MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[BizSTORY] Trần Nhung: Người khởi tạo những “cửa hàng hạnh phúc”

27-05-2018 - 13:09 PM | Doanh nghiệp

Với một niềm tin mãnh liệt và sự chân thật hiếm có trong thời buổi mà mọi giá trị đều xáo trộn, Trần Nhung, người phụ nữ ấm áp với nụ cười rạng rỡ đã lan tỏa những giá trị thực của hàng Việt đến với người tiêu dùng bằng mô hình Happy Mart - chuỗi cửa hàng giới thiệu và quảng bá vô vị lợi cho các thương hiệu Việt. Chia sẻ Tweet

Tận dụng sức mạnh của nền kinh tế chia sẻ, Happy Mart thực sự là nơi gửi gắm niềm tin và sự minh bạch của các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp chân chính, nhằm hướng đến một cuộc sống hạnh phúc hơn cho người tiêu dùng, và chính những người tham gia kinh doanh.

Mô hình Happy Mart hoạt động dựa trên những tiêu chí nào để tận dụng hết sức mạnh nền kinh tế chia sẻ?

Hơn lúc nào hết, ngành bán sỉ, bán lẻ Việt Nam đang đứng trước một thách thức vô cùng lớn với các thương hiệu ngoại. Các siêu thị từ lớn đến nhỏ đều rơi vào tay các đại gia nước ngoài, các cửa hàng tiện lợi nước ngoài cũng đang chiếm lĩnh hết mọi hang cùng ngõ hẻm, khiến cho thương hiệu Việt vô cùng khó khăn trong phân phối, quảng bá, truyền thông… so với thương hiệu ngoại.

Đó là chưa kể để lọt vào các siêu thị, hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vô cùng khó khăn bởi đủ các mức phí không nhỏ, nếu bán không được trong thời gian ngắn sẽ bị trả về, trưng bày thì bị ép đủ kiểu…rồi bị chiếm dụng vốn, chậm trả tiền…

Hàng Việt đang dần bị lép vế ngay trên sân nhà, đó là điều đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta, vấn nạn này đã từng được cảnh báo, nhưng chưa thấy Nhà nước có biện pháp gì rốt ráo để giải quyết, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng hơn.

Bằng nỗ lực tự thân, tôi đã khởi nghiệp lần thứ hai với Happy Mart, tạo ra không gian kết nối và giới thiệu sản phẩm mang thương hiệu Việt có chất lượng đến người tiêu dùng, tiết kiệm tối đa chi phí về marketing, truyền thông, sales, và giao nhận… cho doanh nghiệp, để cùng nhau gìn giữ phát triển thương hiệu Việt ngay trên đất Việt.

Happy Mart cũng là một trung gian kiểm chứng sản phẩm chất lượng, để người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm. Nếu công ty nào làm hàng kém chất lượng, chính Happy Mart sẽ là nơi đầu tiên "chống lại" công ty đó. Chúng tôi cũng là nơi kết nối các nhà đầu tư, các chuyên gia xây dựng thương hiệu, quản trị, marketing… nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển.

Với các tiêu chí trên, nếu doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng, Happy Mart sẽ hỗ trợ toàn bộ không gian trưng bày miễn phí cùng các kênh truyền thông, marketing, các dịch vụ giao nhận tận tâm, nhanh chóng.

Bắt đầu bằng cửa hàng đầu tiên, sau khi hoàn thiện quy trình quản lý, hệ thống sản phẩm, giao nhận… bằng công nghệ hiện đại, chúng tôi sẽ phát triển thành chuỗi siêu thị, tạo nên kênh phân phối rộng khắp. Đây là mô hình kinh tế chia sẻ vô cùng cần thiết cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Happy Mart sẵn sàng chia sẻ mô hình kinh doanh của mình đến tất cả các cá nhân, tập thể có cùng chí hướng mà không cần bất cứ khoản phí nào. Như vậy, việc mở rộng ra nhiều cửa hàng sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Vậy tinh thần nào mà chị theo đuổi, để có thể hiện thực hóa những “cửa hàng hạnh phúc”?

Happy Mart là ngôi nhà chung, có "ngoại hình" như một MT-Modern Trade (Kênh phân phối hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi) nhưng cách hoạt động rất khác biệt.

Cụ thể là "3 không" và "3 có": Không phí vào hàng; Không phí thuê kệ; Không tất cả các loại phí phát sinh như ở MT. Có một không gian trưng bày khoa học, đẹp mắt với đầy đủ dịch vụ phụ trợ: máy lạnh, bàn tiếp khách, nhân viên bán hàng... Có một không gian chia sẻ thân tình với khách hàng và các nhà cung cấp khác.

Có đội ngũ marketing thiết kế và thực thi những chiến dịch marketing chung và riêng cho từng nhãn hàng. Đây là mô hình kinh doanh đặc biệt mà Happy Mart là người đầu tiên sử dụng mô hình Sharing Trade (ST).

Để có thể biến mô hình lý tưởng này thành sự thật, tinh thần “Vui vẻ kết nối sẻ chia” là giá trị cốt lõi mà Happy Mart đang phấn đấu hướng đến.

Tại Happy Mart, mỗi đồng tiền bạn sử dụng đều mang đến 3 giá trị: Là niềm vui bạn nhận được khi mua sản phẩm đúng chất lượng và cam kết từ nhà sản xuất với giá phù hợp; Là giá trị kết nối mà Happ Mart cung cấp, kết nối sản phẩm Việt chất lượng đến tay người tiêu dùng; Là giá trị chia sẻ động viên mà bạn đã gián tiếp gửi đến cho các nhà sản xuất, động viên họ trên con đường xây dựng những thương hiệu Việt trong tương lai, lớn mạnh trên chính đất nước mình và vươn ra thế giới…

Happy Mart luôn chào đón sự chia sẻ và kết nối từ cộng đồng. Nếu bạn có hoặc biết sản phẩm 100% Việt Nam chất lượng, cam kết, hãy giới thiệu với Happy Mart; nếu không, mời bạn đến, cảm nhận và lan toả cho những sản phẩm mà bạn cảm thấy tin yêu…

Đó là những điều mà chúng tôi đang và sẽ luôn luôn phấn đấu để hướng đến, mong nhận được sự đồng hành của tất cả mọi người để cùng nhau xây dựng những thương hiệu Việt trong tương lai.

Nghe có vẻ quá… lý tưởng! Làm thế nào để chị truyền ngọn lửa của một doanh nghiệp xã hội đến với từng nhân viên của mình, để họ cũng xả thân như chị vì hàng Việt?

Chị hãy nhìn cô bé chăm sóc từng chút từng chút một trong Happy Mart kia, chắc là chị sẽ hiểu.

Chỉ có tình yêu lớn lắm trong trái tim mình thì các em mới làm được những công việc tỉ mỉ, để có một cửa hàng ấm áp, xinh đẹp như vậy.

Bạn không cần màu mè trong ứng xử đâu. Chỉ cần bạn chân tình trong trong từng mối quan hệ thì điều kỳ diệu luôn xuất hiện.

Ở đây luôn tràn ngập nụ cười. Chúng tôi khao khát đến cháy bỏng một ngày thật gần, Happy Mart vững mạnh và lan tỏa rộng khắp...

Khi ngoài kia có quá nhiều những đại siêu thị nhưng hoàn toàn không thuộc về chúng ta, và cuộc chơi hoàn toàn không cân sức cho tất cả những doanh nghiệp Việt.

Chúng tôi tin nỗi đau ấy không của riêng chúng tôi, mà thấu cảm của rất nhiều người Việt có tình yêu với quê hương này. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Tôi tin thế.

[BizSTORY] Trần Nhung: Người khởi tạo những “cửa hàng hạnh phúc” - Ảnh 1.
 Chị Nhung và chồng.

Sau một năm khởi nghiệp, chị thấy mình được gì, mất gì?

Sau 6 tháng, chúng tôi đã tạm cân bằng giữa thu và chi, còn trước đó thì… toàn bỏ tiền túi không à! Anh em trong công ty đều làm việc với tinh thần xả thân.

Nhờ có công ty Titan chuyên về thang máy của ông xã, nên anh em có thể làm một lúc hai việc, và quỹ lương do…Titan trả! Đến nay thì dòng tiền tạm ổn.

Nhưng cái được thì… vô giá. Tài nguyên bản địa của Việt Nam đã được hiện diện, hiện đã có 42 công ty trưng bày hàng tại Happy Mart và có hơn 300 mặt hàng hiện diện trên kệ (trung bình mỗi doanh nghiệp có khoảng 5 7 sản phẩm).

Thương hiệu yến sào Hải Yến Nha Trang trước đây phải thuê một showroom và một nhân viên bán hàng tại đó với chi phí khá cao, sau khi hợp tác với Happy Mart thì nơi đây giống như showroom của doanh nghiệp mà không phải mất chi phí thuê mặt bằng, nhân sự.... lại được truyền thông giới thiệu nên doanh số khá tốt.

Rượu Mẫu Sơn Đỉnh là đặc sản của vùng Đông Bắc được nấu bằng men lá của người Dao nhưng do điều kiện xa xôi không thể làm thị trường miền Nam. Nhưng sau khi kết hợp với Happy Mart hiện nay rượu Mẫu Sơn đã có một thị trường nhất định tại TP.HCM, được người tiêu dùng chấp nhận và đánh giá rất cao. Trước đây Mẫu Sơn Đỉnh đã 2 lần Nam tiến nhưng đều thất bại.

Bên cạnh đó còn có những sản phẩm độc đáo của bản địa như hạt mắc ca Việt, trà tan linh chi, bột nấm linh chi đỏ với bột gừng đưa dưỡng chất vào cơ thể rất nhanh, giúp tăng cường đề kháng và giải độc cho gan cực tốt.

Hay bánh tráng mè mắm ruốc nướng thật giòn có vị mằn mặn cay cay, ăn là ghiền.

Niềm vui của Happy Mart là được giới thiệu đến mọi người những sản phẩm hỗ trợ cho sức khoẻ bằng những sản vật được trồng trọt tại đất nước thân yêu của chúng ta.

Đặc biệt anh Phạm Minh Thiện, chủ nhân thương hiệu gạo sạch Cỏ May ở Đồng Tháp, đích thân đến đây, cảm được tinh thần của Happy Mart, đã đưa hạt gạo “Hiểu về trái tim” của anh vào hệ thống.

Với 4 dòng gạo chính như Long Châu, Ngọc Sa, Hiểu về trái tim, Bốn mùa… anh còn khuyến mãi cho bà con khi mua bất cứ 5kg gạo thuộc dòng gạo nào cũng đều được tặng 1kg gạo Long Châu 66…

Khi tình yêu đủ lớn thì tự nhiên lan đến trái tim…

[BizSTORY] Trần Nhung: Người khởi tạo những “cửa hàng hạnh phúc” - Ảnh 2.
Chị Nhung và các cộng sự.  

Khó khăn nhất với chị bây giờ là gì?

Sống với đam mê chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng, từng bước từng bước một, chúng tôi vẫn kiên trì trong hành trình mang đến cho khách hàng những sản phẩm tử tế. Khi chúng ta vui vẻ với nhau thì việc gì cũng có thể làm cùng nhau, còn ngược lại thì nhìn mặt nhau còn không thèm nhìn nói chi đến việc hợp tác.

Mô hình này đòi hỏi một niềm tin mãnh liệt và sự chân thật mới cảm được các chủ doanh nghiệp và nhân sự bên dưới. Khó khăn nhất với chúng tôi bây giờ là khá nhiều doanh nghiệp “giả” Happy Mart.

Người Việt Nam kỳ lắm, nhiều người đang lấy mô hình của tôi để kêu gọi đầu tư, nhưng rất khó, vì nếu lạm dụng vốn của người ta, không kiểm soát được nguồn hàng, không thực tâm, bị cuốn vô hào quang sẽ giết chết mình ngay, tiêu hết cả cuộc đời kinh doanh.

Happy Mart có lợi thế cực lớn, hàng đem vô đủ giấy tờ, có màng  lọc cực lớn từ người tiêu dùng, cả cộng đồng đến đó mua mà, ai làm bậy chỉ cần mình la lên. Cuộc chơi công bằng, ai cũng được hưởng mà…

Mô hình Happy Mart có thể bị copy nhưng giá trị tinh thần thì không thể copy được. Chúng tôi làm trong cảm xúc yêu thương… như đứa con ruột của mình, nó đau chỗ nào mình biết rất nhanh.

Rất nhiều người muốn làm mô hình này, nhưng nếu làm không chuẩn, khách hàng chửi mình trên Facebook cũng phát điên rồi.

Tôi rất sợ sự hào nhoáng, háo danh là… hư hình luôn!

Ở đây cứ ngày 10, 25 trong tháng là trả tiền cho doanh nghiệp, để họ có tiền xoay vòng, khỏi bị nhốt vốn, mình cũng khỏi lo.

Tôi mong mô hình trong tương lai sẽ là một chuỗi siêu thị rộng khắp Việt Nam, sau đó sẽ cùng các đối tác nâng cao chất lượng sản phẩm để cùng nhau tiến ra sân chơi lớn hơn.

Hiện rất nhiều cá nhân, nhà đầu tư xin đăng ký chuyển giao mô hình, nhưng tôi muốn xây dựng quy trình hoàn chỉnh với chi phí thấp nhất, sau đó mới chuyển giao.

Tôi cố gắng trang bị kỹ năng, dạy cho các em sinh viên cách truyền cảm xúc, mình không làm cho mình, mà làm cho xã hội. Niềm vui của các em khi thấy những doanh nghiệp bán được hàng dễ thương lắm…

Lúc đầu tôi cũng không biết nghĩ lớn vậy đâu, tự dưng càng làm càng hình dung ra câu chuyện.

Trong cái khó ló cái khôn, tự tay mình làm từng món hàng, sinh viên rất sáng tạo, đôi khi mình nghĩ một, các em nghĩ tới 10 luôn.

Cố gắng làm sao cho người ta có cảm tình, yêu mến.

Thực ra mấy bạn khởi nghiệp chết là sau khi bùng phát, cần nhờ chuyên gia giúp các bạn, để có lợi nhuận khổng lồ, trước tiên có chuỗi để bán hàng.

Mình cũng đâu có dành khách của ai. Cứ nỗ lực làm cho tốt, người tiêu dùng tin tưởng thì mình sẽ sống.

Vì sao đang sống yên ổn với công việc kinh doanh của gia đình là thang máy Titan, chị lại quyết định dấn thân, khởi nghiệp với Happy Mart?

 Hồi xưa mình hay đi làm từ thiện cho chùa, bố thí gạo, đó chỉ là cái ngọn.

Làm Happy Mart mới là cái gốc. Những người có tâm nhìn ra rất nhanh, các chuyên gia cũng đến hỗ trợ nhiều nhờ thế.

Nhiều lúc tôi ngồi cười hoài, thấy mình “lời” quá, đó là sự yêu mến của mọi người.

Làm Happy Mart phải học thêm nhiều thứ, gặp gỡ nhiều người. Xưa giờ tôi không thích đọc con số. Giờ tôi phải ngồi trên máy tính, học cách đọc con số… chuẩn bị dòng tiền.

Mình đâu phải người giàu có gì, bày ra vì đam mê, ông chồng chỉ thích bình yên thôi, nhiều khi cũng lo vì không khéo lấy Titan nuôi hoài, một ngày Titan vỡ thì sao? Lúc ấy vợ chồng lại không ổn.

Rất may, nhờ Happy Mart người ta biết mình làm ăn lương thiện, tin tưởng, vì thang máy liên quan đến an toàn mà, tự nhiên Titan phát triển hơn…

Đó là tích phước cho mình đó, mà đâu có tốn tiền. Không phải tự nhiên mình làm việc… tào lao.

Nhiều người nhà giàu nứt trứng luôn, nhưng con cái lại hư hỏng, bị bệnh mới lo đi làm từ thiện.

Những người có tri thức trong ngành chế biến nông nghiệp đang chuyển sang khởi nghiệp, họ làm thật, không còn sống ảo nữa rồi, đó là điều mình vui cực kỳ.

Ai chê bai xã hội chứ tôi đang thấy nhờ họ mà mọi thứ tốt dần lên, xã hội có thực phẩm sạch, kinh doanh lương thiện, không xảo trá để được tiền cho riêng mình…

Bởi vậy tôi rất hay xúc động khi thấy các em khởi nghiệp vướng khổ ải vì không bán được hàng, bị ép giá, bị gánh đủ các loại phí…

[BizSTORY] Trần Nhung: Người khởi tạo những “cửa hàng hạnh phúc” - Ảnh 3.
 Chị Nhung cùng cộng sự và một số nhân viên Happy Mart.

Tôi vẫn cùng nhân viên và doanh nghiệp gắn với nhà nông, để họ hiểu giá trị của mình, có động lực để làm ra sản phẩm tốt cho xã hội. Như thế họ sẽ không bao giờ đánh đổi giá trị của mình, cả cộng đồng đều hưởng lợi.

Nhưng muốn vậy, trước tiên phải làm được hệ thống phân phối này, nếu không thì… zero! Mình đánh du kích kiểu này nhưng nếu nhân rộng thì sức mạnh vô cùng lớn.

Chị còn đang chuẩn bị khởi động chương trình đi chợ cho những người bận rộn?

Tôi đang cùng các chuyên gia dinh dưỡng tính một giỏ hàng có bữa ăn chuẩn cho bà nội trợ, lên barem thức ăn cho cả tuần với thực phẩm sạch và chi phí tiết kiệm nhất.

Có thể điều trị bệnh bằng thức ăn nữa... rất nhiều người có nhu cầu này, chỉ cần liên kết với những người làm thực phẩm sạch. Như vậy đàn ông và phụ nữ đều có thể vào bếp, vì ai cũng bận rộn như nhau…

Khi vào bệnh viện, nhìn thấy trẻ em bị bệnh ung thư quá trời, mình đau lắm, không cho phép mình làm chơi chơi như xưa nữa.

Riêng chuyện sữa thôi cũng là cả một câu chuyện đau đầu, các bà mẹ thi nhau mua sữa ngoại cho con, mấy nông trại lỗ biết bao nhiêu tiền nhưng vẫn phải làm ra thực phẩm sạch để có thực phẩm cho con cháu mình ăn mà.

Tôi cũng là người tiêu dùng, cảm sao làm vậy, đơn giản thôi. Những người già về hưu còn sức khỏe, tận dụng ngôi nhà, tạo ra những cửa hàng hạnh phúc như thế này thì đâu cầu đi tu, ở ngoài đời làm việc có ích cho xã hội tốt hơn nhiều.

Tôi chỉ ước có tiền mở thêm mấy điểm nữa, có tầng trống cho bạn họa sĩ dạy vẽ, bạn dạy nấu ăn, làm bánh, cho những bè bạn, nhà tư vấn đến gặp khách hàng, doanh nghiệp lớn gặp doanh nghiệp nhỏ… đó là mô hình tôi mơ ước, không cần quá to, để tạo được sự ấm áp, chân tình…

Theo Kim Yến

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên