Bộ Công Thương: Temu tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam
Trước tình trạng nhiều khách hàng “đứng ngồi không yên” vì sàn TMĐT Temu đột ngột “đóng băng”, Bộ Công Thương đã lên tiếng.
- 01-12-2024Sau quần áo và giày dép, Shein, Temu tấn công ‘mỏ vàng’ trăm tỷ USD của thế giới, doanh số liên tục tăng chóng mặt
- 31-10-2024Tại sao Temu lại rẻ như vậy? 5 lý do đằng sau mức giá thấp của Temu
- 31-10-2024‘Tối hậu thư’ dành cho Temu
“ Sau khi làm việc với Bộ Công Thương và được Bộ yêu cầu, Temu tạm dừng cung cấp dịch vụ.
Hiện các đơn hàng mua trên sàn Temu không được làm thủ tục pháp lý để thông quan vào Việt Nam. Chỉ khi nào được Bộ Công Thương cấp phép, cơ quan hải quan mới thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn ”, VTV Money dẫn thông tin từ Bộ Công Thương cho hay.
Về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh để yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới rà soát và thực hiện các trách nhiệm của nền tảng số trung gian đối người tiêu dùng tại Việt Nam.
Trước đó, nhiều khách hàng phản ánh các hoạt động giao dịch trên Temu hầu như đóng băng, sản phẩm đặt từ đầu tháng trước đến nay vẫn chưa nhận được.
Trên website của Temu, phiên bản tiếng Việt đã không còn. Hầu hết các giao dịch cũng như chương trình, chính sách thưởng hoa hồng của Temu đối với Affiliate Marketing cũng “biến mất”. Phía Temu thông báo cắt toàn bộ chương trình này.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã yêu cầu Temu khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý. Trong thời gian triển khai đăng ký phải thông báo với người tiêu dùng, đồng thời dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khi chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi.
Temu, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc PDD Holdings, hồi tháng 10 gây chú ý khi âm thầm gia nhập thị trường Việt Nam và Brunei. Trước đó, Temu đã xuất hiện tại các nước Đông Nam Á khác là Philippines, Malaysia và Thái Lan, sau khi “làm mưa làm gió” tại thị trường Mỹ dù chỉ mới ra đời 2 năm.
Nhịp sống thị trường