Bộ Công Thương nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp thuế tự vệ với phân DAP và một số sản phẩm thép
Các doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị miễn trừ áp thuế tự vệ về Bộ Công Thương trước 17h ngày 2/4. Sản phẩm phân DAP/MAP đang bị áp thuế 1 triệu đồng mỗi tấn khi nhập về Việt Nam.
- 01-03-2021Giá phân bón thế giới tiếp tục tăng sốc ngay đầu năm
- 21-02-2021Nhập khẩu phân bón giảm mạnh do giá quốc tế tăng cao
- 13-02-2021Triển vọng thị trường phân bón thế giới năm 2021 sẽ sôi động cùng nhịp thị trường ngũ cốc
Ngày 3/3, Bộ Công Thương thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm phân bón DAP/MAP, sản phẩm phôi thép, thép dài, thép cuộn, dây thép nhập khẩu.
Cục Phòng vệ thương mại (thuộc Bộ Công Thương) đề nghị các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện được miễn trừ nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuộc 3 vụ việc nêu trên, bao gồm các tại liệu được quy định tại điều 14 và phụ lục 3 Thông tư 37/2019/TT-BCT trước 17h ngày 2/4.
Các biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP/MAP nhập khẩu được áp dụng từ 7/3/2018, có hiệu lực 2 năm. Đến tháng 3/2020, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát và đánh giá tác động của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, những điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng… Qua đó, Bộ Công Thương đã quyết định gia hạn mức thuế tự vệ trên 1 triệu đồng/tấn cho đến 9/2022 thì trở về 0.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, phân DAP ở Việt Nam khan hiếm, giá tăng vọt. Ngành sản xuất phân bón trong nước mới tự chủ được về urê trong khi các loại phân bón khác như DAP, NPK, kali vẫn phải nhập khẩu. Tình trạng thiếu container, giá cước vận chuyển tăng cao cộng thêm việc áp thuế tự vệ khiến giá nhập khẩu phân DAP nhập khẩu tăng cao, có loại tăng đến 49%. Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu đã có văn bản đề nghị Thủ tướng và Bộ Công Thương vào cuộc bình ổn thị trường, tạm ngưng áp thuế tự vệ với phân DAP nhập khẩu, giảm các thủ tục cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, các biện pháp tự vệ với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ 2016 với mức thuế từ 12,4-23,4%, đến 2020 tiếp tục gia hạn mới mức thuế từ 6,4-15,3% và về 0 từ 2023.
Với sản phẩm thép cuộn, thép dây nhập khẩu, Bộ đưa ra mức thuế nhập khẩu bổ sung là 10,9% kể từ 28/5/2019 đến 21/3/2020. Đến tháng 3/2020, gia hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế bổ sung 9,4%, giảm xuống 7,9% từ tháng 3/2021, xuống 6,4% từ tháng 3/2022 và về 0 từ 2023 trở đi (nếu không gia hạn).
NDH