Bỏ biên chế: Cú sốc lớn cho nhiều giáo viên
Việc áp dụng chủ trương bỏ biên chế để thay bằng hợp đồng lao động sẽ gây ra cú sốc lớn về tinh thần cho nhiều giáo viên.
- 27-05-2017Bỏ biên chế giáo viên: Sẽ trình Trung ương xem xét
- 25-05-2017Bộ trưởng Giáo dục: Tôi day dứt vì thu nhập giáo viên thấp
- 24-05-2017Ý kiến trái chiều về đề xuất thí điểm bỏ công chức, viên chức đối với giáo viên
- 22-05-2017Bộ trưởng Giáo dục giải thích việc thí điểm không còn viên chức giáo viên
- 02-05-2017Bức thư gây sốt của bà mẹ gửi tới giáo viên khiến các bậc phụ huynh phải suy ngẫm lại cách nuôi dạy con
Bỏ biên chế để thay bằng hợp đồng lao động – đây là chủ đề đang được hơn 1 triệu giáo viên đặc biệt quan tâm. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu việc thí điểm này được chấp thuận thì nên được áp dụng với những trường hợp nào, khu vực giáo dục nào là phù hợp? Chế độ đãi ngộ giáo viên dạng ký hợp đồng có gì khác biệt so với cơ chế trả lương hiện nay không?
Đây là những câu hỏi được đề cập trong chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của PGS. TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Đánh giá về chủ chương sử dụng hợp đồng lao động đối với giáo viên thay vì biên chế như trước đây, PGS. TS Hoàng Văn Cường cho biết đây vốn là một vấn đề phổ biến trong ngành giáo dục ở một số nước phát triển bởi nhiều ưu điểm như khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu của người học là được lựa chọn giáo viên, tạo cảm giác hứng khởi, đam mê học tập cho người học.
Tuy nhiên, cũng theo PGS. TS Hoàng Văn Cường, chủ trương này khi áp dụng tại Việt Nam có thể gây "sốc" với nhiều người, đặc biệt là những giáo viên lâu năm vì tâm lý người Việt xưa nay vẫn là "thà ăn đói nằm co còn hơn ăn no vác nặng", thà biên chế lương thấp còn hơn hợp đồng lương cao.
Có thể nói, việc xóa bỏ biên chế sẽ tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho các giáo viên trong diện hợp đồng và tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều sinh viên mới ra trường. Thế nhưng, với giáo viên miền núi, nỗi lo bỏ biên chế sẽ còn áp lực hơn bởi có người đã phải đánh đổi rất nhiều khi quyết định gắn bó với vùng sâu, vùng xa.
Trong khi nhiều giáo viên vùng núi lo lắng về khả năng giảm tiền lương cũng như chế độ đãi ngộ khi bỏ biên chế, PGS.TS Hoàng Văn Cường lại cho rằng hiểu như vậy về chủ trương mới này là chưa chính xác. Ông chia sẻ: "Về bản chất, chuyển biên chế sang hợp đồng chỉ khác nhau về ràng buộc. Khi chuyển sang hợp đồng, các giáo viên vẫn nhận đầy đủ chế độ như biên chế, chỉ khác về thời hạn hợp đồng sẽ được xem xét lại thường xuyên và có thể bị chấm dứt hợp đồng nếu như vi phạm. Nếu làm việc tốt, thu nhập của các giáo viên hợp đồng sẽ cao hơn hẳn so với biên chế". Ông cũng cho rằng những giáo viên có chuyên môn cao và ý thức tốt không nên quá lo lắng về thay đổi này.
VTV1