Bỏ áp trần giá sữa: Khách hàng sẽ hưởng lợi
Ngay sau khi tiếp nhận việc quản lý giá sữa từ Bộ Tài chính (từ ngày 1-1-2017), Bộ Công Thương đã công bố kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, áp dụng đến hết tháng 3-2017. Cơ chế quản lý giá sữa theo hướng bỏ áp trần, chuyển từ đăng ký giá sang kê khai giá đang được Bộ Công Thương gấp rút xây dựng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ áp trần sẽ giúp giá sữa trở nên cạnh tranh, người tiêu dùng được hưởng lợi khi mua sữa với mức giá phù hợp.
- 19-04-2017Bỏ trần giá sữa, người tiêu dùng được lợi
- 17-04-2017Hai DN thông báo giảm 3-10% giá sữa
- 17-04-2017Giá sữa vẫn ổn định sau nửa tháng ngừng “bình ổn”
Áp trần giá sữa, doanh nghiệp gặp khó
Số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen cho thấy, thị trường sữa công thức dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại Việt Nam đã giảm 11% về số lượng trong vòng 12 tháng từ khi quyết định áp giá trần có hiệu lực. Có doanh nghiệp (DN) đã phải đóng cửa và rút khỏi thị trường Việt Nam vì gặp nhiều khó khăn. Do đó, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng (NFG), Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đề xuất gỡ bỏ chính sách giá trần, cho phép quay trở lại với cơ chế giá do thị trường quyết định. Quy định áp trần giá sữa cũng khiến nhiều nhà sản xuất sữa trong nước không thuận lợi. Đại diện Công ty CP Sữa Vinamilk cho rằng, áp trần giá sữa tạo ra một “sân chơi” không công bằng giữa các DN sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Hiện, giá sữa bột của Vinamilk đang thấp hơn một nửa so với các sản phẩm cùng loại, có cùng chất lượng. Nếu tiếp tục bị áp giá trần xuống thấp hơn 20% so với giá bán hiện tại, DN sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nhận xét về việc áp trần giá sữa trong thời gian qua, ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, xét về ngắn hạn, việc áp giá trần sẽ khiến người mua được hưởng giá sữa thấp hơn. Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, áp giá trần lại hạn chế việc đầu tư phát triển và cải tiến sản phẩm, giảm cạnh tranh giữa các nhà sản xuất. Điều này đi ngược với quy luật cạnh tranh lành mạnh của kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, giá sữa tại Việt Nam thời gian qua ở mức cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Nếu bỏ áp trần giá sữa, giá mặt hàng này có thể tăng cao, thậm chí xảy ra tình trạng “loạn” giá. Song, theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, tình trạng này không bắt nguồn từ việc áp hay bỏ giá trần mà do khâu quản lý còn yếu kém. Bỏ trần giá sữa là việc cần làm, đáng lẽ nên làm từ lâu, bởi việc này khiên cưỡng, đi ngược quy luật của thị trường. Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập kinh tế, mỗi DN lại có nguồn cung nguyên liệu, sữa có công thức thành phần khác nhau, nên việc áp chung một mức giá trần là bất hợp lý.
Khảo sát thực tế tại các cửa hàng, siêu thị hiện nay cũng cho thấy, nhiều mặt hàng sữa đang bán thấp hơn giá trần. Tại siêu thị Big C, giá trần một hộp sữa bột Dielac Alpha Step 3 (900 gram) dành cho trẻ từ 1 đến 2 tuổi là 176.924 đồng, giá bán đến người tiêu dùng là 175.900 đồng; mặt hàng sữa Dielac Pedia 2+ (900 gram) có mức giá trần 294.000 đồng, trong khi giá bán là 293.500 đồng. Chị Thanh Hà, chủ đại lý kinh doanh sữa tại quận Hoàn Kiếm cho biết, phương án để DN tự kê khai giá sẽ giúp các đại lý có thể lựa chọn cách bán hàng phù hợp nhất để giá sản phẩm đến người tiêu dùng hợp lý hơn.
Tăng, giảm 5% giá phải kê khai
Để hoàn thiện cơ chế quản lý giá sữa, Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến của người dân về thông tư quy định đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo dự thảo, thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng phải thông báo mức giá thay cho văn bản kê khai giá khi điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Thương nhân gửi thông báo này đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận văn bản kê khai giá theo phân cấp. Trường hợp cộng dồn các lần điều chỉnh tăng, giảm giá liên tục theo hình thức gửi thông báo mức giá trên mà vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, thương nhân phải kê khai giá theo quy định. Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả...
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hiện tại có tới 100 DN với hàng nghìn nhãn hiệu sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi cần kê khai giá.
Vì vậy, việc giám sát kê khai sẽ không đơn giản, buộc cơ quan quản lý phải kiểm soát các yếu tố hình thành giá sữa từ chi phí nhập khẩu, sản xuất lưu thông trong nước đến các loại thuế, chính sách về tiền lương, khấu hao... Về vấn đề này, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để kiểm soát tốt những yếu tố cấu thành giá sữa, Bộ Công Thương đề xuất gắn trách nhiệm của DN nhập khẩu, sản xuất với giá thành cuối cùng của sản phẩm. Điều đó có nghĩa không một cửa hàng, điểm bán nào được bán giá vượt mức DN đã kê khai, hoặc đăng ký. Nếu trường hợp các DN sữa câu kết với nhau tiết giảm nguồn cung để đẩy giá sẽ không quá lo ngại vì đã có Luật Cạnh tranh và Luật Giá.
Thực tế cũng cho thấy, mỗi hãng sữa đều chịu áp lực mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh số. Việc bắt tay tăng giá sẽ khiến người tiêu dùng không lựa chọn sản phẩm giá cao bất hợp lý mà sẽ chuyển sang dùng các loại sữa khác phù hợp. Những DN bắt tay tăng giá còn có nguy cơ bị cơ quan quản lý áp dụng giá tham chiếu khi phát hiện các hành vi tăng giá bất hợp lý. Vì vậy, việc bỏ trần sẽ giúp giá sữa trở nên cạnh tranh, người tiêu dùng được mua sữa với mức giá phù hợp.
Hà nội mới