MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công an dự kiến giảm 20 sở phòng cháy chữa cháy

02-07-2018 - 14:45 PM | Xã hội

Đó là thông tin được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay (2-7).

Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ sáu tháng đầu năm, ông Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã ban hành hai nghị định cắt giảm, đơn giản hóa hơn 700 điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành thuộc ngành công thương, y tế.

Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm đã cắt giảm trên 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu, 90% sản phẩm doanh nghiệp được phép tự công bố, tiết kiệm 7,7 triệu ngày công, tương đương trên 3.100 tỉ đồng. Lĩnh vực khoa học, công nghệ đã chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa sang áp dụng cơ chế hậu kiểm.

Bộ Công an dự kiến giảm 20 sở phòng cháy chữa cháy - Ảnh 1.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.

Nói về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Chủ nhiệm VPCP cho biết các cơ quan hành chính đã tinh giản biên chế gần 4.300 người, đơn vị sự nghiệp công lập tinh giản gần 25.000 người, công chức cấp xã tinh giản gần 5.800 người.

Ngoài ra, các bộ, ngành đã sắp xếp giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục. Riêng Bộ Công an đang sắp xếp theo hướng không còn sáu tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp cục còn 60, giảm 20 sở cảnh sát PCCC.

Cùng với đó, Chính phủ tổ chức hội nghị về công tác giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Đồng thời rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi đất, bồi thường thiệt hại… để bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân.

Kịp thời xác minh, chỉ đạo xử lý các sự việc nổi cộm được dư luận, nhân dân phản ánh và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư… để có các giải pháp, quyết sách chỉ đạo, điều hành phù hợp.

Cạnh đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng chỉ rõ một số tồn tại như chất lượng xây dựng thể chế chưa đáp ứng yêu cầu, việc chuẩn bị một số dự án luật còn chậm, phải xin lùi tiến độ.

Việc thực hiện quy chế làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi chưa nghiêm. Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả, nhất là việc phối hợp xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Vẫn còn tình trạng né tránh, ngại đề xuất những vấn đề mới có tính đột phá, chưa mạnh mẽ trong việc đề xuất phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát và trách nhiệm người đứng đầu.

Ngoài ra, một số địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống, để xảy ra sự việc gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng môi trường đầu tư và hình ảnh Việt Nam.

Theo Đức Minh

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên