần sát mức thấp nhất 9 tháng chạm tới gần đây, là 1,3516 đô la.
Cập nhật tỷ giá tiền tệ quốc tế
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng lên mức cao nhất gần 2 tuần, sát 48.000 USD, do các yếu tố mùa vụ cũng như những lời phát ngôn của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell.
Ngày 1/10, Bitcoin tăng mạnh 9,4% lên 47.902 USD. Các đồng tiền nhỏ hơn như Ether (ETH) cũng tăng giá theo Bitcoin. ETH phiên này tăng gần 10% lên 3.294 USD, trong khi XRP ((Ripple coin) tăng 8,2% lên 1,0299 USD.
Hôm 30/9, trong phiên điều trần trước Quốc hội, trả lời câu hỏi của đại diện Hạ viện, ông Ted Budd, ông Jerome Powell nói rằng ông "không có ý định" cấm tiền điện tử. Tuy nhiên, ông thêm rằng stablecoin có thể phù hợp với các quy định.
Nói tiền điện tử tăng do yếu tố mùa vụ là bởi quý 4 thường chứng kiến các tài sản kỹ thuật số tăng giá. Tháng 9 thường là giai đoạn "thấp điểm" của thị trường này.
Ulrik K.Lykke, người sáng lập quỹ phòng hộ tài sản tiền điện tử ARK36 cho biết: "Thị trường tài sản kỹ thuật số đang được hưởng lợi cả từ hiệu ứng thời vụ cũng như các nguyên tắc cơ bản tích cực của thị trường nói chung.
"Quý 4 thường chứng kiến hiệu suất mạnh mẽ và kỳ vọng xu hướng sẽ tiếp tục trong năm nay có thể trở thành một lời tiên tri chính xác. Có thể chúng ta sẽ thấy mức cao kỷ lục mới trong Quý 4, đặc biệt là dữ liệu trên chuỗi, nhất là trong trường hợp của Bitcoin, dường như cho thấy tiềm năng thị trường sẽ tiếp tục tăng giá mạnh mẽ. "
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk