MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ 100 triệu đồng mở quán ăn nhưng đóng cửa chỉ sau 15 ngày và bài học xương máu

20-07-2023 - 20:50 PM | Sống

Ban đầu, quyết định mở cửa hàng của anh chàng không nhận được đồng tình từ gia đình và bạn bè.

“Mình chọn khởi nghiệp ở tuổi 20 vì niềm đam mê với kinh doanh. Hơn nữa, một lý do quan trọng khác là bố mẹ đã già, nên bản thân càng cần nỗ lực để tìm hướng đi mới”, Hữu Khả - chàng trai sinh năm 2003 (Thanh Hoá) - nói về hai lần mở cửa hàng ở tuổi đôi mươi.

Ở tuổi của Khả, nếu như nhiều bạn đồng trang lứa còn đau đầu với chuyện sách vở thì chàng trai đã làm đủ mọi nghề, trải qua một lần kinh doanh thất bại, nợ hàng chục triệu rồi tự vực dậy để tìm kiếm cơ hội mới.

Nếu như trước đây, khởi nghiệp là một khái niệm to tát thì giờ đây với thế hệ GenZ, chỉ cần nắm vài chục triệu, có khả năng học hỏi và sự liều lĩnh, họ đã sẵn sàng bắt tay tự mở mô hình kinh doanh riêng. 

20 tuổi bỏ 100 triệu mở cửa hàng đồ ăn, đóng cửa chỉ sau 15 ngày

Khả bắt đầu kiếm tiền từ năm 16 tuổi. Công việc “kinh doanh" đầu tiên của anh chàng là bán đồ ăn sáng cho bạn cùng trường. Ngoài giờ học, Khả còn đi làm thêm ở quán ăn gần nhà để tăng thêm thu nhập.

Sau này đỗ trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội), Khả bắt đầu nhận nhiều công việc làm thêm để giảm bớt gánh nặng tài chính cho bố mẹ ở quê. Đỉnh điểm vào tháng 9/2022, Khả làm cùng lúc 4 công việc là shipper, vận đơn, trông xe tại sân bóng và thỉnh thoảng nhận bốc vác vào ban đêm. 

Sau thời gian dài làm việc, anh chàng tích góp được một khoản tiền và gửi về quê nhờ mẹ giữ giúp. Đó cũng là nền tảng tài chính ban đầu cho Khả lấy vốn mở cửa hàng sau này. 

Bỏ 100 triệu đồng mở quán ăn nhưng đóng cửa chỉ sau 15 ngày và bài học xương máu - Ảnh 1.

Từ khi lên đại học, Khả đã làm nhiều công việc để gia tăng thu nhập. Có một lần khi giao hàng vào trời mưa lúc đêm khuya, Khả bị thương vì ngã xe máy - đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến anh chàng quyết tâm rời nghề và tự mở kinh doanh riêng

Trước khi tự mình điều hành mô hình kinh doanh riêng, Khả đã làm quản lý cho một cửa hàng đồ ăn ở Hà Nội. Anh chàng nói giữa “làm chủ" và “làm quản lý" là sự khác biệt rõ rệt. Mà nói đơn giản, “làm chủ” cửa hàng sẽ phải đối diện với nhiều áp lực và trách nhiệm hơn.

“Trước kia, mình làm quản lý cửa hàng thì chỉ quan tâm về mặt nhân sự, nguồn hàng và một số vấn đề khác. Còn kinh doanh riêng, mình cần bao quát bao quát tất cả mọi thứ từ thực phẩm, khâu vệ sinh, cách tiếp cận và chăm sóc khách hàng, marketing, quản trị vấn đề… Do đó, làm chủ hẳn sẽ khó khăn và vất vả hơn”.

Việc mở cửa hàng với một chàng trai tuổi 20 quả thực không dễ dàng. Khó khăn đầu tiên đến từ nguồn vốn. 

“Số tiền mình bỏ ra để khởi nghiệp là 100 triệu đồng. Trong số đó, mình chỉ có một chút ít, còn lại là vay mượn từ bố mẹ và chú dì. Mình dùng 30 triệu đồng để sang nhượng mặt bằng và mua lại ít đồ ở quán cũ. 70 triệu đồng còn lại, mình dùng để tu sửa quán và mua đồ dùng", Khả kể.

Sau khi có đủ vốn rồi, những khó khăn trong quá trình xây dựng cửa hàng tiếp tục ập đến: “Mình bắt đầu sửa lại quán để kinh doanh từ đầu tháng 6. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, lại không tính toán kỹ nên tiền tu sửa mặt bằng của mình bị độn lên khoảng 20 triệu đồng. Để tiết kiệm, mình cũng đến tận nơi tham gia sửa lại quán, gỡ gạc lại chi phí. Thời điểm đó, mình làm từ 7h sáng - 8h tối mới được nghỉ ngơi.

Đến ngày khai trương thì mình cạn vốn, không còn vốn để xoay vòng kinh doanh. Những ngày đầu mở quán, cách duy nhất để tiếp tục kinh doanh là dùng tiền bán được hàng để lấy vốn xoay vòng”, Khả nhớ lại.

Để tiết kiệm chi phí, Khả cũng bắt tay vào sửa lại quán để "bớt đồng nào hay đồng đó"

Những ngày đầu mở cửa hàng, quán Khả duy trì lượng khách ổn định. Sau 10 ngày đầu tiên, Khả nhận về doanh thu 20 triệu đồng. Tuy nhiên, do Khả đầu tư mạnh về thực phẩm nên sau khi bù trừ khoản chi phí, quán của chàng trai gần như không có đồng lợi nhuận.

Càng về sau, lượng khách đến quán ít dần. Cuối cùng, Khả quyết định đóng cửa hàng chỉ sau 15 ngày khai trương.

Nói về nguyên nhân khiến lần khởi nghiệp đầu tiên thất bại, Khả chia sẻ: “Thời gian mới mở quán, mình may mắn nhận được một vài review tích cực trên mạng xã hội. Ngoài ra, mình cũng chạy quảng cáo và làm chương trình thu hút khách hàng như giảm giá sản phẩm.

Sau đó, đáng tiếc là quán mình không còn vốn xoay vòng để tiếp tục kinh doanh. Ngoài ra, mình và một người bạn làm chung không còn tìm được tiếng nói chung. Việc đóng quán cũng là hệ quả tất yếu".

Bài học rút ra cho lần khởi nghiệp thứ hai

Dù đã đóng cửa hàng nhưng Khả vẫn nhận được nhiều tin nhắn hỏi thăm từ khách hàng cũ. Đây cũng là động lực để anh chàng tiếp tục mở lại cửa hàng chỉ sau 10 ngày tự tay “dẹp tiệm" vì làm ăn thua lỗ.

Tạm gác những điều không may trước đó, Khả đã rút ra một số bài học cho bản thân sau lần làm ăn đầu thất bại. Khả chia sẻ:

- Về nguồn vốn: Trước đó, cửa hàng Khả đóng cửa vì có vốn và nguồn lực hạn chế. Do đó, trong lần kinh doanh này, anh chàng đã mượn thêm tiền và kêu gọi các nhà đầu tư có nguồn vốn cao hơn, nhằm có đủ kinh phí để liên tục xoay vòng kinh doanh. 

Được biết, mỗi tháng Khả mất 35 triệu đồng để vận hành quán. Bao gồm 12 triệu đồng tiền mặt bằng, 15 triệu tiền thuê nhân viên, 3 triệu tiền điện nước, còn lại là chi phí phát sinh khác.

- Về mặt bằng và cách vận hành: Khả đã cải thiện khâu vận hành quán từ thái độ phục vụ của nhân viên cho đến quy trình dịch vụ. Ngoài ra, anh chàng, còn sửa lại mặt bằng quán lần 2. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên Khả chọn kinh doanh đến đâu, sửa cửa hàng đến đó.

- Về sản phẩm: Chàng trai vẫn giữ nguyên mô hình kinh doanh là buffet đồ ăn giá bình dân. Tuy nhiên, Khả đổi từ buffet bánh cuốn sang bán bánh mì chảo và bánh khoái để phù hợp với khẩu vị của khách hàng, cũng như tiềm lực của quán.

Sau vài tháng đi vào hoạt động, tình hình kinh doanh của quán dần đi vào ổn định. Khởi nghiệp không bao giờ là con đường chỉ toàn “màu hồng" và Khả đồng tình với nhận định này.

Với những người trẻ định tìm hướng đi bằng cách mở quán ăn, Khả nhắn nhủ: “Mình nghĩ bạn nên tính toán kỹ lưỡng chi phí để tìm kiếm đủ nguồn lực cả về con người và vật chất phù hợp cho con đường kinh doanh sau này. 

Biết là kinh doanh khó, nhưng nếu người trẻ muốn khởi nghiệp thì bạn có thể chọn cách làm ngay từ bây giờ, sau đó học hỏi dần kinh nghiệm. Nếu có thất bại thì đừng vội bỏ cuộc hay nản chí.

Bên cạnh đó, bạn nên cố gắng kiên trì tích lũy đầy đủ về kiến thức, kinh nghiệm và nguồn vốn. Khởi nghiệp trong ngành F&B không dễ vì chúng ta khó kiểm soát rủi ro, cũng như có rất nhiều vấn đề phát sinh có thể ập đến".

Theo Vân Anh - Ảnh NVCC

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên