MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện nhưng lại đau đầu: Chọn bếp từ hay hồng ngoại bây giờ?

10-09-2021 - 20:59 PM | Sống

Bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện nhưng lại đau đầu: Chọn bếp từ hay hồng ngoại bây giờ?

Tất cả các loại bếp dùng điện đều gọi chung là bếp điện, tuy nhiên nhiều người thậm chí còn không phân biệt được đâu là bếp từ, đâu là bếp hồng ngoại nên đã "ôm hận" vì mua phải sản phẩm không như ý muốn.

Xu hướng bỏ bếp gas, chuyển sang bếp điện đang nở rộ mạnh mẽ ở nhiều gia đình. Tuy nhiên, bếp điện cũng có "điện this, điện that" khiến người tiêu dùng bối rối và đắn đo. Nhiều người thậm chí còn không phân biệt được đâu là bếp từ, đâu là bếp hồng ngoại nên đã "ôm hận" vì mua phải sản phẩm không như ý muốn. Trong bài này chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bếp điện nhé!

Tất cả các loại bếp dùng điện đều gọi chung là bếp điện, tuy nhiên phổ biến nhất hiện nay trong các dòng bếp điện là bếp từ và bếp hồng ngoại. Chúng tuy có một vài điểm giống nhau nhưng cấu tạo, cách thức hoạt động, hiệu suất,... thì lại khác nhau rất xa.

Bếp từ là gì?

Bếp từ là loại bếp điện hoạt động trên nguyên lý tăng nhiệt nhờ từ trường. Bên dưới mặt kính của bếp có cuộn dây kim loại, Khi bếp hoạt động, dòng điện chạy qua cuộn dây này và sinh ra dòng từ trường trong phạm vi vài milimet trên mặt bếp.

Bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện nhưng lại đau đầu: Chọn bếp từ hay hồng ngoại bây giờ? - Ảnh 1.

Bên trong một chiếc bếp từ

Khi đặt nồi (chảo) làm bằng vật liệu nhiễm từ (có thể hút được nam châm) lên mặt bếp thì đáy nồi sẽ bị từ trường của cuộn dây tác động và tự sinh ra nhiệt để làm nóng đồ ăn trong nồi. Cơ chế làm nóng này của bếp từ giúp làm giảm khả năng thất thoát nhiệt, đồng thời thời gian nấu cũng rất nhanh.

Bếp hồng ngoại là gì?

Trong khi đó, bếp hồng ngoại hoạt động dựa theo nguyên lý bức xạ nhiệt. Thay vì dùng cuộn dây, phía dưới mặt kính của bếp hồng ngoại là mâm nhiệt.

Bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện nhưng lại đau đầu: Chọn bếp từ hay hồng ngoại bây giờ? - Ảnh 2.

Bên trong một chiếc bếp hồng ngoại đơn sử dụng mâm nhiệt là dây mayso

Mâm nhiệt của bếp hồng ngoại có 2 loại: một là dây mayso, hai là bóng đèn halogen. Chúng có vai trò sinh nhiệt làm nóng khu vực mặt kính dưới đáy nồi nên chúng ta sẽ nhìn thấy vòng tròn màu đỏ hồng rất nóng khi bếp hồng ngoại hoạt động.

Như vậy, ở bếp từ, bộ phận sinh nhiệt chính là đáy nồi (chảo), còn ở bếp hồng ngoại thì mâm nhiệt sinh nhiệt, làm nóng mặt kính rồi lượng nhiệt này mới tiếp tục làm nóng tới đáy nồi.

1. So sánh về ngoại quan

Bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện nhưng lại đau đầu: Chọn bếp từ hay hồng ngoại bây giờ? - Ảnh 3.

Trên mặt kính của bếp từ thường có dòng chữ "Induction" (tiếng Anh) hoặc "Induktion" (tiếng Đức).

Cả 2 loại bếp này đều có nhiều kiểu dáng thiết kế và lựa chọn: bếp đơn, đôi, nhiều vùng nấu, bếp âm/dương,... Nhìn từ xa thì khó phân biệt được đâu là bếp từ, đâu là bếp hồng ngoại bởi chúng đều có mặt kính và viền kim loại khá sang trọng, bắt mắt.

Bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện nhưng lại đau đầu: Chọn bếp từ hay hồng ngoại bây giờ? - Ảnh 4.

Với bếp hồng ngoại đơn thì có thể có núm vặn chỉnh nhiệt độ.

Điểm khác biệt lớn nhất, dễ nhận thấy nhất ở 2 loại bếp điện này là vòng tròn đỏ hồng cùng nhiệt lượng tỏa ra đặc trưng khi hoạt động của bếp hồng ngoại, trong khi bếp từ thì không có.

Bếp từ khi đun nấu lâu ngày thì mặt kính sẽ ít bị ố, còn bếp hồng ngoại sẽ nhanh bị ố ở vùng nấu do đây là khu vực luôn bị đốt nóng khi bếp hoạt động.

Như vậy, về lâu dài thì bếp từ sẽ lâu bị xuống mã hơn bếp hồng ngoại.

2. So sánh về tuổi thọ

Do khác nhau về cách thức hoạt động nên bếp từ ít sinh nhiệt, còn bếp hồng ngoại tỏa nhiệt rất lớn. Mà như chúng ta đều biết, đồ điện tử sẽ nhanh bị lão hóa, trục trặc trong môi trường nhiệt độ cao và thời gian dài và cụ thể bộ phận dễ hỏng nhất của bếp hồng ngoại chính là mâm nhiệt.

Bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện nhưng lại đau đầu: Chọn bếp từ hay hồng ngoại bây giờ? - Ảnh 5.

Mặt kính của bếp hồng ngoại dễ nứt vỡ nếu bị gặp nước đột ngột khi đang còn nóng

Như vậy, tuổi thọ của bếp từ chắc chắn cao hơn tuổi thọ của bếp hồng ngoại.

3. So sánh về hiệu suất

Tới đây thì có lẽ các bạn cũng đã nhận thấy được giữa bếp từ và bếp hồng ngoại có sự khác nhau thế nào về hiệu suất rồi. Bếp từ có hiệu suất trên 90%, còn bếp hồng ngoại do phải làm nóng gián tiếp nên hiệu suất chỉ cỡ khoảng 60 đến 70%, phần năng lượng còn lại bị thất thoát ra môi trường.

Như vậy, hiệu suất của bếp hồng ngoại kém hơn bếp từ.

4. So sánh về tốc độ đun nấu

Bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện nhưng lại đau đầu: Chọn bếp từ hay hồng ngoại bây giờ? - Ảnh 6.

So sánh thời gian đun nước giữa bếp hồng ngoại và bếp từ

Bếp từ làm nóng nồi rất nhanh do không cần phải làm nóng mặt bếp, trong khi bếp hồng ngoại phải tốn thời gian làm mặt bếp nóng lên mới truyền nhiệt đến nồi.

Như vậy, tốc độ làm nóng của bếp hồng ngoại cũng thua bếp từ.

5. So sánh về tính an toàn

Bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện nhưng lại đau đầu: Chọn bếp từ hay hồng ngoại bây giờ? - Ảnh 7.

Bộ phận sinh nhiệt khi dùng bếp từ là chính đáy nồi

Bếp từ chỉ hoạt động khi có nồi (chảo) phù hợp đặt lên trên. Nếu trong vùng nấu trên mặt bếp không có nồi, hoặc nồi không thích hợp thì bếp sẽ báo lỗi. Trong khi đó, bếp hồng ngoại luôn sẵn sàng vận hành khi được bật.

Bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện nhưng lại đau đầu: Chọn bếp từ hay hồng ngoại bây giờ? - Ảnh 8.

Trong khi bếp hồng ngoại sinh nhiệt bằng mâm từ bên dưới mặt kính

Nhiệt của bếp từ sinh ra trên đáy nồi, trong khi nhiệt của bếp hồng ngoại sinh ra bởi mâm nhiệt nằm dưới mặt kính nên bếp từ ít tỏa nhiệt còn bếp hồng ngoại thì rất nóng, khả năng gây bỏng cao.

Khi tắt bếp, bếp từ sẽ nguội nhanh hơn bếp hồng ngoại nên ít xảy ra nguy cơ bỏng nếu lỡ tay chạm vào.

Như vậy, bếp từ an toàn hơn bếp hồng ngoại.

6. So sánh về tính kinh tế

Bếp từ đun nấu nhanh với hiệu suất cao lên đến trên 90%, còn bếp hồng ngoại thì mất thời gian làm nóng, đun nấu chậm hơn so với bếp từ, cũng như hiệu suất đun nấu chỉ đạt ở mức 60% - 70%.

Như vậy, chắc chắn sử dụng bếp từ sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn so với bếp hồng ngoại.

7. So sánh về độ tiện dụng

Bếp từ "kén" nồi nên chỉ đun nấu được với các loại xoong, nồi có đáy nhiễm từ (đáy nồi có chứa sắt, hoặc inox nhiễm từ), còn ngoài ra khó làm được việc gì khác.

Bỏ bếp gas chuyển sang bếp điện nhưng lại đau đầu: Chọn bếp từ hay hồng ngoại bây giờ? - Ảnh 9.

Bếp hồng ngoại không kén nồi, mọi chất liệu như nhôm, gốm sứ, thủy tinh... đều cân được

Trong khi đó, bếp hồng ngoại dùng được với mọi loại nồi: nhôm, sứ, thủy tinh hay thậm chí là nồi đất nung... Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể nướng đồ trực tiếp như mực, cá, thịt, ngô,... trên mặt bếp hồng ngoại.

Như vậy, bếp hồng ngoại đa dụng hơn bếp từ.

Tổng kết

Với quá ít ưu điểm so với bếp từ, việc lựa chọn bếp hồng ngoại sẽ là sai lầm nếu bạn đề cao tính an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và tốc độ nấu nướng khi quyết định từ bỏ bếp gas để chuyển sang bếp điện.

Trong khi đó, bếp hồng ngoại sẽ phù hợp nếu:

Bạn muốn tận dụng được các nồi chảo sẵn có của gia đình mà không phải mua mới để tiết kiệm chi phí tối đa.

Có nhu cầu chế biến các món nướng nhiều.

Không lo lắng về việc bếp sẽ bị nóng khi nấu ăn.

Theo PNM

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên