Bộ Công Thương nói gì về điện một giá cao gần 3.000 đồng/kWh?
Bộ Công Thương cho biết phương án điện một giá bằng giá bán lẻ điện bình quân "không được sự ủng hộ của phần đông các bộ ngành" khi đưa ra lấy ý kiến.
- 11-08-2020Điện một giá: 2.890 đồng/kWh, chuyên gia nói "không hợp lý"
- 11-08-2020Biểu điện 'một giá' sẽ vì ai?
- 11-08-2020Điện sản xuất, kinh doanh sẽ được tính giá ra sao theo Dự thảo mới?
Bộ Công Thương mới công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong 2 phương án đưa ra, có cả đề xuất điện một giá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và người dân cho rằng phương án điện một giá đề xuất ở mức 145% (tương đường 2.703 đồng/kWh) và 155% (tương đương 2.889 đồng/kWh) giá bán lẻ điện bình quân là chưa phù hợp.
Đại diện Bộ Công Thương đã có những lý giải ban đầu khi đưa ra đề xuất điện một giá nêu trên. Theo đó, khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng biểu giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc 1 giá để phù hợp với mức tiêu thụ điện của khách hàng.
Bộ Công Thương cho biết phương án 1 giá, bằng giá điện sinh hoạt bình quân không nhận được sự ủng hộ của phần đông của các Bộ ngành đã lấy ý kiến. Giá điện bình quân hiện nay đang được quy định là 1.864,44 đồng/kWh. Như vậy, theo Bộ Công Thương, phương án điện một giá khoảng 1.864,44 đồng/kWh "không được sự ủng hộ của phần đông các bộ ngành".
Theo lý giải của Bộ Công Thương, với phương án một giá bằng giá sinh hoạt bình quân (tức 1.864,44 đồng/kWh), tiền điện các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000 đến 39.000 đồng/khách hàng/tháng.
"Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hàng năm tăng từ mức trên 1.000 tỉ đồng/năm lên khoảng 1.240 tỉ đồng/năm (tăng thêm khoảng 240 tỉ đồng/năm) do mức giá điện 1 giá cao hơn so với giá bậc 1 hiện hành"- đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý và đảm bảo khách hàng có thêm sự lựa chọn, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án 2 với hai kịch bản 2A và 2B để lấy ý kiến. Biểu giá điện ở Phương án 2A và 2B lần lượt được đề xuất ở mức 145% và 155% giá bình quân, tương ứng với mỗi phương án thì giá điện tại bậc thang thứ 5 sẽ được tính toán lại để giá điện sinh hoạt bình quân không đổi.
Khách hàng tùy theo lượng điện tiêu thụ thực tế có quyền lựa chọn áp dụng biểu giá theo 5 bậc thang hoặc 1 giá. Mỗi lần chuyển đổi giữa 2 phương thức tối thiểu là 12 tháng.
Là cơ quan chủ trì soạn thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương cho rằng các phương án bộ đưa ra đã khắc phục được một phần nhược điểm của biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt hiện hành.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng bày tỏ băn khoăn về cơ sở đề Bộ Công Thương đưa ra phương án điện một giá bằng 145% và 155% giá bán lẻ điện bình quân. Ông Long cho rằng giá điện bình quân đã được Chính phủ quy định, vậy cơ quan soạn thảo dựa vào yếu tố nào để tính toán mức giá cao như vậy.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết đơn vị này vừa nhận được dự thảo từ Bộ Công Thương gửi vào ngày 12-8. Cục Quản lý giá sẽ chủ trì, lấy ý kiến các đơn vị liên quan trong bộ để góp ý về dự thảo mà Bộ Công Thương đang xây dựng. Dự kiến, cuối tháng 8, cơ quan này sẽ gửi ý kiến đóng góp cho cơ quan soạn thảo.
Người lao động