Bộ Công an tập trung xử lý các đại án kinh tế
Bộ Công an khẳng định công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng có bước tiến mới, góp phần cảnh tỉnh, răn đe tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
- 06-09-2022Những chiêu trò “rút ruột” ngân sách - Bài 1: Thủ đoạn quen thuộc trong các đại án
- 26-08-2022Vụ án đất vàng Bình Dương: Vợ chồng đại gia Nguyễn Đại Dương mong điều gì?
- 18-08-2022Nữ đại gia bất động sản Đà Nẵng vỡ nợ 1.300 tỷ lãnh án chung thân
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.
Tội phạm tham nhũng và chức vụ tăng
Theo báo cáo, trong năm qua (tính từ ngày 1-10-2021 đến 30-9-2022), Bộ Công an và công an các địa phương đã tập trung điều tra, đặc biệt là những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo.
Trong thời gian trên, toàn quốc phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (giảm 36% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó đã khởi tố 2.390 vụ án với 4.135 bị can; phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 40%), trong đó đã khởi tố 501 vụ án với 1.211 bị can.
Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong những lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công…
Điển hình các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán là vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; vụ Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings; vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần ASA.
Trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điển hình là vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.
Còn trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công nổi lên nhiều vụ án lớn, như vụ án liên quan Công ty Việt Á; vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC; vụ án chia nhỏ gói thầu, lập chứng từ mua bán thiết bị giáo dục gây thiệt hại 15 tỉ đồng ở Bắc Giang; vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thiệt hại ước tính gần 25 tỉ đồng mà Công an TP Hà Nội vừa khởi tố…
Bộ Công an nhận định thời gian xảy ra dịch COVID-19, nước ta nổi lên loại tội phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch, nhất là liên quan hoạt động mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng chống dịch mà điển hình là vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và nhiều tỉnh, thành.
Việc đưa người Việt Nam về nước để chống dịch cũng bị lợi dụng để trục lợi với vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, địa phương. Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Đưa và nhận hối lộ", khởi tố hơn 20 bị can, trong đó có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực và các lãnh đạo, chuyên viên Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an và Vụ Hợp tác quốc tế - Văn phòng Chính phủ...
Các bị can bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, địa phương. (Ảnh do Bộ Công an cung cấp)
Được nhân dân rất đồng tình
Bộ Công an cho rằng tỉ lệ điều tra, khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều cơ bản được khẩn trương điều tra làm rõ. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng có bước tiến mới, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá cao công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong đó, Bộ Công an đã vào cuộc chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các tỉnh, thành liên tiếp điều tra, triệt phá nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, điển hình như vụ Việt Á, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao…
Cũng theo ông Hòa, trong năm 2021 và 2022, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo rất quyết liệt, xử lý "không vùng cấm" đối với loại tội tham nhũng, tiêu cực, được người dân rất đồng tình, ủng hộ.
"Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách, kẽ hở của pháp luật để trục lợi như vụ Tân Hoàng Minh, FLC, Việt Á… Các đối tượng phạm tội đã móc ngoặc với cán bộ có chức, có quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước để đục khoét ngân sách với số tiền rất lớn. Đây là những hành vi rất trắng trợn, cần phải có hình phạt trừng trị thích đáng" - ông Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng trong thời gian tới, Bộ Công an cần tiếp tục thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, phòng chống tham nhũng có hiệu quả; xử lý kiên quyết đối với những tội phạm có chức vụ, doanh nghiệp làm ăn không chính đáng.
Ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương:
Xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm
Trong thời gian tới, cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trọng tâm là kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm những điều đảng viên không được làm… Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm phải kịp thời kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh. Đồng thời thực hiện nghiêm túc các kết luận, chỉ đạo; thông báo Kết luận số 26-TB/BCĐTW ngày 23-8-2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, trọng tâm là công tác cán bộ; xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án đầu tư lớn; cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; hoạt động huy động vốn, phát hành trái phiếu...
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đang thực hiện: Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy đơn vị sự nghiệp trực thuộc trung ương kịp thời tự kiểm tra, rà soát và báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trong 3 tháng cuối năm, kiểm tra, kết luận, xử lý dứt điểm đối với các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm liên quan đến vụ việc của Công ty Việt Á; đồng thời thực hiện nghiêm túc các kết luận kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương…
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:
Đánh giá, dự báo đúng để phòng chống có hiệu quả
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Song song đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước gắn kết đồng bộ giữa phòng chống tham nhũng với phòng chống tiêu cực.
Tuy nhiên, công tác này còn có những hạn chế; cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn có mặt hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, còn thiếu tự giác chấp hành pháp luật, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực… Ngoài ra, tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, do một số đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực...
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng. Trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng chống có hiệu quả…
N.Hưởng ghi
Người lao động